Cô bạn tôi (nhà ở thành phố Garden Grove, quận Cam) vừa đăng lên Facebook, cảnh báo: “Mọi người sống ở O.C cảnh giác. Không nên đeo vòng vàng dây chuyền ra đường nhé. Bữa nay ông bạn tôi bị hai con nhỏ người Ấn Độ nó đè đầu giữa parking, nó đeo cho sợi dây chuyền giả và cái nhẫn vào người rồi nó cắt mất dây chuyền thật. Bạn tôi ráng chống cự mà nó vẫn đeo vô. Khi nó đi rồi thì phát hiện mất dây chuyền thật.”

Những món vàng giả được dùng để tráo vàng thật 

Hỏi kỹ lại thì cô bạn cho biết thêm chi tiết ông bạn của cổ tên Nghĩa, đã tốt nghiệp đại học tại Mỹ và qua Mỹ sống đã 30 năm rồi. Dây chuyền này không có giá trị của cải nhiều nhưng là vật kỷ niệm do người mẹ quá cố của ông để lại nên ông ấy rất trân trọng, luôn luôn đeo trên cổ. Ông ấy kể có hai phụ nữ Ấn Ðộ “nhào vô đeo vàng (giả, của họ) cho ông ấy rồi cắt dây vàng thật của ông ấy”. Một cô khác tên Tam Nguyen ở Orange County kể: “Hôm bữa nay bọn này nó tập trung vô người già và phụ nữ ở mấy chợ Việt Nam. Mẹ em cũng bị ở chợ Sài Gòn. Tụi nó giả đại gia hỏi mẹ cần vay tiền vàng này nọ không? Mẹ em nói “No! No!” rồi bỏ đi nên không bị.

Có vẻ như những kẻ xấu đã nhắm tới đến cộng đồng gốc Việt tại quận Cam là mục tiêu cho việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng, khi mà người gốc Việt phần lớn có thể trạng nhỏ yếu, dễ lấn át bằng thân thể và người lớn tuổi thì không rành tiếng Anh nên không biết những người khác sắc tộc kia nói gì.

Cách đây đúng 2 năm, xảy ra liên tục hai vụ người gốc Việt bị mất tài sản. Vụ thứ nhứt là hai bà Việt lớn tuổi (thành phố Santa Ana, quận Cam) ngồi nói chuyện trước nhà thì bị một phụ nữ có hình dáng gốc Nam Mỹ đến bắt chuyện, choàng dây chuyền vào cổ bà rồi bỏ đi. Sau khi người phụ nữ lạ đi rồi thì bà Việt mới biết mất sợi dây chuyền vàng trắng nạm kim cương đeo trên cổ trị giá khoảng $3,000. Theo lời nạn nhân, bà nhìn thấy người phụ nữ Nam Mỹ kia đi cùng một người đàn ông và một cô gái trẻ ngồi trên chiếc xe hơi màu đen. Ông hàng xóm của nạn nhân cho biết nạn nhân không rành tiếng Anh, thường xuyên ở nhà và rất ít giao tiếp với ai, ngoại trừ mỗi sáng Chúa Nhật đi lễ tại nhà thờ Saint Barbara. Có lẽ nạn nhân đã bị thủ phạm chú ý trong khi đi lễ hoặc khi đi bộ về nhà ở góc đường Mc Fadden – Newhope. Vụ thứ hai là một bà khác tên Năm Hưng, bà mô tả cách thức chiếm đoạt tài sản giống như vụ thứ nhứt và nhóm người thực hiện hành vi cũng là ba người như đã kể ở trên.

Saint-Barbara. Photo: Tạ Phong Tần/Trẻ

Nhật Báo Viễn Ðông cho hay “Vào lúc 1 giờ 30 phút trưa Chủ Nhật, ngày 21 tháng 2, 2021, một bà lão Việt Nam cư ngụ gần Nhà Thờ Westminster (Blessed Sacrament Catholic Church ở đường S. Olive Street, thành phố Westminster) vừa mở cổng ngoài để đi lễ liền bị một phụ nữ Mễ Tây Cơ đi trên một chiếc xe hơi trờ tới, trên xe có ba người. Người phụ nữ Mễ xuống xe, lừa bà lão Việt Nam lấy mất sợi dây chuyền bà đang đeo trên cổ mà bà không hề hay biết”. Tuy nhiên, trường hợp này bà Việt Nam đã tự nguyện đồng ý để cho thủ phạm đeo vòng tay, dây chuyền (giả, của thủ phạm) vào cổ mình như một thứ “quà tặng”. Bà còn hớn hở khoe được tặng quà với con trai. Người con trai ngạc nhiên hỏi “Dây chuyền của mẹ đâu?” thì bà này mới biết dây chuyền vàng 18k của bà bị mất từ lúc nào bà không hay biết. Ðặc điểm giống nhau cũng là nhóm ba người đi chung xe gồm một ông, một phụ nữ (luôn là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) và cô gái ngồi trên xe.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Sau khi đối chiếu thông tin, tôi nhớ ra năm ngoái tôi đã gặp băng nhóm lừa chiếm nữ trang này rồi. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, tôi vừa làm video xong, mặt mũi còn nguyên make-up xanh đỏ, đeo bông tai vàng (giả) cẩn hột đỏ to đùng và lái xe vô chợ Thuận Phát (ngã tư Brookhurst – Westminster, thành phố Garden Grove). Tôi xuống xe đi được vài bước thì thấy một phụ nữ trung niên (giống người Mễ) tay cầm chiếc nhẫn màu trắng cũ xì có cẩn hột tròn màu xanh đến gần tôi bắt chuyện gạ bán chiếc nhẫn. Tôi nhìn thấy chiếc nhẫn người phụ nữ cầm trên tay giống y những chiếc nhẫn cũ bán giá $1/chiếc ở chợ trời. Tôi giơ tay chặn ngang tay bà ta và trả lời “Thank you. I don’t need them” rồi tôi né qua một bên và bước nhanh vô hướng cửa chợ. Người phụ nữ tiến sát tới gần tôi, có lẽ bà ta cũng nhận ra bông tai vàng to đùng tôi đeo là đồ giả nên bà ta không bám theo tôi. Tuy nhiên, tôi cũng kịp nhìn thấy một chiếc xe 5 chỗ màu đen do người đàn ông có râu mép cầm lái lượn tới rước người phụ nữ này lên xe, trên xe có cô gái trẻ. Tôi đứng lại nhìn thì thấy người đàn ông lái chiếc xe đen ra khỏi parking chợ tôi mới yên tâm bước vô chợ, vì tôi muốn theo dõi xem họ có tìm kiếm con mồi mới để lừa hay không.

Chợ Thuận Phát . Photo: Tạ Phong Tần/Trẻ

Sở dĩ tôi chú ý coi họ đi đâu vì nó gần như phản ứng nghề nghiệp của tôi. Thời tôi còn làm việc ở Cảnh sát hình sự Công an thị xã Bạc Liêu, (trụ sở cạnh chợ trung tâm Bạc Liêu) thường xuyên có phụ nữ đủ mọi lứa tuổi vô báo họ bị “bỏ bùa” lấy hết tài sản. Tôi hỏi kỹ đặc điểm nhân dạng kẻ “bỏ bùa” và kéo theo vài người nữa chạy ra tìm kiếm. Có khi may mắn thủ phạm chưa kịp tẩu thoát và bị túm vô trụ sở công an với nguyên vẹn tang vật là tài sản của nạn nhân. Cũng có khi nạn nhân ngờ nghệch tới mức sau khi phát giác mất dây chuyền, bông tai, nhẫn thì gần như bị hốt hoảng đến mất hồn, chỉ biết đứng giữa chợ khóc la rằng “bị bỏ bùa”. Một lúc sau, có người đi chợ hỏi han sự tình, biết bị đoạt mất của cải người kia mới dẫn nạn nhân vô công an trình báo thì lúc này thủ phạm đã thay hình đổi dạng “cao bay xa chạy” từ lâu rồi, không có cách gì tìm ra bọn chúng.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp tôi đều hỏi kỹ nạn nhân tình huống dẫn đến mất tài sản và tôi có câu trả lời chung là họ bị mời mọc “đổi ít lấy nhiều” với cùng một “kịch bản”. “Kịch bản” thông dụng nhứt là chim mồi thứ nhất giả vờ đánh rơi “gói đồ nhỏ” trên đường mà không hay biết. Chim mồi thứ hai xuất hiện giả vờ thấy “gói đồ” và tạo tình huống làm như chính nạn nhân cũng cùng thấy của rơi. Chim mồi thứ hai rủ rê nạn nhân cùng mở gói ra để thấy số “của rơi” (cây “vàng,” dây chuyền bự như xích chó) và nói “cùng thấy của trời cho thì cùng chia”. Chim mồi thứ hai sẽ gạ nạn nhân tháo nữ trang trên người đưa cho chim mồi thứ hai để đổi lấy “của rơi” vì “bận việc gấp không cùng đi bán vàng được nên chịu thiệt”. Nạn nhân thấy trị giá “của rơi” lớn gấp nhiều lần nữ trang của mình nên lập tức đồng ý và tự tháo nữ trang ra đưa chim mồi thứ hai. Vậy là chúng lỉnh mất. Nạn nhân vô tiệm vàng bán “của rơi” mới biết bị lừa. Riêng việc tìm cách tiếp cận nạn nhân rồi lén cắt dây chuyền bằng cái bấm móng tay lớn hay kềm cắt móng chân thì rất dễ dàng.

Hy vọng bài viết này cung cấp thêm thông tin cho quý độc giả nhằm bảo vệ tài sản chính mình và những người xung quanh.

Xem thêm:   Hang gấu

TPT