Từng nhiều lần đến Trung tâm Thương mại Đồng Xuân (chợ Đồng Xuân) trên đường Herzberge, quận Lichtenberg, thủ đô Berlin, CHLB Đức, gần đây nhất, hôm 14/8/2022, tôi thấy rất nhiều cô gái quá trẻ nhưng đã là mẹ của một hoặc hai con còn nằm xe nôi!

Các bà mẹ trẻ đẩy xe nôi ùa ra khỏi tàu điện    

“Lấy chồng sớm làm gì…?”

Một sáng nọ, xuống tàu điện M4, tôi hỏi một cô gái nói giọng Bắc, nhờ chỉ đường đến cửa hàng bán hải sản của người Việt. Cô ta tận tình chỉ dẫn. Qua câu chuyện tôi được biết cô ta 26 tuổi, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An, qua Ðức gần 6 năm và đã có… 4 mặt con.

Chúng tôi muốn nói đến nhiều bạn gái còn rất trẻ, phần đông sang Ðức theo “đường dây xuất khẩu chui”. Chẳng khó để bắt gặp cảnh người mẹ trẻ đẩy xe nôi khi tàu điện dừng, cùng ùa xuống chợ Ðồng Xuân hàng vài chục người, nhất là vào dịp cuối tuần. Xe nôi đơn cho đến xe nôi đôi. Vợ đẩy xe, chồng mang túi hoặc ngược lại. Có khi mẹ một tay đẩy xe nôi còn một tay dắt theo đứa bé nữa luýnh quýnh chạy một bên… Có cháu bé một tháng hoặc hai, ba tháng tuổi người mẹ cũng đèo theo đi chợ.

Những đứa trẻ được sinh trên đất Ðức sẽ đương nhiên mang quốc tịch Ðức. Trong danh sách ưu tiên ở Ðức thì trẻ em xếp trước, sau đó là phụ nữ… Ðó là hai trong nhiều lý do khiến các bạn rất trẻ sang Ðức đã… vội làm mẹ.

Các bạn gái trẻ gặp nhau chuyện trò ở chợ Đồng Xuân.

Khó khăn chờ chực

Trước khi đến Ðức, hầu hết những người đi theo dạng “xuất khẩu lao động” chui đều phải dừng chân tại một nước thứ ba nào đó trong khối Schengen như Pháp, Ba Lan, Slovakia… “nằm vùng” rồi… mai tính. Sau đó “đường dây” sẽ sắp xếp để họ vượt biên giới bằng đường bộ, đường rừng và kể cả đường sông. Phương tiện có khi xe tải hoặc xe hơi. “Trốn trong rừng, vào mùa đông lạnh rét lại đói nên chết dần hoặc có trường hợp lật xe làm cả đoàn thương vong, có người khỏe thoát chạy bị cảnh sát, biên phòng truy bắt… sau đó họ phân loại làm thủ tục trục xuất. Ðó là những trường hợp chưa sang tới Ðức đã chết. Ðến nơi rồi có người chết vì đột quỵ, vì trầm cảm, vì lao lực (lao động 14 đến 15 tiếng/ngày)…”, cô M.H.P. (38 tuổi) chủ một chuỗi nhà hàng ăn tại Berlin và là một blogger có gần 100 ngàn người Việt ở CHLB Ðức theo dõi, nói với tôi như vậy.

Ðường vào đất Ðức cho đến khi lưu trú chưa chắc đã ổn! Theo báo chí người Việt ở Ðức, cuối tháng 11/2017, trên đường cao tốc A15, cảnh sát và hải quan Ðức đã chặn một xe hơi, biển số Slovakia để kiểm tra. Xe này đến từ Ba Lan, trên xe có 10 người Việt, gồm 3 phụ nữ và 7 trẻ em ngồi chồng lên nhau. Vào đêm 22/8/2018, trên đường cao tốc số 17, gần thành phố Dresden, cảnh sát kiểm tra một xe tải nhỏ. Trong thùng xe có 26 người Việt Nam, trong đó có 16 trẻ em, ngồi chen chúc tưởng chừng không cựa quậy được, tất cả đều không có giấy tờ hợp lệ. Tháng 12/2018, cảnh sát cũng kiểm tra, phát giác một chiếc xe biển số Slovakia, chở người Việt tại biên giới Ðức-Séc ở bang Sachsen… Cũng từ đây, theo nhà báo L.Ð.C (NguoiViet.de), các cuộc điều tra được bắt đầu. Chính quyền đã phát giác và chú ý đến một vài công ty du lịch và xuất nhập cảng ở Ðức, Rumani, Việt Nam tổ chức vận chuyển người trái phép vào Ðức. Vào một ngày đầu tháng 3/2020, 700 cảnh sát liên bang ra quân triệt phá một “đường dây” người Việt Nam bị buộc tội đưa người trái phép. Kết quả 32 căn nhà và cửa hàng ở 7 bang của Ðức bị khám xét. Cảnh sát cũng khám xét nhiều tiệm nails và nhà hàng. Kết quả có 6 người bị bắt và tạm giữ 30 người khác…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 3 tháng 10 năm 2024

Thuận lợi phần nhiều là những ai có người nhà, bạn bè hoặc hàng xóm đã định cư tại Ðức sẵn sàng đón và giúp đỡ. Còn những người không có giấy tờ hợp pháp thì tự thân đi tìm việc làm, từ phụ bếp, nhân viên nhà hàng đến phụ xây cất… Cứ làm bất cứ việc gì dẫu nặng nhọc cốt để có tiền tích lũy gửi về nhà trả nợ sau đó mới nghĩ đến việc “chạy” giấy tờ hợp pháp đặng lưu trú. Trước mắt họ vẫn là một viễn cảnh tươi sáng bởi đã có nhiều người đã thành công.

Tôi cũng từng chứng kiến một nhóm bạn trẻ trên tàu điện M8 ở Berlin sáng hôm ấy, giữa tháng 7/2022, ngủ gà ngủ gật. Có lẽ họ là những người thức dậy sớm để đến nơi làm việc cho kịp giờ. Một số đông nam, nữ thanh niên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình bỏ học hay bỏ việc để sang Ðức lao động vì thu nhập cao. Nghe nói có người đi rồi gửi tiền về trả nợ, xây nhà tầng đầy đủ tiện nghi. Trong khi các bậc cha mẹ không hình dung được con em sang xứ người phải vất vả, lao đao, lận đận như thế nào. Nhà này nhìn nhà kia và một đồn mười, mười đồn trăm. Phải bằng nhiều cách cho con mình qua Ðức thôi! Không cần biết đi chui hay công khai. Miễn qua được bên ấy làm cho có tiền!

Mẹ trẻ đẩy xe nôi đôi đi vội vàng trong nắng nóng

Thực hiện ước mơ bằng mọi giá!

Cô bé N.Th.Th. H. (19 tuổi), quê Hà Tĩnh, nghe cô bạn thân chỉ dẫn đã tìm được “đường dây” đưa sang Ðức bằng du lịch. Tháng 5/2018, cô H. không quay về với đoàn du lịch mà trốn lại ở một khách sạn gần nhà ga Gare Du Nord (Paris, Pháp). Từ đây cô được một phụ nữ người Quảng Bình của “đường dây” đưa sang Berlin.

Xem thêm:   Nhà cửa Sài Gòn xưa

Sau khi trốn khỏi trại tị nạn, H. tìm chỗ trọ chung với hai mẹ con chị V. (43 tuổi) chuyên giặt giũ quần áo cho một khách sạn ở quận Mitte. Tiền nhà 600 euro/tháng, H. góp một nửa. Cô được chị V. tìm cho một… người yêu. Nghe đâu anh ta là nhân viên sân bay. Và gần ba tháng sau, cô thấy trong người khó ở… Rồi phòng trọ có thêm thành viên mới – một bé gái. Người mẹ trẻ sau đó trải qua nhiều “công đoạn”, tốn thêm chi phí để con bé được công nhận là công dân Ðức và mẹ H. có cơ hội “ăn theo”.

Ðôi vợ chồng son Ð. (21 tuổi) và M. (20 tuổi), quê Nghệ An, được “đường dây” đưa từ Ba Lan sang Ðức năm 2017. Lúc bấy giờ M. đã mang thai bốn tháng. Ðể chuẩn bị đứa con chào đời có quốc tịch Ðức cho  M. “ăn theo”, vợ chồng họ đã chi ra hơn bốn mươi ngàn Euro để đứa bé có bố là người Ðức. Vậy là M. có chồng mới là người Ðức trên danh nghĩa. Bé gái vừa hơn một tuổi, M. đã mang thai tiếp, có nghĩa là cái thai đã mang niềm vui đến cho ông bố ruột tên Ð. Cơ hội được ở Ðức hợp pháp đối với Ð. sắp thành hiện thực.

Tôi được nghe bà Ph. Th. Ng. (69 tuổi) kể: Công ty máy tính X. của bà có ông B. (60 tuổi) được một cô gái (18 tuổi), quê miền Bắc, qua Ðức bằng “đường dây” làm quen! Sau một thời gian ngắn quen biết và bắt đầu thân thiết, cô gái khẩn khoản, nài nỉ ông B. cho cô ta… một đứa con. Ông B. hoảng hồn, từ chối thẳng thừng.

Chuyện một số cô gái trẻ qua Ðức bằng con đường học nghề hoặc đi lao động theo đường công khai nhưng muốn ở lại, họ cũng binh đường “xin” con giống như cô gái kia không phải là hiếm.

Bên cạnh việc người phụ nữ trẻ cần sinh con sớm ở Ðức để có giấy tờ hợp pháp và thu hồi vốn, đó là mục tiêu trong chuyện mẹ “ăn theo” con mà đa số bạn gái trẻ hướng đến. Người mẹ sẽ nhờ giới thiệu một người đàn ông nào bất kỳ, tuổi tác không thành vấn đề, miễn là đừng mắc bệnh và phải có quốc tịch Ðức hoặc người Việt có thẻ cư trú vĩnh viễn (phải hơn 8 năm kể từ ngày làm giấy tờ), nhận con. Chi phí cho trường hợp này, gần đây phải tốn từ 30-40 ngàn Euro. Ðơn cử là chuyện của cặp vợ chồng D. (19 tuổi), quê Quảng Bình đến Ðức khoảng 6 tháng thì cô sinh con. Vợ chồng cô chi tiền cho một ông người Việt độc thân khá cao tuổi, đã có quốc tịch Ðức, không dưới 30 ngàn Euro để ông làm bố trên giấy tờ cho con mình. Ðương nhiên là D. “ăn theo” con. Sau đó cô mang thai đứa thứ hai. Thằng bé này là “hồ sơ bảo chứng” cho bố nó là chồng chính thức của D. được lưu trú. Và để gỡ lại tiền đã chi đậm, theo kịch bản được người quen làm đạo diễn, sau thời gian ngắn, vợ chồng D. sẽ có đứa con thứ ba. Ðứa bé này sẽ được “cho” một ai đó có nhu cầu làm mẹ “ăn theo” con có quốc tịch Ðức. Thế là lấy lại vốn, có khi còn lời khẳm nếu gặp người có nhu cầu có hầu bao rủng rỉnh!

Xem thêm:   Việt kiều mua nhà đất

Hầu như cuối tuần, nhiều cặp vợ chồng trẻ người Việt từ các quận xa Berlin kéo về chợ Ðồng Xuân, nơi có rất đông người Việt kinh doanh, để mua sắm đồ dùng, thực phẩm dành cho một tuần. Ðây là dịp đồng hương, đa số là các bạn trẻ quê từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… gặp nhau trò chuyện. Những cô vợ đúng là quá “mong manh, dễ vỡ” nhưng đã một nách hai con, đứa trước cách đứa sau có khi chưa tròn tuổi rưỡi!

Trông hộ con cho các mẹ đi chợ

Quyền lợi cho người mẹ sinh con

Tiêu chuẩn cho hai mẹ con (con sinh ra ở Ðức) như thế nào? Họ sẽ được chính phủ cấp cho một căn chung cư có hai phòng, tiện nghi đầy đủ. Trợ cấp tiền nhà 480 euro, tiền ăn 350 euro, trẻ em mỗi tháng được nhận 200 euro. Tổng cộng hai mẹ con được hơn 1,000 euro/tháng… Lác đác vẫn xảy ra một số trường hợp đứa trẻ đến 18 tuổi, thì cha hoặc mẹ bị trục xuất về nước. Bị trục xuất nhưng có về nước hay không lại là một chuyện khác! Luật sư di trú hoặc là “đường dây” sẽ là những người giúp họ giải tỏa âu lo này.

Ði “rẻ” bằng “đường dây” phải qua trung chuyển vài nước trước khi đến Ðức rất vất vả. Ði “đắt” bằng đường du lịch thì nhanh.. Ông V.V.K. (74 tuổi), định cư ở Ðức hơn 30 năm cho biết: “Nay tình hình khác nhiều rồi. Chính quyền người ta biết hết. Hoạt động tư vấn, dịch vụ mai mối ngày càng giảm. Nghe chừng đâu khi người phụ nữ sinh con sẽ phải thử ADN với người cha nữa kìa. Muốn được gia hạn lưu trú phải có chứng chỉ tiếng Ðức (B1)…”.

Hiện có nhiều phụ nữ trẻ được chính quyền tạo điều kiện cho theo học tiếng Ðức để có cơ hội hội nhập nước sở tại. Con nhỏ được trông giữ không mất tiền để mẹ yên tâm học.

Những cô gái trẻ Việt chấp nhận xa lìa nơi mình đang sống để mưu cầu một cuộc đời sáng sủa hơn ở Ðức bằng mọi giá, họ vẫn là những người đáng thương.

Các con nằm xe nôi theo mẹ vào chợ

LKD