Có một thời trái thanh long là nỗi háo hức của chúng tôi mỗi khi đi xa trở về nhà ở Nha Trang. Thời ấy, chưa có những biện pháp ép thanh long ra hoa, cho trái trái mùa nên thanh long chỉ chín đỏ rộ vào hè. Những trái thanh long dù don don hay mập tròn, căng bóng luôn được vồ vập một cách nhiệt tình nhất với quan niệm của người lớn: ăn mát, tốt cho ruột. Mà thật, hồi đó ăn trái thanh long sao thấy nó ngon kỳ lạ!

Áo bà ba làm điệu trong vườn thanh long  

Nhà tôi thuộc loại nhà phố, trước đụng đường, sau đụng tường. Phía sau nhà tôi giáp vườn nhà bà Chín. Có một cây mít to, tỏa bóng mát bao trùm qua hồ nước phía trên toilet nhà tôi. Những dây thanh long gá vào cây mít này mà sống, đơm hoa kết trái.

Một thời tuổi nhỏ, việc canh trái thanh long từ cái bông đến thành trái là sự náo nức, hồi hộp, mong chờ của lũ chúng tôi. Buổi trưa không ngủ trèo lên hồ nước từ cái cầu thang ngoài trời bẻ trộm trái nào chín vừa đúng tầm tay. Có khi bị bà Chín bắt gặp, cái chỉ tay hăm dọa của bà đâu khiến chúng tôi sợ hay cản được cái sự tinh nghịch của con nít, hơn cả việc thèm ăn.

Thời bao cấp (1) đi học xa nhà, sức thanh niên ăn gì cũng thấy ngon, không biết no mà những bữa cơm thì luôn thường trực lỏng chỏng mấy miếng thịt mỡ trôi lững lờ trong tô canh chỉ toàn nước, mà chúng tôi gọi là “canh toàn quốc”; hay nước lã pha với muối, màu, bột ngọt được gọi là nước mắm. Ngay cả rau xanh không hiểu sao cũng thiếu, thì những trái thanh long chín mỏng vỏ, cắt ra xẻ làm 6, rồi chỉ cần lột nhẹ cái phần vỏ bên ngoài, tận hưởng từ từ vị ngọt thanh pha chút xíu vị chua, mát miệng luôn là “thiên đường của mơ ước”!

Thiên đường hơn nữa là trái thanh long có thể ăn no, ăn hết, không bỏ hột vất vả như mãng cầu hay phải cẩn thận lấy cái hột khi ăn sa-pô-chê. Lại nhớ thêm câu chuyện vui, cái thời ở ký túc xá, đói ăn, thèm đủ thứ thỉnh thoảng chúng tôi lại đố nhau, ai ăn thanh long nhè được hột, rồi ôm bụng cười cho quên cái thèm, cái đói!

Xem thêm:   Tranh tài lướt sóng US Open 2024

Cái thời mà, mỗi khi đến miền Trung từ Phan Thiết cho đến Khánh Hòa, món quà đầu tiên khách nghĩ đến là trái thanh long mang về, nó không quá cao sang, đắt đỏ nhưng cũng không tầm thường khiến người nhận thờ ơ.

Dì tôi từ Sài Gòn về Nha Trang, món quà mẹ tôi cho dì mang đi luôn là những trái thanh long bọc cẩn thận trong giấy báo, mẹ đặt nhẹ nhàng trong cái giỏ cũng lót mấy lớp giấy một cách nâng niu; dặn đi dặn lại dì đừng để bị giập và thật hồi hộp khi trên những chuyến xe đò hồi ấy chật ních người và hành lý.

Thời gian trôi đi, cuộc sống với những biến động thăng trầm, trái thanh long cũng không loại trừ quy luật “thịnh – suy”.

Thanh Long bán bên đường

Khi thanh long được trồng nhiều và xuất bán ra nước ngoài, người giàu lên nhờ thanh long, kéo theo nhà nhà trồng thanh long… Và rồi, để tạo thương hiệu cùng lợi nhuận, người ta lấy giống mới về, bày thêm cho thanh long đủ kiểu ruột vàng, ruột đỏ, vỏ vàng, ruột trắng… Tuy nhiên là lúc người tiêu thụ trong nước bắt đầu thấy nó thường hơn những loại trái cây khác.

Tôi cũng như nhiều người thờ ơ nhìn trái thanh long theo kiểu  cái gì nhiều quá thành không ngon. Nhất là khi nó không còn được trồng theo cách tự nhiên bao đời nay.

Thanh Long vào mùa đỏ rực ở chợ chỉ có các bà nội trợ lớn tuổi mua về đơm ngày rằm hay chưng bàn thờ ông địa. Nhiều khi chưng đến héo, nhăn nhúm lớp vỏ ngoài, không ai ăn, đành bỏ!

Rồi đến lúc cung vượt quá cầu, trái thanh long dồn ứ không bán được khi thương lái Trung Quốc ép giá ngừng mua thì nhà vườn điêu đứng, đành ngậm ngùi bỏ đống, thừa mứa đến nỗi phải cho bò, gà ăn…

Xem thêm:   Phố cổ Yaletown & Gastown

Từ trái làm giàu, thanh long trở thành bài toán đau đầu cho nhà nông, cho các nhà nghiên cứu kinh tế, nông nghiệp… Và tôi cũng quên luôn nó…

Tuy nhiên, mới đây có dịp  ngồi xe lửa đi dọc dải đất miền Trung, đồng lúa nối tiếp đồng lúa, những cánh rừng cây thưa thớt khô cằn, những đồi cát nắng nóng bỏng, chói mắt… tôi chợt bàng hoàng khi thấy hoa thanh long nở trắng trên một vạt đồi. Thanh  long mọc tự nhiên gá vào những cây lớn dạng mít, xoài, cây rừng… vươn ra xung quanh như những cánh tay xương rồng dài ngoẵng đính trên đó những bông thanh long sang trọng, đài các, duyên dáng, dịu dàng, trắng lớp nối tiếp nhau sáng rực một vùng cây khô, xơ xác.

Kỳ diệu hơn nữa, hết vạt đồi hoa trắng, rừng như rực lên bởi những cánh tay xương rồng đính đầy trái chín đỏ vào mùa. Người ta nói rằng ở một nơi nào đó, khi nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhau khá cao, cây sẽ cho trái ngọt hơn. Và riêng trái thanh long sẽ không tiếp tục chín thêm hay ngọt thêm sau khi bị hái xuống, trái chín mọng trên cây tích lũy tối đa độ ngọt nên tôi tin chắc những trái thanh long rừng này sẽ rất ngon. Chợt hiểu, thanh long về chợ không ngon bởi người ta đã không chờ đến khi chất ngọt của trái được chuyển hóa hết trên cây do trái chín khi vận chuyển dễ bị hỏng.

Lại nhớ có lần đi cắm trại ở một đảo hoang, điều thú vị hôm đó là chúng tôi tìm được mấy trái thanh long đang mùa chín đỏ, ăn ngọt mê ly luôn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết trái thanh long ở rừng hay ở đảo ngon đến vậy!

Thanh Long nhà bạn tôi ở Mỹ

Vạt thanh long trên triền đồi lướt qua cùng lúc ký ức được kích họat nhanh chóng. Ở đó trái thanh long là sự thèm thuồng kèm thêm nỗi nhớ nhà nhiều khi quay quắt. Ở đó có trái thanh long ướp lạnh hay ly thanh long đá – đường má làm sẵn, dịu mát những trưa hè nóng nực. Ở đó là những trái thanh long chín đỏ treo lủng lẳng trên cây mít phía sau nhà. Ở đó một thời khó khăn, mỗi trái thanh long được mẹ bọc kỹ mấy lần lớp giấy báo mà vẫn chưa an tâm…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 8 năm 2024

Lại nhớ nhiều năm trước bạn tôi ở Mỹ hay gởi hình khoe giàn thanh long nhà bạn, đất trồng tốt đến nỗi vào mùa tôi chỉ thấy màu trái, bạn nói toàn đem cho chứ nhà ít người ăn không hết. Bạn trồng thanh long và vài loại cây nhiệt đới cho đỡ nhớ Việt Nam.

Mấy năm trước, chúng tôi có chuyến đi chơi từ Sài Gòn ra Phan Thiết lên Đà Lạt. Ngang qua một vườn thanh long chín đỏ nổi lên giữa bao la ruộng lúa bên Quốc Lộ, cả đám rú lên mừng rỡ khi có chỗ để xuống chụp hình, “check-in”. Thôi thì đủ kiểu làm điệu, áo bà ba, nón lá, đẩy xe cút kít… Xong ngồi lại nói chuyện với chủ vườn và mua ít thanh long, 10 ngàn đồng một ký, rẻ như cho mà ái ngại! Chủ vườn bảo: “Cám ơn các chị ủng hộ nhà vườn. Vậy là được giá lắm rồi, có năm chỉ 3 ngàn đồng một ký, lỗ công hái”.

Bây giờ thanh long lai rai có quanh năm mà không đợi đến hè. Rộ mùa, thanh long xếp đống cao bên đường, cạnh những rau trái bí bầu mướp, cà chua…, tiếng rao phát ra từ cái loa: “Thanh long mười lăm ngàn hai ký, bao ngọt”, giọng miền Nam, chữ “ngọt” kéo dài nghe ngọt lịm khiến tôi dừng xe mua vài trái, biết chắc rằng đem về nhà chỉ mình tôi ăn vì ai nấy đều ngó lơ. Trong siêu thị bên cạnh những ô thanh long vỏ đỏ còn có thanh long vỏ vàng, tôi chưa ăn nên không biết có ngon không. Những trái thanh long vàng càng khiến tôi nhớ những mùa thanh long cũ, những bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười vui khi mẹ dọn lên món tráng miệng cuối cùng… Một đời cha vất vả ngược xuôi, mẹ chắt chiu từng đồng bạc mong con cái nên người…

Ôi, những mùa thanh long êm đềm trong ký ức, mùa ngọt ngào yêu thương!

Bài và hình ĐTTT

(1)  Kinh tế Việt Nam giai đoạn 1976-1986.