Hàng năm mùa tựu trường cũng là mùa mua sắm trở lại trên nước Mỹ. Phụ huynh cùng con cái của họ hào hứng đổ xô vào các shopping mall mua sắm các thứ cần thiết cho năm học mới, từ quần áo, giày dép, dụng cụ, máy móc cần thiết cho niên học như laptop, tablet… Tiện thể người lớn cũng không quên lựa kiếm quần áo mùa Hè đang on sale và ngắm nghía thời trang mùa Thu đang bày ra… Mùa mua sắm này là mùa “back to school”.
Bên trong shopping mall Galleria ở Houston Photo: thạch thảo / trẻ
Những sinh hoạt này gợi lên hình ảnh cổ máy kinh tế trong nước liên quan đến sản xuất, mua bán và tiêu dùng bắt đầu tăng tốc độ. Nghĩa là liên quan đến công ăn việc làm, nghề nghiệp, income của người dân Mỹ.
Nhưng năm nay là năm thứ 2, đại dịch COVID-19 đã đưa người dân Mỹ trải qua các suy nghĩ và hành động khác nhau. Nhiều hoạt động như mua sắm, sinh hoạt từ gia đình cho đến xã hội tại các địa phương trên toàn quốc vẫn chưa phục hồi nhiều như mong muốn. Dù thông tin từ Toà Bạch Ốc cho biết số người tiêm chủng liều đầu tiên của vắc-xin coronavirus đã tăng hơn 70% kể từ giữa tháng 7; và dù người dân ra vào các trung tâm mua sắm có đông hơn…
Các lý do được khảo sát cho thấy dân chúng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Ðầu tiên, công việc làm vẫn chưa ổn định; nhiều nhân viên đi làm lại nhưng bị giảm giờ, giảm ngày ảnh hưởng thu nhập. Ðồng lương một số ngành nghề giữ nguyên không tăng trong khi đời sống khó khăn cùng chi phí vật giá đắt đỏ.
Chợ HEB Houston. Photo: thạch thảo / trẻ
Giá nguyên liệu và vận chuyển lên cao, lại thiếu nhân viên cung ứng làm giá cả lên vùn vụt, nhất là những nhu yếu phẩm, khiến người ta kêu trời.
Bề nổi của bức tranh kinh tế là thiên hạ vẫn ngại vào những nơi đông người trong tình hình biến thể Delta đang lây lan khiến sức mua sắm tại các siêu thị giảm mạnh.
Thời gian qua, số hàng tiêu thụ trực tuyến trên mạng chiếm ưu thế hơn khiến một số cửa tiệm rơi vào tình trạng bi đát khốn đốn khi doanh thu sút giảm; đường cùng đành chọn giải pháp khai phá sản và nhân viên mất việc.
Khách dạo trong mall Galleria Houston. Photo: thạch thảo / trẻ
Rõ ràng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi cách thức, thời điểm, địa điểm mua sắm và những thứ cần mua. Lòng trung thành với thương hiệu bị lung lay qua mức chi tiêu vẫn ở dưới mức dự kiến. Một phần ba người Mỹ đã báo cáo thu nhập của gia đình bị sút giảm và 40 phần trăm nói rằng họ đang chi tiêu cẩn thận hơn.
Thật vậy, người tiêu dùng bớt đi những khoản chi tiêu trong danh mục không quan trọng như quần áo, hàng hiệu, xe cộ và du lịch. Phần lớn người ta tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, hàng tạp hóa, đồ dùng cho gia đình con cái.
Tỷ lệ 3/4 người tiêu dùng Hoa Kỳ đã thay đổi về dự định mua sắm. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy dòng người qua lại trong các Mall thì hầu hết vì niềm vui dạo chơi thích nhìn “window” hơn là mua sắm thực sự.
Một góc của tiệm Macy’s rất vắng. Photo: thạch thảo / trẻ
Theo các cơ quan thăm dò thì số phần trăm người Mỹ lạc quan về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng chỉ tới 30%. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng dự định chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm trong năm nay.
Tại Houston, Austin, Katy, Dallas… thuộc tiểu bang Texas, một số Mall như The Galleria – trung tâm mua sắm nổi tiếng nằm trong top của nước Mỹ vào thời gian chuẩn bị “Back to School “ năm nay, tuy số người vào ra rất đông nhưng tay xách, nách mang những túi hàng hóa ra xe không bằng những năm bình thường trước đây.
Các cửa hàng đồ hiệu lại càng thưa người vào ra.
Bên trong tiệm Memorial. Photo: thạch thảo / trẻ
Trở lại vấn đề bà con mua hàng online nhiều hơn thì cô Jennifer Le trả lời phóng viên Trẻ rằng: “Thực sự em biết người ta cũng như em vẫn thích mua sắm áo quần tại các cửa tiệm hơn vì mình trực tiếp sờ mó, ngắm nghía, món đồ mình muốn. Em vẫn nuôi lạc quan là sẽ được làm việc trở lại tại cửa tiệm bán quần áo ở hệ thống cửa hàng dưới mặt đất Downtown Houston như trước đây thay vì bây giờ phải làm cho Amazon. Ðược tiếp xúc với con người trong việc bán hàng quần áo thời trang đầy màu sắc mới thực sự là niềm vui, vừa là giải trí của em.
Vì vậy, em mong mọi người đều tiêm vaccine thì nước Mỹ mới hết dịch COVID-19 để mọi lĩnh vực của đời sống sớm ổn định.”
Thật sự, nhìn vào mặt tích cực thì một cuộc khảo sát từ các siêu thị lớn cho thấy, nhiều người ở Hoa Kỳ đang dần quay trở lại cuộc sống bình thường khi ngày càng có nhiều người Mỹ nhận vắc xin COVID-19 tiêm phòng đầy đủ. Dù biến thể Delta có những cảnh báo từ Y Tế, nhưng dường như thiên hạ ít sợ hơn lúc đầu và họ bước ra ngoài càng ngày càng nhiều.
Khu phố dưới lòng đất downtown Houston thưa vắng người. Photo: thạch thảo / trẻ
Người ta háo hức đi ăn uống ở ngoài vào cuối tuần hay đi ăn tối, mỗi ngày càng nhiều hơn, thay vì tiêu tiền cho mua sắm như trước.
Nhiều nhà hàng và quán bar buôn bán gần như bình thường. 85% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch đi ăn ngoài thường xuyên hơn. Trong hoàn cảnh khác nhau, người ta vẫn kiếm lý do để gặp gỡ bạn bè hoặc như sự bù đắp trong thời kỳ xã hội giãn cách.
Nhưng nhìn chung đa số người Mỹ trong các sinh hoạt vẫn mang khẩu trang, gần 60% những người được khảo sát cho biết họ cũng rất cẩn thận về việc quay lại các hoạt động bình thường. Ông Tonny Phan, một người Mỹ gốc Việt tại Austin nói: “Gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ COVID-19 sẽ ít có khả năng bị nhiễm vi rút, bị bệnh nặng hoặc lây lan sang người khác nên không lo ngại lắm khi đến nơi tấp nập. Tôi chỉ lo cho nền kinh tế Mỹ là làm thế nào phải sớm phục hồi và ai cũng có việc làm cũng như thu nhập ổn định mới là điều quan trọng”.
Bên ngoài Khách sạn Westin ở Houston. Photo: thạch thảo / trẻ
Cho đến nay, phản ứng của liên bang đối với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra là đã phân phối 3,200 đô la cho mỗi người lớn đủ điều kiện. Trong đó là 1,200 đô la theo Ðạo luật An ninh Kinh tế và Cứu trợ Coronavirus vào tháng 3 năm 2020; 600 đô la trong một biện pháp cứu trợ tháng 12; và 1,400 USD theo Kế hoạch Giải cứu Mỹ do Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 3.
Dù vậy, theo thống kê, hàng triệu người Mỹ vẫn gặp khó khăn về tài chính. Một phần tư người Mỹ vẫn phải vật lộn để thanh toán các chi phí gia đình của họ.
Việc người tiêu thụ sẵn sàng rút lui chi tiêu không cần thiết trong giai đoạn này cũng chỉ là một dấu hiệu ngắn hạn trong khi chờ kinh tế phục hồi toàn diện.
Nước Mỹ vẫn là một quốc gia ứng phó với mọi hoàn cảnh nhanh chóng và hiệu quả nhất thế giới.
Một góc thành phố Cypress, Houston. Ngoài đi mall, bà con dạo công viên nhiều hơn. Photo: thạch thảo / trẻ
TT