(Những chuyện bên lề)

Lần này ghé Nhật, tôi được người dẫn Tour dẫn đi dạo Khu Kabukicho ở Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản về đêm. Khu này được gọi là “khu đèn đỏ” tập trung nhiều quán rượu, khách sạn tình yêu, cửa hàng, nhà hàng, hộp đêm và nó thường được gọi là “Thị trấn không ngủ”. Tôi sửng sốt khi khám phá một điều mới lạ. Tôi thấy lạ vì nghề hầu rượu ở Nhật đã có từ lâu nhưng giờ sao nó quá thịnh hành dưới hình thức các quán ăn có bán rượu và chiêu đãi viên đứng mời mọc khách công khai trên đường phố đông người qua lại. Tôi thấy một hàng dài các cô, cậu tuổi teen đứng xếp hàng mặc quần áo kiểu Cosplay (hoá trang) tay cầm các tấm bảng đề giá tiền như 1,000 yên một giờ hay 2,500 yên cho 3 giờ. Hỏi người Tour dẫn đường tôi mới té ngửa ra họ là các cô cậu đang mời mọc khách thuê bao họ, cho những buổi hầu rượu với giá khoảng từ 1,000, 3,000 yên trở lên 1 giờ tức từ 17 tới 20 đồng đô la một giờ. Điều khiến mọi người chú ý hơn, là họ đứng ngay ở đường lớn, nơi có nhiều người và du khách qua lại. Có vài cô đeo khẩu trang, phần còn lại thì không. Khi thấy bị chụp hình, có người né, che mặt lại, có người tỉnh bơ. Tôi thầm băn khoăn tại sao các cô cậu thanh thiếu niên Nhật công khai mời mọc khách bằng các bảng giá quảng cáo giá tiền như thế. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới vỡ lẽ ra, nghề hầu rượu này là một nghề lương thiện, kiếm được tiền và còn lành mạnh cho con người nữa.

Khách được trò chuyện, uống rượu, chiều chuộng nhưng không được đụng vào người hầu rượu. Người nào làm xằng hay bất nhã sẽ bị đuổi ra khỏi quán. Người hầu rượu sẽ trò chuyện giải khuây, ca hát, nhảy múa hay làm những điều khiến khách hết cô đơn, buồn bã, tẻ nhạt, sau những giờ làm việc cực nhọc. Người hầu rượu được huấn luyện để sành sỏi tâm lý của khách hơn. Họ học cách làm cho khách vui lòng, rành rẽ mọi đề tài để tìm hiểu và tạo cảm thông với khách. Ngoài ra phần lớn họ có ngoại hình và ăn mặc đẹp.

Ngày xưa Nhật có Geisha hầu rượu trong các quán rượu, ngày nay thì Hostess và Host Clubs lên ngôi. Đó là các quán rượu có bán rượu, thức ăn và dịch vụ hầu rượu. Họ-người hầu rượu- có thể là học sinh, hay đã trưởng thành và đi làm. Các cô, cậu đi làm nhưng lợi tức không đủ sống, muốn đi làm thêm giờ phụ trội để kiếm tiền mua sắm, tiền học phí, tiền thuê nhà hay giúp đỡ cha mẹ già yếu không thể trả tiền chi phí thuốc men hay cuộc sống. Họ- những người khách- có thể đến vì cô độc, cô đơn, vì cuộc sống khô khan, tẻ nhạt, buồn bã hay vì áp lực công việc. Họ có chuyện buồn trong gia đình, hoặc nhiều lý do khác đã đến quán rượu tìm quên hay tìm vui, đều được tiếp đãi ân cần trong vài giờ thoải mái, say sưa bên men rượu và người đẹp. Khách thường được khuyến khích uống nhiều rượu và những loại rượu đắt tiền. Nhất là các buổi sinh nhật hay ăn mừng được tổ chức ở đó, các ly rượu được xếp hình kim tự tháp và những chai rượu đắt tiền được khui ra mà dĩ nhiên khách là người phải chi trả. Có người sạt nghiệp hay phá sản, vì mê người hầu rượu!!! Có những cô gái vì mê trai đẹp mà tiêu hết tiền vào dịch vụ này đến nỗi túng thiếu, nợ nần rồi lao vào con đường bán thân bằng cách ra đứng đường ở một khu phố ở Nhật để đón khách để đưa vào các Khách sạn Tình yêu (Love Hotel) !!!

Mời khách trên đường phố Tokyo 

Xin nói thêm về cuộc sống mưu sinh thường ngày của người Nhật. Người dẫn Tour là một người sinh ra và lớn lên ở Nhật, kể tôi nghe rằng Chính phủ Nhật lúc nào cũng muốn thúc đẩy dân Nhật đi làm ngay từ lúc mới ra trường. Có nhiều thanh thiếu niên vì cần tiền đã bỏ học mà đi làm trước khi ra trường.

Xem thêm:   Thợ ngói âm dương

Theo truyền thống, người Nhật coi trọng việc làm và nơi làm việc của họ như ngôi nhà thứ hai mà họ sẽ làm việc cho đến cuối đời. Họ làm việc quần quật và quá sức từ xưa đến nay. Văn hóa này vẫn còn tồn tại. Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy cứ 10 người lao động Nhật Bản thì có khoảng một người làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Trong đó cứ 5 người thì có một người có nguy cơ bị Karoshi (chết vì làm việc quá  sức)- có thể là do đột quỵ, đau tim hoặc tự tử do căng thẳng. Báo cáo năm 2023 ghi nhận 21.8 ngàn người tự vẫn chết ở Nhật. Trong đó số trẻ em tự vẫn lên tới 20%. Người dẫn Tour có cho tôi biết cảm giác của ông khi còn đi học bị áp lực đủ mọi phía từ gia đình, học đường và chính phủ lúc nào cũng chỉ muốn thanh thiếu niên đi làm. Anh ta chưa học hết đại học đã ra đời đi làm và hành nghề dẫn Tour được 7 năm. Anh rất yêu thích nghề này.

Tôi hỏi thêm về tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật. Anh bảo, chỉ khoảng 1 rưỡi hay 2% mà thôi.

Tôi hỏi thêm rằng chính phủ Nhật có những chương trình trợ giúp người nghèo hay già yếu không và khoảng bao nhiêu phần trăm người hưởng trợ cấp Welfare ở Nhật. Anh bảo khoảng 1.6%. Anh thêm, ăn Welfare ở Nhật rất khó khăn, vì chính phủ điều tra rất kỹ, xem người đó có thật sự là dân Nhật (phải là cư dân Nhật) nghèo khó mấy đời hay không? Mức nghèo đói để thụ hưởng phải là nghèo mấy đời mới đủ tiêu chuẩn. Luật lệ đặt ra rất gắt gao gây áp lực cho người đi xin và chính phủ cố gắng đẩy họ đi làm. Ngoài ra số tiền trợ cấp được cho rất ít khoảng 65 ngàn yên tức khoảng 490 Đô Mỹ mỗi tháng cho một gia đình, không đủ sống. Tuy nhiên sự tự hào theo truyền thống ăn vào máu, bắt người Nhật phải tự đi làm để kiếm sống.

Xem thêm:   Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Bạn có xuống thế giới Metro xe điện ngầm của Nhật bạn mới thấy người Nhật bị áp lực nhiều như thế nào. Họ đi rất nhanh, vội vã, đông như kiến, ít cười nói, trên xe điện cũng vậy, không ai nói chuyện với ai. Lúc nào tàu cũng chạy đúng giờ, người cũng đi nhanh cho kịp chuyến tàu và đi như những dòng chảy luân lưu, không ngừng nghỉ.

Ý kiến mở ra những quán rượu có người hầu chuyện trò, có lẽ là một ý kiến sáng chói và là một phương pháp trị liệu bệnh áp lực vì công việc rất hiệu quả. Sau những giờ phút nhọc mệt và căng thẳng đầu óc, có một người ngồi nghe và nói với mình những lời êm tai, kể cho mình những mẫu chuyện hay, nhảy hay hát với mình những bài tình ca lãng mạn thì đầu óc ai mà không thư thái, dễ chịu hơn phải không các bạn?

Đó là câu chuyện của người Nhật trên đất Nhật, nhưng còn người Việt mình ở đất Nhật thì sao? Sở dĩ tôi có câu hỏi này vì tôi đã gặp người Việt mình ở phi trường Haneda của Tokyo và chính người Việt đã giúp đỡ tôi nồng nhiệt, mang lại cho tôi một cảm giác ấm áp biết là bao.

Số là khi xuống phi trường Haneda, tôi phải đi tìm chỗ hẹn của Tour đặt từ trước để lấy Shuttle Bus về khách sạn. Tổ chức Tour bảo tôi họ sẽ liên lạc bằng phone hay text cho tôi địa điểm để ra chỗ hẹn đón xe Bus của khách sạn, xe này sẽ đưa tôi đến khách sạn mà họ đặt sẵn cho tôi ở Tokyo. Tôi xuống phi trường lúc 3 giờ chiều mà chẳng thấy họ gọi hay text của họ, làm tôi cứ lóng ngóng mãi ở phi trường rồi tôi quyết định đi tìm Taxi để về khách sạn. Ở phi trường, tôi vào văn phòng information của phi trường hỏi, để biết chỗ nào là cửa ra và đón Taxi. Người nhân viên nói tiếng Anh quá yếu chỉ bập bẹ vài tiếng Anh và đưa tôi cái bản đồ bảo tôi đi Metro hay Taxi mà về khách sạn. Cầm cái bản đồ lơ ngơ tìm đường, bỗng dưng tôi gặp một anh còn trẻ đứng gần đấy đang nói chuyện điện thoại với ai bằng tiếng Việt. Mừng quá tôi hỏi anh về tấm bản đồ và đường ra trạm Taxi. Anh sống ở Tokyo và ra phi trường đón người thân là vợ và mẹ vợ đi chơi xa về. Trò chuyện qua lại một hồi, thấy tôi bơ vơ giữa đất người, anh tình nguyện chở giùm tôi về khách sạn xa khoảng 30 phút. Mẹ vợ anh, người tầm độ 45 tuổi nói chuyện rất cởi mở, vồn vã, tự nhiên. Chị kể chị cũng từng qua Mỹ và đi tìm bạn bơ vơ ở đó với thứ tiếng Anh bập bẹ và chị cũng từng được người lạ giúp, nên giờ chị giúp tôi lại thì có gì đâu. Xuống xe về khách sạn, tôi thấy tình người Việt mình thật nồng thắm và đáng yêu biết bao. Khi ấy tôi mới nhận được text từ tổ chức Tour chỉ dẫn đường ra Shuttle Bus !!!

Xem thêm:   Nhà cổ, phố cổ, băng tuyết &...

Trên xe, chị đã kể tôi nghe chị đến Nhật ra sao, đi làm công những việc chân tay thế nào, bây giờ đã có nhà ở Nhật, sống thoải mái và rất yêu thích đời sống ở đây. Ở Nhật lâu, có lẽ chị và con cái chị đã thấm nhuần những đức tính và kỷ luật của người Nhật.

Nói đến con số người Việt định cư ở Nhật thì theo Wiki cho tới tháng Sáu năm 2024, tại Nhật có hơn 600 ngàn 348 người Việt sống tại đây. Con số này biến người Việt thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, sau người Trung Quốc và người Hàn Quốc. Phần lớn người Việt Nam tại Nhật Bản là những người tị nạn được nhận vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Một số ít hơn là những người lao động nhập cư bắt đầu đến vào năm 1994.

Ở Nhật Bản, có lẽ hầu hết những người lao động đến từ các quốc gia nghèo hơn đã giúp cho chính phủ Nhật một nguồn lao động giá rẻ và giúp ngăn chặn vấn đề thiếu hụt lao động mà đất nước này hiện đang phải gánh chịu.

Các chiêu đãi viên Nam

Bài và hình TTT