Huế, Sài Gòn, Hà Nội… có “Phố Tây” nhộn nhịp, sôi động, hấp dẫn với quán ăn, vui chơi, giải trí… thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến từ Châu Âu, Châu Mỹ…Thành phố Đà Nẵng trước đây làm gì có “Phố Tây” (chỉ mới có vào gần cuối tháng Tư, năm 2022 ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nhưng đã có “Phố Tàu” trước đó.

Tiệm chăm sóc sắc đẹp…không có ai chăm sóc tiệm!    

“Kẻ giấu mặt” thâu tóm đất đai…

Ðường ven biển Võ Nguyên Giáp kéo dài, qua địa phận của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Quãng đường thuộc về phường Hòa Hải và Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) có hàng trăm lô đất thuộc dạng “đắc địa”, là “miếng thịt thơm” cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Giới kinh doanh Trung Quốc (TQ) đã không bỏ qua cơ hội… bung tiền ra thâu tóm đất.

Người TQ không công khai mua đất mà “núp bóng” bằng cách nhờ người Việt hay người Việt gốc Hoa đứng ra giao dịch.134 lô đất nằm trong một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người TQ đứng tên sử dụng. Về cá nhân, có hai trường hợp mang quốc tịch TQ và Ðài Loan đã đầu tư dưới tên người Việt Nam (8 người, trong đó có 6 người Việt gốc Hoa) mua 84 lô đất, khoảng 20 nghìn mét vuông. Hiếm hoi cũng có người Việt, như ông L.P.C, kinh tế chẳng có gì là khá giả nhưng đứng tên nhiều lô đất thuộc phường Khuê Mỹ! Trường hợp này khiến dư luận xôn xao, đồn đãi… Chính một cán bộ lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn còn cho biết có hơn 70 người đứng tên mua hơn 130 lô đất cho người TQ.

“Hai trong một” đều…buồn hiu hắt

Ông N.Ð. cựu giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố đã từng kêu lên, hoạt động chuyển nhượng đất đai cho người TQ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Cả Bí thư Thành ủy T.T cũng cho rằng việc người nước ngoài đứng sau lưng người VN để mua đất là chuyện cực kỳ nguy hiểm, và yêu cầu các cơ quan chức năng lưu ý, thường xuyên kiểm tra(?)…

Xem thêm:   2 người thợ săn

Nhưng các quan chức trong đảng và chính quyền khi trả lời ý kiến của cử tri hay báo giới thì đều khẳng định là “Mọi vấn đề nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền thành phố” hoặc “Bà con yên tâm, chúng tôi sẽ cóbiện pháp kỹ thuật” để xử lý các vụ việc người TQ đứng đằng sau người Việt Nam để mua đất theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo cao nhất an ninh quốc phòng của đất nước” và “Quan điểm của thành phố là không biến khu vực đường ven biển trở thành “Phố Tàu” nên bà con yên tâm”. Xin nói thêm, khu vực đất ven biển này nằm gần sân bay trực thăng Nước Mặn, đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ. Và các bác quan chức từng tuyên bố hùng hồn như trên thì số bị khởi tố vì vi phạm pháp luật về đất đai, số “hạ cánh an toàn” từ năm 2018 đến 2019 rất nhiều.

Khách sạn treo biển bán

Nhà hàng, khách sạn… gặp hạn

Dọc con đường ven biển Võ Nguyên Giáp, chỉ kể từ đường Hồ Xuân Hương đi về phía Hội An, trên nhiều lô đất đã mọc lên hàng chục nhà hàng ăn uống, điểm chăm sóc sắc đẹp, massage, xông hơi, tiệm bán trầm hương, siêu thị, khách sạn nhiều tầng…Bên cạnh bảng hiệu quán ăn, nhà hàng, khách sạn bằng tiếng Việt là nổi bật…tiếng Trung. Khách hàng đến đây là khách du lịch từ Châu Á như Ðài Loan, Hàn Quốc, nhiều nhất là khách TQ…nên mới có tên là “Phố Tàu”. Bởi thế, có khách sạn chỉ nhận mỗi khách TQ lưu trú! Các dịch vụ này ở đây hoạt động không bao lâu thì dịch COVID-19 ập tới. Hết giãn cách xã hội đến cách ly y tế, “Ai ở đâu ở yên đó” rồi các chốt kiểm soát mọc lên theo chỉ thị phòng, chống dịch của Bộ Y tế khiến một thành phố sôi động rơi vào tình trạng buồn thảm, đìu hiu. Mọi hoạt động bị đình trệ. Khách du lịch Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…thưa hẳn.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn Việt đóng cửa. “Phố Tàu” cũng cùng chung số phận…hẩm hiu, ế ẩm. Không ít nhà hàng, khách sạn xuống cấp. Có nhà hàng bỏ hoang, có nơi thuê người bảo vệ, trông coi. Thỉnh thoảng vài ba người vào nhặt bao bì, chai nhựa hay có người dùng búa, khoan đập tường hàng rào nham nhở, đào bới kiếm sắt bán phế liệu…như chỗ không người. Có nhiều khách sạn đóng cửa im ỉm, không biết khi nào hoạt động trở lại. Khách sạn ở đây cái thì “then cài cửa đóng”, cái treo biển bán hoặc cho thuê, sang nhượng. Một tài xế taxi kể: “Trước dịch, hoạt động ở “Phố Tàu” cũng nhộn nhịp lắm chú nghe! Bọn con cũng nhờ đó mà có thu nhập, trả tiền lãi ngân hàng do vay mua xe. Trả được một nửa thì COVID-19 tràn tới, nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Khách lai rai nên khách sạn thu không đủ chi trả cho nhân viên, tiền điện nước và trả lãi ngân hàng nên cái đóng cửa, cái phải treo biển bán vậy đó”.

Nhà hàng cạnh tiệm bán trầm hương…im ỉm khóa

Hoạt động du lịch chưa hồi phục hoàn toàn, chưa thấy dấu hiệu gì khả quan, ngoài số khách du lịch trong nước đến Ðà Nẵng để xả xì-trét sau thời gian “cuồng chân”, bó giò ngồi yên một chỗ. Trong khi du lịch Ðà Nẵng vốn phụ thuộc vào khách TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng khách du lịch ở đây chưa trở lại, nhất là khách TQ. Lại thêm cuối tháng 12/2022, COVID-19 vẫn hoành hành tại TQ, ước tính có 1/4 dân số bị nhiễm virus.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Ðà Nẵng đang tiêu điều, xơ xác nên…chưa biết nó sẽ đi đâu, về đâu!  Riêng “Phố Tàu” có người nói vui:  Phố Tàu thì  đã chuyển về Tàu rồi chứ còn đâu nữa!

Nhà hàng ăn vắng người, kín cửa đã lâu

Bài & hình LKD