Đi đâu khi chỉ có một ngày rảnh rang ở Đà Nẵng và mọi thứ đã thuộc làu với tôi nhiều năm nay? Tôi mở điện thoại, tìm lại số của hai bạn chạy Grab mà tôi quen khi lang thang khám phá Đà Nẵng 4 năm trước; hai bạn ấy rất nhiệt tình chở tôi đi, chia tay còn kèm lời đặn: “Khi mô cô ra Đà Nẵng, nhớ gọi con nghe”.

Đường vòng cung ở Hòa Bắc – Hình Internet       

Tôi gọi cho N. Nhớ năm ấy, N chở tôi đi hết đường đèo Hải Vân rồi quay về, cậu còn chịu khó chờ tôi nói chuyện với người gác hầm xe lửa trong lúc đợi tàu qua hầm để chụp hình. Hay trên đường đi có cảnh nào đẹp, cậu rất vui vẻ chụp hình cho tôi. N nói: “Con chuyển việc khác, không chạy Grab nữa, cô ơi”. Tôi chuyển sang gọi cho H, đã có lần đưa tôi đi loanh quanh khắp nơi trong thành phố, qua Sơn Trà, xuống cảng Tiên Sa … H nói: “Con nhớ cô rồi, nhưng bây giờ con chạy grabcar, cô có đi được không?”.

Tôi nói với H rằng, đi theo cách của tôi H cũng biết rồi đó, len lỏi nơi này nơi kia, phải xe máy mới tiện. Lát sau, H gọi lại: “Cô ơi, cô tìm được ai đưa đi chưa, nếu chưa, con giới thiệu đứa em, sáng mai qua đưa cô đi”.

Làng sát chân núi

Hòa Bắc

Đúng 7 giờ sáng, Nh, bạn chạy GrabBike (qua lời giới thiệu của H ở trên) đến đón tôi theo điểm hẹn. Vừa gặp, Nh nói với tôi, hôm qua điện thoại cho cô xong, con search những địa điểm có thể check – in để đưa cô đi, khiến tôi an tâm có bạn đồng hành hiểu biết cả về đường đi và cách đi, dừng lại nơi nào, lướt qua nơi nào để không mất thời gian.

Đi trên cao tốc La Sơn – Túy Loan, đoạn qua Đà Nẵng, nhìn xuống xã Hòa Bắc (thuộc huyện Hòa Vang) một vùng xanh mướt quyến rũ với cây rừng, vườn, đồi … níu bước chân khám phá của du khách.

Lều trại cho thuê.

Cách trung tâm thành phố khoảng 35 km, xã Hòa Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà – Núi Chúa. Một làng nằm ôm theo chân núi sở hữu những cánh rừng xanh mướt, có dòng sông Cu Đê uốn lượn … Đây là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu. Những năm gần đây, Hòa Bắc chú trọng việc phát triển du lịch.

Xem thêm:   New York cuối năm

Đường vào Hòa Bắc khá thuận lợi và đẹp. Nhìn lên đường cao tốc La Sơn khi ẩn lúc hiện giữa màu xanh cây cỏ. Đi trên cao tốc đã thấy đẹp rồi vì con đường vòng phía sau rừng Bạch Mã, có những đoạn uốn lượn ngoạn mục lắm. Tuy nhiên, từ dưới nhìn lên lại thấy một cảnh sắc khá nên thơ. Bên cạnh là dòng sông Cu Đê có chiều dài gần 40 km, gồm hai chi lưu chính là sông Bắc và sông Nam bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Dòng sông chảy theo hướng Tây sang Đông đi qua huyện Hòa Vang và Liên Chiểu rồi đổ ra biển Đông.

Đoạn sông Cu Đê ở Hòa Bắc

Đường làng càng đi càng đẹp và êm đềm. Những chiếc lưới cá thật lớn giăng trên sông trông nhẹ nhàng. Bên sông những vườn chuối sáp thẳng tắp xanh mướt, những rẫy bắp sắp vào mùa thu hoạch, khoai mì xanh tốt tươi. Mùa gặt đã qua, trên những con đường bê tông đây đó có cảnh phơi lúa và những chú trâu thong thả tắm táp. Tít xa phía trong là núi. Bức tranh làng quê thật thanh bình.

Đây đó rải rác những điểm cho khách ghé lại như: các quán cà phê, những khu vui chơi trang trí đơn giản, mộc mạc; bãi cỏ rộng bên bờ sông là nơi các bạn trẻ đến để cắm trại … Có thể thấy, nơi đây có một sự cố gắng đưa khách tìm đến, thư giãn, chụp hình, thưởng ngoạn làng quê, tuy nhiên không nở rộ, đủ để khách có một ngày sống êm đềm với thôn quê, đồng ruộng, sông, núi …

Tận cùng ở Hòa Bắc là nhà thờ Hội Yên nằm sát chân núi mà hôm trước từ trên cao tốc La Sơn tôi chụp tấm hình nó chỉ là một chấm trắng nhỏ. Chúng tôi ghé vào nhà thờ Hội Yên, tấm bảng ghi cho biết lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ là ngày 20.8.2015.

Quán cà phê giữa đồng lúa xanh – Hình Internet

Nam Ô

Rời Hòa Bắc, chúng tôi xuống Nam Ô theo đường vòng qua núi. Cảnh bên đường quá đẹp khi một bên là núi và một bên là dòng sông Cu Đê êm đềm bên dưới. Những chiếc lưới trên sông nhiều hơn Hòa Bắc, cho biết nghề khai thác thủy sản của người dân nơi đây. Qua một khu vực được đánh dấu như là biên giới giữa rừng và biển, chúng tôi đã rời khỏi độ cao của núi rừng Bạch Mã.

Xem thêm:   Người quản tượng già

Ấy vậy mà, khi ngồi nghỉ chân ở một quán nước bên đường, tôi hỏi chủ quán đường đến Nam Ô chỉ nhận được một cái lắc đầu. Chị chủ quán tuổi khoảng hơn 50 cười nói với tôi, chị chuyển về sinh sống nơi này không lâu, những nơi mà chị đi chơi với bạn bè thường chỉ là Bà Nà, Hội An, Mỹ Sơn… Chị khoe mỗi lần vậy chụp hình đăng Facebook nhiều lắm. Câu chuyện giữa chúng tôi thật vui!

Đường lên đèo Hải Vân

Theo Wikipedia, Nam Ô là một làng cổ, còn gọi là cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, hình thành cách đây hàng trăm năm. Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân, thuộc quận Liên Chiểu. Nói đến Nam Ô, người ta thường nghĩ ngay đến nước mắm Nam Ô nổi tiếng bao đời nay bởi đây là một làng chài, người dân sinh sống chỉ với nghề đánh bắt thủy sản. Ngày xưa, Nam Ô còn nổi tiếng với nghề làm pháo, bây giờ không còn nữa.

Sách sử ghi chép rằng, Nam Ô thuộc Vương quốc Champa, vào đầu thế kỷ 14, khi Chế Mân dâng châu Ô, châu Lý cho nước Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên gọi là Nam Ô, người Việt bắt đầu di cư đến sinh sống ở vùng này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết về địa danh Nam Ô: “Núi Cu Đê cách huyện Hòa Vang 28 dặm về hướng Bắc, lại có tên là núi Hoa Ô (tên Nam Ô trước đây) rất nhiều ve, người địa phương bắt nấu, vị rất ngon. Mùa thu, mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy mà chiêm nghiệm mưa lụt. Núi thấp nhỏ, gỗ tạp mọc xanh um”. Trải qua nhiều biến động lịch sử, đến nay làng Nam Ô không còn rộng lớn như xưa, chỉ là một ngôi làng nhỏ nép mình bên vịnh Đà Nẵng, nhưng tên làng vẫn giữ nguyên.

Cầu sắt xe lửa dẫn vào hầm

Quả thật như vậy, hôm ấy chúng tôi ra đến Quốc Lộ 1A hỏi thăm mới biết đường đến Nam Ô. Băng qua đường rầy xe lửa, đi một quãng ngắn, chúng tôi đến Nam Ô, một làng chài nhỏ. Cảm nhận cuộc sống người dân nơi đây bình yên, thong thả, có thể do làng chài nằm nép bên biển và khuất phía trong so với ồn  ã bên ngoài. Loanh quanh trong làng một lúc chúng tôi trở ra và xuống biển.

Xem thêm:   Nghề hầu rượu ở Nhật

Đường xuống biển được bao bọc bởi một tường rào chắn, nhưng không có người trông coi, cỏ mọc um tùm. Phía bên dưới, biển xanh thấp thoáng trong những tàn cây. Đi dần xuống nước, một bức tranh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Biển hình vòng cung êm ả, sóng chỉ chạm thật nhẹ vào bờ và nước trong veo nhìn thấy cát, đặc biệt là đá to nhỏ đủ hình thù trải dài đến tận một ngọn núi thấp. Một người dân nói với tôi rằng, vào mùa rêu, rạn đá này là nơi thu hút nhiều bạn trẻ đến đây chụp hình.

Có thể gọi đây là một cái eo biển mà nhìn lên núi phía tay trái sẽ thấy được đường xe chạy trên đèo Hải Vân. Bên dưới là cảng Chân Mây. Và thấy được cầu sắt xe lửa với những đường vòng màu trắng thấp thoáng. Một vài thanh niên đứng ngồi nhìn ra biển, giờ là lúc nhàn rỗi trong ngày sau một chuyến đánh bắt ban đêm. Nghe những mẩu chuyện biển của họ, tôi có thể hình dung một cuộc sống êm đềm, bình lặng, không bon chen. Phồn hoa với họ là điều gì quá xa vời!

Bãi rạn Nam Ô

Có hai đứa bé từ xa đi lại, tay chúng cầm cần câu cá và những dụng cụ lặn biển. Chúng tôi theo chân chúng trở lên. Một người phụ nữ trong một quán nước bước ra la chúng sao dám đi tắm biển mà không có người lớn đi theo. Hai đứa bé lí nhí trả lời gì đấy rồi chúng đi nhanh vào trong xóm. Tôi cảm giác ở đây mọi người thân thiết nhau, nhà này biết con cái nhà kia. Tập quán của cư dân sống với nhau lâu đời.

Trong quán nước hôm ấy tôi thấy có bán đặc sản của làng như rong mứt, nước mắm Nam Ô. Những chai mắm màu cánh gián hơi ngả màu đỏ trông rất hấp dẫn, vì còn đi nhiều nơi nên tôi không mua nhưng tôi có thể tin được đây là những chai mắm ngon vì nhìn cái quán đầu làng ấy trông sơ sài, kiểu nhà quê, không có vẻ gì hào nhoáng nhằm câu khách du lịch.

ĐTTT