Năm 2019, đến Berlin, tôi có đi ngang qua khu vực mà có người nói là “Cánh đồng Bia mộ” hoặc “Đài tưởng niệm Holocaust” hoặc “Nghĩa trang tưởng niệm” 6 triệu người Do Thái bị tàn sát dưới thời Adolf Hitler bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái. Trở lại Berlin lần thứ tư, tháng 5/2024, tôi mới có dịp đến thăm.

Không lúc nào vắng du khách đến thăm

 

Hồi ức đau thương

Từ Holocaust có quy ước dùng để chỉ cuộc tàn sát, diệt chủng của Đức quốc xã nhằm vào người Do Thái ở Châu Âu. Ngày 09/11/1938, thời điểm khởi phát vụ thảm sát trên khắp nước Đức … Người Do Thái bị tấn công và bị giết. Có hơn 7 nghìn cửa hiệu và hơn 1.6 nghìn giáo đường Do Thái bị tàn phá hoặc bị huỷ diệt hoàn toàn. Sự kiện này được nhiều người Đức gọi là đêm Kristallnacht – đêm thủy tinh vỡ hay đêm pha lê vỡ (kính các cửa tiệm, toà nhà và giáo đường vỡ nát, tung toé trên đường phố do bị đập phá). Sau đó nhiều nhà tù, trại tập trung xuất hiện, giam giữ người Do Thái, kể cả người Ba Lan gốc Do Thái, người Roman, dân Digan đến cả người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, người theo cộng sản và người đồng tính nam là công dân Đức…

Ban đầu, những cuộc thảm sát bằng súng do binh sĩ Đức thực hiện. Hàng nghìn người Do Thái ở Ba Lan, Ukraine, Belarus bị sát hại. Tuy nhiên cách này đã gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến binh lính Đức. Sau đó chính quyền Đức quốc xã đã dùng chất nổ và độc dược tiến đến dùng hơi ngạt và lò thiêu để sát hại các nạn nhân. Cuộc tàn sát được tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ bị Đức quốc xã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ II, hầu hết là các quốc gia Châu Âu có cộng đồng người Do Thái. Nhiều nhất là tại Đông Âu, Trung Âu có khoảng 5 triệu người bị giết! Từ năm 1939 đến 1945, không có số liệu chính xác, chỉ ước tính có từ 5 đến 6 triệu nạn nhân của sự huỷ diệt là người Do Thái.

Một du khách đặt hai bàn tay lên ‘tấm bia’ cầu nguyện. Du khách xuống tầng hầm đến Trung tâm thông tin tư liệu

Khu vực tưởng niệm

Xem thêm:   70 năm âm nhạc cùng Bạch Yến

Tháng 8/1988, nhà báo Lea Rosh và nhà sử học Eberhard Jackel đã đề nghị công khai về việc thành lập tại Berlin một nơi tưởng niệm những người Do Thái bị sát hại ở Châu Âu. Ngày 25/6/1999, sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài, Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức) đã chuẩn thuận xây dựng khu tưởng niệm dựa trên thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ là Peter Eisenman. Ngày 10/5/2005, Khu vực Tưởng niệm Holocaust mở cửa phục vụ công chúng với hơn 2,700 tấm bia và một Trung tâm thông tin dưới lòng đất – nơi cung cấp thông tin, tài liệu về nạn diệt chủng bằng hình ảnh, âm thanh, danh sách nạn nhân …

Khu vực tưởng niệm rộng khoảng 20 nghìn mét vuông, các khối xi măng màu xám, cao-thấp, dày-mỏng không đồng đều. Mới nhìn cứ tưởng là các tấm bia mộ nhưng thật ra không có ghi tên tuổi. Chúng được xếp ngay hàng thẳng lối, có chừa đường đủ cho một người đi. Xoay hướng nào cũng có lối đi. Càng đi xuống thấp thì càng thấy các tấm bia cao hơn. Không gian như tối sầm lại. Âm u, lạnh lẽo, lặng im, dễ gợi hình dung cảnh những nạn nhân bị tra tấn rất dã man trước khi cái chết đến dần dần, hơi thở cạn kiệt … Nhiều tấm bia in hằn những vết nứt như dao cứa vào da thịt, thân phận người dân Do Thái ngày nào! Họ trốn chạy tìm con đường sống trong tuyệt vọng hoặc phản kháng, kêu gào, chống cự một cách yếu ớt …

Một hình thức tưởng nhớ nạn nhân là người Israel, Do Thái dưới thời của Đức quốc xã

Khu vực tưởng niệm có 13 lối đi dành cho xe lăn và đặc biệt phù hợp với du khách bị suy giảm khả năng vận động. Du khách đến đây không được: gây tiếng ồn, nhảy từ tấm bia này sang tấm bia khác, hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, đi hoặc mang xe đạp, đem chó và các vật nuôi khác vào … Nhân viên an ninh sẽ để ý, nhắc nhở…những người không làm đúng quy định. Khu vực Tưởng niệm nằm cạnh con đường Cora Berliner, tên của người phụ nữ sinh ra ở Hanover, làm việc cho một tổ chức của người Do Thái ở Đức. Nhiệm vụ của bà là giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái di cư. Sáng ngày 19/6/1942 bà bị bắt. Ngày 26/6/1942 bà và gần 800 người khác bị sát hại bằng cách làm ngạt thở trong xe chở xăng và bị bắn tại các hố đào sẵn trong rừng.

Xem thêm:   Tủ trữ đồ ăn - Pantry

Trên đường Oranienburg, Berlin còn có ngôi giáo đường Do Thái Mới, kế thừa Giáo đường Do Thái Cũ, một di tích kiến trúc quan trọng lớn nhất ở Đức. Giáo đường động thổ năm 1859 và hoàn thành năm 1866. Mặt trước là gạch nhiều màu, được trang trí lộng lẫy bằng gạch điêu khắc và đất nung, được tạo điểm nhấn bằng gạch tráng men màu. Giáo đường bị đám đông của Đức quốc xã đập phá, đốt cháy vào đêm 09/11/1938. Trong Thế chiến thứ II, Giáo đường lại bị hư hại nặng nề sau vụ đánh bom của quân đồng minh từ 18/11/1943 đến ngày 25/3/1944. Sau khi Bức tường Berlin bị phá đổ, việc tái thiết phần mặt trước mới được bắt đầu. Mặt trước giáo đường tráng lệ này, sau khi được sửa chữa, nay là nơi tưởng niệm những nạn nhân bị bắt cóc trong đêm Kristallnacht và sau đó thiệt mạng. Cạnh cộng đồng Do Thái là nhiều người Đức ở Berlin đến đây thắp nến tưởng nhớ những người đã mất.

Giáo đường Do Thái từng bị phá huỷ trong ngày 09-11-1938 và năm 1943 bị bom của quân đồng minh ném làm hư hại.

Thỉnh thoảng đi qua nhiều con đường ở Frankfurt, Trung tâm Alexanderplatz, Berlin và Hufeland… tôi thấy rải rác có vài mảnh đồng nhỏ, bóng loáng gắn vào đá lát trên vỉa hè. Xem ra mới biết, trên mảnh đồng có ghi tên, tuổi người Israel, Do Thái, thời gian bị giết trong Trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã (1940-1945). Đây là một hình thức tưởng nhớ những nạn nhân của Chủ nghĩa bài Do Thái.

Xem thêm:   Solheim Cup 2024

Đến thăm Khu tưởng niệm và giáo đường hai nơi này, tôi có cảm nhận như người dân Đức sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đã tự nhìn lại mình, ít nhiều hối lỗi bởi thấy chính quyền Đức quốc xã lúc ấy đã gây ra nạn diệt chủng người Do Thái; hệ thống tuyên truyền nhồi nhét mình là dân tộc “thượng đẳng” đã đẩy phần nhiều dân chúng vào “tâm lý bệnh hoạn”, phải cùng loại trừ dân “hạ đẳng” mà nạn nhân gánh chịu là người Do Thái… Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói không thể tin nổi đêm thảm kịch Kristallnacht là một sự kiện làm nhục người Do Thái, thật đáng tiếc. Và kêu gọi người dân Đức không bao giờ được quên quá khứ đó! Phải, nhớ để đừng lặp lại những tang thương.

Tác giả đến đây trong tháng 5 và 6-2024

Ngày 10/12/2023, hàng nghìn người dân ở Berlin đã xuống đường biểu tình chống chủ nghĩa bài Do Thái với khẩu hiệu “Nước Đức hãy đứng lên – Điều cam kết là không bao giờ xảy ra bây giờ lại đang xảy ra!” trong bối cảnh Đức phải đối mặt với số vụ việc bài Do Thái ngày càng tăng sau cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Hamas vào Israel (tháng 10/2023). Những hành động bài Do Thái xuất hiện nhiều hơn ở Berlin và có xu hướng bạo lực hơn. Báo điện tử Tin tức Việt Đức ngày 23/5/2024 đưa tin, theo số liệu thống kê từ Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức công bố đầu tháng 5/2024 cho thấy, xu hướng bài Do Thái vẫn tiếp diễn với tổng số 793 vụ việc chống người Do Thái, trong đó có 14 hành vi bạo lực được ghi nhận trên khắp nước Đức chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024!

Phía trên Khu vực tưởng niệm và lối đi xuống sâu dần…

Bài & ảnh LKD

Số liệu tham khảo từ nguồn Wikipedia tiếng Việt