Chúng tôi vào địa phận Đan Mạch, quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng hạng nhì thế giới, chỉ sau Phần Lan, điều này được chứng minh và làm chúng tôi thấy vui bởi nụ cười tươi như hoa và cái vẫy tay chào của cô cảnh sát dễ thương ở đồn biên giới Đức – Đan Mạch. Đan Mạch (Denmark) là một quốc gia thuộc Bắc Âu, diện tích khoảng 43,000 km2, chỉ bằng 1/7 Việt Nam. Người đứng đầu quốc gia hiện nay là Nữ Hoàng Margrethe II (chỉ đóng vai trò tượng trưng), thực chất Đan Mạch là quốc gia dân chủ, Thủ Tướng hiện tại của Đan Mạch là Mette Frederiksen.
Qua vài thành phố…
Gia đình chúng tôi đến thành phố Horsens, một thành phố đông dân thứ tám và có nhiều hãng điện tử lớn của Ðan Mạch, vào sáng sớm, đầu tháng 8/2023. Tản bộ qua nhiều con đường trong một thị trấn của thành phố, tôi thấy nhiều người cao tuổi, từng đôi, ngồi trên ghế gỗ dọc lề đường đón nắng. Sau 9 giờ sáng cửa tiệm bán thức ăn, bán áo quần, bán tạp hóa mới lục tục mở cửa. Ðến một khu vực mua sắm khác có vẻ nhộn nhịp hơn. Hai bên đường là các cửa tiệm bán áo quần, mỹ phẩm, sách báo, đồ điện tử xen với các quán cà phê, bia rượu. Rải rác có các quán giải khát nhưng đặc biệt cứ vài chục mét là có một bức tượng, hoặc bằng đá hoặc bằng đồng (hầu hết là nữ), hay thú vật…
Hôm sau chúng tôi đến thành phố Aarhus, lớn thứ nhì của Ðan Mạch, thành phố kết nghĩa với thành phố Rostock, CHLB Ðức. Ðây cũng là thành phố có cuộc sống và chỉ số hạnh phúc được xếp hạng cao. Tuy không phải ngày cuối tuần nhưng khách du lịch tấp nập ngược xuôi. Có điều hơi lạ là các khách sạn ở đây mở của đón khách lúc 15 giờ và tiễn khách lúc 10 giờ sáng hôm sau! Nếu như đến sớm thì chỉ có thể gửi xe, gửi hành lý cho khách sạn. Ðúng giờ mới được nhận phòng.
Con đường chính của trung tâm thành phố Aarhus rộng thoáng, tôi có cảm giác dòng người ấy cùng dồn về hướng về cửa hàng bách hóa nổi tiếng Salling. Ðây có thể là điểm nhấn của thành phố lớn vùng Bắc Âu từng được vinh danh là Thủ đô Văn hóa Châu Âu 2017, xin cứ tự nhiên thưởng thức các món ăn; mua sắm áo quần, giày dép; vào bar uống cà phê hoặc nhâm nhi bia rượu và lên sân thượng nhìn xuống dòng người ngược xuôi.
Đời sống thủ đô
Thủ đô Copenhagen khá độc đáo về kiến trúc với các hình khối vuông, tròn, tam giác bằng đá, thủy tinh của các công trình. Ba ngày, hai đêm ở thủ đô không đủ cho thời gian thăm viếng những lâu đài, cung điện hoàng gia… Chúng tôi may mắn đến đúng lúc lâu đài Amalienborg thay đổi lính canh. Trời mưa lắc rắc nhưng khách du lịch vẫn đan kín vòng trong vòng ngoài. Tiếng bấm máy tách tách liên hồi, lúc này lợi thế chiều cao là vô cùng giá trị! Phía trong, các chú lính bồng súng đứng im như tượng chờ đổi phiên. Không nghe kèn trống, ngoài tiếng hô của đội lính gác và gót giày đánh nhịp hùng dũng.
Tôi bắt gặp hai “người quen” là hai loại bia của Ðan Mạch, một thời cũng “khuynh loát” thị trường nhậu nhẹt ở miền Trung, Việt Nam mà dân nhậu bia đọc thành câu: “Các Anh Ráng Lấy Sức Bồng Em Ra Giường” (Carlsberg) và “Tôi Uống Bia Ôm Rất Giỏi” (Tuborg). Phố cảng Nyhavn vui mắt với nhiều ngôi nhà đủ màu sắc xanh, vàng, hồng, đỏ vừa hiện đại vừa cổ kính. Hai bên bờ kênh Nyhavn là các quán bar, nhà hàng ăn uống, dưới bến là các chiếc thuyền gỗ cũ kỹ trầm mặc đếm thời gian… Cuối đường có một Ðài tưởng niệm mỏ neo nhằm tưởng nhớ công lao các chiến sĩ không quân và hải quân hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ II, thời Ðệ nhị Thế Chiến, Ðan Mạch đã tử vong 3,200 người (có 2,100 quân nhân), thời đó dân số Ðan Mạch còn rất “mỏng” chưa đến 3 triệu, so với 5 triệu hiện nay.
Chúng tôi tạt lại một bến xe xích lô điện, loại này có mái che, chở được hai hoặc ba khách. Có xe còn gắn chữ TAXI! Xe đạp điện ba bánh vừa chở hàng vừa chở được người như xe xích lô bên ta nhưng giá một chiếc đến 150 triệu VND! Dân Ðan Mạch không đi xích lô mà ưa… chạy bộ, chúng tôi thấy người ta chạy bộ từng tốp trên lề đường. Người Ðan Mạch bỏ ra gần 2.5 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập thể dục. Giờ làm người đi xe đạp rất đông! Trước cổng trường học đã đành, mà trước các công ty, quán ăn, nhà hàng dựng đầy xe đạp. Có thể nói gần 50% dân số Ðan Mạch đi xe đạp. So với đường dành cho xe đạp thì ở Ðan Mạch rộng gấp rưỡi hoặc gấp đôi ở Berlin (Ðức) nhưng dân Ðức đội mũ bảo hiểm nhiều gấp đôi dân Ðan Mạch!
Thăm nàng tiên cá
Ngày hôm sau chúng tôi đến thăm địa điểm nổi tiếng nhất Ðan Mạch là tượng Nàng tiên cá (The Little Mermaid), tượng làm bằng đồng, cao 1.25m, nặng 175kg, nàng xõa tóc ngồi trên tảng đá ở bến cảng. Tượng “nàng tiên cá” được Carl Jacobsen, dựng năm 1909 sau khi ông say mê vở Ba Lê về truyện cổ tích Nàng tiên cá. Nhà điêu khắc Edvard Eriksen hoàn thành tác phẩm này ngày 23 tháng 8 năm 1913. Người mẫu là Eline Eriksen, vợ của nhà điêu khắc.
Sau khi thăm “tiên”, chúng tôi trở về trần thế là “Lâu đài Rosenborg”, một lâu đài có bề dày lịch sử, được vua Christian IVxây năm 1606, và cho lập vườn cảnh gọi là “Vườn của Vua” (Kongens Have). Lâu đài Rosenborg được dùng làm nơi ở của Hoàng gia Ðan Mạch cho tới năm 1710. Năm 1833, vua Ðan Mạch là Frederick VI biến lâu đài thành nhà bảo tàng Hoàng gia, nơi trưng bày các vật quý giá của các vua chúa từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 19. Công chúng được phép vào thăm từ năm 1838. Ngày nay, lâu đài thuộc sở hữu quốc gia Ðan Mạch. Nơi này vẫn còn nhiều cây xanh, bồn hoa cắt dọn rất khéo léo. Tuy nhiên trên cỏ xanh, rác, vỏ chai bia, chai rượu vất cùng giấy lau bay phất phới. Không thấy nhân viên dọn dẹp. Và nhà vệ sinh công cộng không thích hợp với chữ “vệ sinh” cho lắm!
Một tuần trải qua vài thành phố lớn của Ðan Mạch, đã để lại cho chúng tôi nhiều hình ảnh đẹp. Một đất nước nhỏ bé và chưa tới 6 triệu dân nhưng đáng phục với những gì họ đã đạt được.
Bài & hình LKD