Rất nhiều lần trong những năm tháng xa quê, nhìn một áng mây, nghe một tiếng chim, một bản nhạc, cảm nhận thời tiết chuyển mùa, tôi bỗng thấy nhớ quê da diết, nơi ông bà cha mẹ gắn bó một thời gian dài vì tôi rời làng quê năm 12 tuổi, đi học, đi làm, biền biệt nửa thế kỷ nay. Những lần về thăm thường không nhiều ngày, ở với mẹ và người thân rồi đi, vốn hiểu biết của tôi về địa lý Quảng Nam, Quế Sơn nghèo nàn.

Tác giả ở bến thuyền, phía sau là cầu treo qua sông Thu Bồn.     

Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm – Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn – Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964.

Nói đến nơi này, tôi lại liên tưởng đến 2 câu ca dao nghe được rất nhiều lần: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”.

Hồi mấy năm đầu trung học, mỗi dịp Quốc khánh (26/10), quận (bây giờ gọi là “huyện”) tổ chức trại, các xã Phú Thạnh, Phú Hương, Phú Diên miệt Bà Rén, Mộc Bài; Sơn Phúc, Sơn Thượng phía trên Đèo Le thường là những xã dẫn đầu mọi mặt, các bạn học của tôi ở Trung Phước, Cà Tang vẫn nổi trội trong học hành sinh hoạt, có vẻ văn minh hơn dân xã tôi và các xã chung quanh dầu là dân miền núi, nghe nói vì là “dân đường nước”!*  Năm 1963 tôi cũng có dịp theo bạn đi xe đạp lên Trung Phước qua ngã Đèo Le và ngủ đêm lại nhà bạn ở Cà Tang.

Thị trấn Trung Phước.

Nửa thế kỷ qua, vật đổi sao dời, cảnh vật đã thay đổi nhiều. Huyện lỵ Nông Sơn, chợ Trung Phước đã mặc một lớp áo mới như nhiều tỉnh thành, thị xã, thị trấn kể cả vùng cao trên toàn quốc. Tôi được đi qua cầu Trung Phước nơi xảy ra tai nạn chìm đò làm chết nhiều học sinh và được cả nước chung góp xây dựng qua vận động của báo Tuổi Trẻ.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Những địa danh: Trung Phước, Cà Tang, Đại Bình, Bình Yên, Dùi Chiêng, Tí, Sé lần lượt hiện ra, lần lượt được nhìn thấy trên đường đi hay nhắc đến trên chuyến ghe máy ngược sông Thu lên Hòn Kẽm như được tái hiện qua những câu thơ của nhà thơ xứ này: Tường Linh.

Quế Lộc, chợ Thơm ngày xưa là vựa lúa của cả vùng nhờ nhận phù sa sông Thu qua những mùa lụt bây giờ là những soi bắp bạt ngàn đã thu hoạch chỉ còn trơ lại những gốc khô và những cánh đồng 2 bên đường còn trơ rạ, những nơi nào không thể trồng hoa màu suốt từ Đèo Le đi lên là màu xanh bạt ngàn của bạch đàn và keo lá tràm, thứ nguyên liệu làm giấy, xẻ gỗ 1×3 đóng thùng đựng hàng đã làm thay da đổi thịt mọi vùng quê của Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang …

Cầu Nông Sơn

Từ Đà Nẵng, theo đường Hương An lên Quế Sơn đúng 80km thì đến bến đò Cầu Treo Nông Sơn rồi thuê thuyền máy ngược dòng Thu Bồn để ngắm cảnh.Tôi cũng được nghe 2 câu ca dao này:

“Sông Thu bên lở bên bồi

Nửa trôi về biển, nửa xuôi về nguồn”.

Bây giờ đang là mùa nước cạn, dòng sông hiền hòa, nước lững lờ trôi, cảnh “lở – bồi” hiện ra rất rõ và phong cảnh 2 bên bờ sông tuyệt đẹp. Trong một lúc, người ta bỗng dưng quên hết những ồn ào phố thị, những đua chen áo cơm giành giật mà chỉ thấy hồn mình lắng xuống và hòa nhập với cảnh hữu tình của sông nước, của núi đồi! Riêng tôi, cứ nghĩ về 2 câu sau: Thương cha nhớ mẹ thì về/ nhược bằng nhớ kiểng nhớ quê thì đừng cứ như là một nhắc nhở cho những ai có ước muốn tìm về sinh sống vì nơi đây quá nghèo, cuộc sống cơ cực và đồng tiền làm ra phải qua nhiều gian khó, nhất là đò giang cách trở. Mà có lẽ cũng đúng với vùng ven sông từ Tí, Sé ngược lên vì đất đồi núi trung du khô cằn.

Bãi bồi ven sông.

Suốt dọc dài từ bến đò Cầu Treo đi lên, tôi cố tìm câu trả lời bằng việc quan sát đồi núi triền sông, nhà cửa thưa thớt thi thoảng có vài rẫy bắp, phần lớn còn lại cũng là keo lá tràm và bạch đàn nhưng nhìn thấy những con trâu ra sông tắm và uống nước, con nào cũng mập tròn như trái sim chín, vài chiếc xe máy của khách theo thuyền cũng Air Blade, cũng Nouvo, tệ nhất là Yamaha Sirius. Nên chăng chúng ta mừng cho đời sống cư dân nơi đây khi bỏ qua ý tưởng đua đòi của họ? Quan sát khi thuyền ngược sông Thu, tôi cố tìm coi đâu là Hòn Kẽm, đâu là Đá Dừng nhưng không thấy, hỏi tài công cũng không có câu trả lời chính xác mà chỉ nói chung chung. Thấy trên trang của Cục Du Lịch Việt Nam có bài viết cung cấp chi tiết:

Xem thêm:   2 người thợ săn

“Đây là khúc sông nằm giữa 2 dãy núi cao chừng 500m, có đoạn dòng rất hẹp bởi 2 vách đá với muôn vẻ hình thù kỳ bí nhô hẳn ra như để chắn ngang dòng nước nên có tên gọi Đá Dừng.

– Cái tên Hòn Kẽm Đá Dừng có từ lâu đời và nơi đây gắn liền với những truyền thuyết dân gian đậm sắc màu huyền hoặc của núi, của sông, của bao phận người nghèo khó vùng hạ du sông Thu Bồn ngược dòng đi khai hoang, mở đất. Thu Bồn là con sông dài và lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, với nhiều tên gọi qua từng chặng, từ phía thượng nguồn là sông Tranh, sông Thiêng rồi sông Thu Bồn, dằng dặc hơn 100km”. https://vietnamtourism.gov.vn/post/37552.

Nơi khúc sông Thu Bồn uốn lượn

Nghe kể lại là vào những đêm trăng sáng mùa hè, mặt sông mượt mà như một tấm thảm nhung, được đi thuyền trên sông hát hò, ngâm thơ, uống rượu với vài người bạn tâm tình thì có thể sánh với niềm vui của Lý Bạch. Nhưng vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, mực sông dâng cao có khi đến 3m cũng là một đe dọa khôn cùng.

Chỉ với đúng 12 giờ, từ khi rời nhà (9h30 AM) đến khi trở về, vượt qua 160km, gần 2 giờ ngồi trên thuyền máy chưa kể thời gian dừng lại hỏi đường, mua đồ ăn thức uống và đón đưa những người quen biết đi cùng, chỉ có thể ghi vội những cảm nhận của mình như kỷ niệm về một chuyến đi  thú vị về  vùng đất mà tôi chỉ biết qua sách báo và nghe kể lại.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

* “dân đường nước” là từ chỉ những người từ quê theo ghe xuống vùng Vĩnh Điện, Hội An, ra Đà Nẵng buôn bán, sớm tiếp nhận nếp sống thành phố hơn những xã khác ở xa.

Cổng chào vào làng Văn Hóa Dùi Chiêng, địa danh được nhắc đến trong bài.

NHQ