“Cơm chỉ” không phải là tên gọi một món cơm như cơm sườn, cơm tấm, cơm bì, cơm chiên, cơm xào… Tên “cơm chỉ” không được ghi trên bất cứ tờ Menu hay bảng hiệu của quán cơm nào. Tuy nhiên, người Việt ở Little Sài Gòn lại thường dùng nó, nói “cơm chỉ” ai cũng hiểu. Chỉ không phải là danh từ mà là động từ, miêu tả động tác khách hàng lấy ngón tay “chỉ” để chọn món ăn khi vô tiệm Food To Go mua cơm. Trong quán “cơm chỉ” có kê vài bộ bàn ghế để khách có thể “chỉ” xong bưng ra ngồi ăn tại chỗ.

Khi tôi mới đến Little Sài Gòn, một anh bạn rủ tôi đi ăn “cơm chỉ.” Nghe tên cơm lạ quá, tôi hỏi ổng “cơm chỉ” là cơm gì? Ổng cười cười làm ra vẻ thần bí, nói cứ lên xe ra đó rồi biết. Sau khi lái xe đi loanh quanh lẹo quẹo vài con đường thì ổng đậu xe trước một tiệm đề bảng Food To Go. Ổng kéo tui vô trước gian hàng là cái tủ kiếng dài hình chữ L, mặt trong tủ trống (không có cửa,) có khoảng vài chục khay thức ăn chay và mặn nấu kiểu cơm Việt, tức chuẩn ba món: mặn, canh, xào.

Nhân viên bán hàng là người Việt, có vài khách hàng cũng là người Việt đang đứng nhìn chăm chú vô tủ kiếng để chọn món ăn. Anh bạn tôi nói đây là “cơm chỉ,” thích ăn món gì cứ chỉ kêu người bán lấy, mua bao nhiêu họ múc vô hộp xốp bán bấy nhiêu. Thức ăn để ăn cơm giá tiền tính theo hộp lớn, hộp nhỏ, cá chiên loại lớn tính tiền theo con, bánh thì tính tiền theo cái. Giá tiền thấp nhất mỗi hộp thức ăn là $5, một cái giá rẻ cho người lao động so với giá trong các restaurants, nhưng vẫn mắc hơn quý vị tự nấu ăn tại nhà.

“Cơm chỉ” không cầu kỳ, kiểu cách như cơm trong các nhà hàng, mà giống như bữa cơm ở nhà quê. Món mặn thì có cá chiên, cá kho, thịt heo kho, gà kho, xào mặn, cà ri, mắm chưng, đậu hủ kho, đậu hủ chiên sả ớt… Canh thì có canh cải xanh, canh cải ngọt, canh tần ô, canh chua (nấu giá, cà chua, khóm, bụng cá ba sa)… Món xào là đậu que xào, đậu đũa xào hoặc bắp cải xào cà chua… Nói chung đều là các thực phẩm rẻ tiền mùa nào thức nấy. “Cơm chỉ” không bao giờ có rau muống xào, giá hẹ xào, canh rau đay, canh mồng tơi vì rau muống, hẹ, mồng tơi, rau đay là những thứ rau mắc tiền. Muốn ăn mấy món canh này phải vô restaurants Việt hạng khá trở lên.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Thời tôi còn nhỏ, các xe nước mía và quán ăn ở quê tôi thấy xe nào, quán nào ngoài tên gọi ra cũng đều có treo bảng “Ngon Bổ Rẻ.” Câu “Ngon Bổ Rẻ” hầu như là slogan, là tiêu chuẩn kinh doanh ăn uống xứ tôi. Những ai đã từng ăn cơm bình dân quán vỉa hè ở Sài Gòn đều không thể nào quên tháng ngày “cơm hàng cháo chợ,” “ăn quán ngủ đình,” giá cơm bán rẻ thì có rẻ, nhưng bổ và ngon thì chưa chắc. Cơm phần ở Sài Gòn có hai loại: Loại sang trọng trong restaurants và loại quán bình dân lề đường. Cơm phần sang trong restaurants cũng là một loại “cơm chỉ” nhưng quý vị “chỉ” trên tờ Menu, ngồi ăn tại chỗ. Cơm quán lề đường không có tờ Menu, gần giống “cơm chỉ” Little Sài Gòn như tôi vừa kể ở trên, nhưng danh sách món ăn trên dưới 5 tới 10 món thôi. Ði ăn cơm bình dân phải có trí nhớ tốt. Thực khách vô quán kéo ghế ngồi xong, người bồi bàn chạy ra hỏi “Anh/chị/cô/chú… ăn gì? Quán em có… (đọc thiệt nhanh một danh sách tên món ăn thiệt dài),” nhiều khi tôi nghe xong là quên hết không nhớ nổi, lại hỏi lại lần nữa “Có món gì ăn ngon mà rẻ?”

Tôi không bao giờ quên mấy món ăn lúc nào cũng cố định trong thực đơn quán cơm lề đường. Ðó là cá nục chuối kho cà, cá cơm kho tiêu, thịt nạc vai heo kho, gà kho gừng, canh khoai mỡ, canh cải ngọt nấu thịt bằm. Thịt, cá thì không bao giờ là loại tươi. Ðây là những loại cá, thịt, rau bán rẻ nhứt chợ. Củ khoai mỡ nặng chừng một ký lô mài ra hoặc vài ký lô cải ngọt xắt nhỏ nấu với cả đôi nước lạnh (40 lít,) thịt bằm thì xắn quần lội vô lấy rây vớt cả ngày may ra túm được vài miếng thịt lớn cỡ hột tiêu sọ. Cơm được nấu bằng loại gạo cứng cơm rẻ tiền, khi nấu phải đổ vô nồi nhiều nước nấu cơm mới nở và mềm nên chủ quán nấu ra rất nhiều cơm (gọi là “ngợi cơm,”) hột cơm nở bự chài bài, bời rời, không dẻo.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Sở dĩ mô tả cơm bình dân lề đường kỹ như vậy là vì tôi thấy “cơm chỉ” Little Sài Gòn gần như “bê nguyên xi” cơm lề đường Sài Gòn qua Mỹ vậy. Tức là mua “cơm chỉ” ngon hay dở tùy thuộc vô sự hên-xui của khách hàng. Cô bạn tôi nhà ở Nữu Ước nhưng làm việc cho tổ chức BP SOS ở quận Cam, vì vậy cô đi đi về về giữa hai nơi. Thời gian ở quận Cam buổi trưa cô thường xuyên ăn “cơm chỉ.” Có lần cô mời tôi cùng ăn. Hai chị em vô một quán cơm chỉ nằm bên hông khu chợ Việt. Chúng tôi mua một dĩa cơm trắng, tô canh cải xanh nấu thịt bằm, dĩa cá cơm chiên nhỏ, dĩa thịt heo kho nhỏ, hai ly nước rau má. Cá chiên ăn được, còn canh thì nước lỏng bỏng, có chừng một nắm cải xanh xắt nhỏ, thịt nấu canh có mùi hôi, tức chủ tiệm dùng thịt ôi để nấu món ăn. Bình thường tôi thích ăn canh cải xanh, nhưng hôm đó tôi chỉ ăn được một ít lá cải rồi thôi.

Tôi không phải người kén ăn. Ăn cơm với muối ớt, với mắm sống, ba khía nguyên con, chan nước mắm mặn… tôi đều đã ăn để sống qua thời thơ ấu. Thời gian mới qua Mỹ chưa biết lái xe, có lần không nhờ được người quen nào chở tôi đi chợ, tôi nấu nồi cơm rồi tới bữa bới tô cơm, chan lên vài muỗng nước mắm giằm ớt mà ăn suốt một tuần cho tới khi nhờ được “ông cơm chỉ” (ở trên) chở tôi đi chợ mua thức ăn. Tôi không ăn được món canh cải xanh đó thì có nghĩa là thực chất nó tệ.

Xem thêm:   Bluebonnet Festival 2024

Khoảng 20 tiệm “cơm chỉ” Việt Nam tập trung ở khu vực Little Sài Gòn, trên trục đường Bolsa và đường Westminster. Tôi nghe nói ở đây có những người làm nghề thu gom thịt bán ế ở các chợ Việt. Họ có hợp đồng trước với các chủ chợ, cứ chờ gần tới giờ đóng cửa chợ thì họ đến gom thịt ế thừa với giá bán rất rẻ rồi đem bỏ mối cho các tiệm ăn Việt Nam cũng với giá rất rẻ, nên tiệm ăn Việt cũng thường có giá bán món ăn rẻ. Tôi tin điều này có thật vì chính tôi đã từng bị ăn thịt ôi ở các tiệm “cơm chỉ” không phải một vài lần, kể cả quán cơm dĩa, quán phở, quán mì luôn. Có lần tôi ăn mì Quảng ở một quán ở Garden Grove và bị “dính” phải thịt heo có mùi ôi, từ đó về sau tôi không dám ăn mì Quảng ở đó nữa mà chuyển qua ăn món khác.

Ðó là “cơm chỉ” ngày bình thường. Mùa dịch vật này “cơm chỉ” dẹp hết bàn ghế để khách ngồi ăn tại chỗ dù đã có lịnh cho phép đón 25% sức chứa hoặc dưới 100 người trong tiệm. Dù vắng khách nhưng tiệm cũng mở cửa bán hàng đến 8 giờ tối. Tôi không hiểu sao các quán ‘cơm chỉ” lại dán miếng giấy “Không Chụp Ảnh” trên tủ kiếng đựng đồ ăn? Hỏi lý do thì cô bán hàng kêu hỏi chủ, mà nhìn qua nhìn lại thấy trong tiệm có mỗi một cô bán hàng chớ không có ai khác là người của tiệm.

Tuy có nhiều điểm hạn chế nhưng “cơm chỉ” cũng có ưu điểm. Với những người độc thân không nấu ăn như anh bạn tôi thì “cơm chỉ” là một “cứu cánh” trong các ngày làm việc.

TPT