Tuần rồi, dân tình quận Cam xôn xao rủ nhau “tấn công ào ạt” vô Costco để “cộ” hàng hóa về nhà dự trữ vì “sắp thiếu hàng.” Tôi không hiểu thông tin “thiếu hàng” từ đâu ra mà người ta rỉ tai nhau, lên mạng internet hỏi nhau nháo nhác, rồi kéo nhau rầm rầm đi “vét” giấy và nước uống. Có người không hiểu ất giáp gì hết, thấy thiên hạ rần rần “cộ” giấy toilet và nước uống đóng chai, họ cũng xông vô “làm” vài block giấy, vài block nước.

Cách đây 2 năm, cư dân quận Cam cũng ào ạt xông vô các cửa tiệm “đại gia tạp hóa” Costco, Walmart, Target, tất cả các chợ Mỹ, chợ Việt, chợ Ðại Hàn trong khu vực để mua vét gạo, các thứ thực phẩm khô lẫn thuốc men, chất tẩy rửa, dung dịch sát trùng, gia vị, cà phê, trà, nước uống đóng chai, giấy toilet, giấy cuồn dùng trong nhà bếp, khăn giấy… gây nên tình trạng khủng – hoảng – thiếu – giả – tạo do các nhà sản xuất và nhà buôn quá bất ngờ, trở tay không kịp và thụ động trong vấn đề điều phối dòng chảy phân bổ, lưu thông hàng hóa. Từ đó làm cho “kẻ ăn không hết người lần không ra” dù thực chất hàng hóa sản xuất ít hơn bình thường thật nhưng chưa đến mức thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu tiêu dùng của công chúng. Các kệ hàng trống rỗng, mỗi ngày đều có dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước cửa tiệm chờ vô mua giấy vệ sinh, hình ảnh này không khác gì tình hình Nhựt Bổn sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Vấn đề dịch bệnh làm đứt gãy mắt xích vận chuyển, khiến việc cung ứng trở nên chậm chạp. Sau đó vài tháng thì mọi việc trở lại bình thường, hàng hóa lại tràn ngập các cửa tiệm và “ế hàng” như trước.

Hôm qua, tôi cũng cất công vô tiệm Costco ở thành phố Garden Grove để coi mọi người mua sắm. Costco ở thành phố này có lượng khách hàng châu Á trội hơn hẳn các tiệm Costco khu vực khác trong quận Cam. Lần này, quản lý Costco đã chủ động ứng phó với tình hình nhu cầu tăng đột biến. Giấy và nước uống đều chất cao như núi hai mặt bức tường trong tiệm, nhưng đều có dán miếng giấy đề chữ “LIMIT 1” Tuy nhiên, tiệm giới hạn đối với từng nhãn hiệu chớ không phải gom chung “nước uống,” “giấy toilet” là chỉ được một block. Vì vậy, nhiều người “chơi chiêu” bằng cách mua mỗi nhãn hiệu một block, nếu chịu khó “cộ” thì cũng mua được một lần 4 block 4 nhãn hiệu giấy toilet khác nhau. Dù là mặt hàng “giới hạn” nhưng chưa bao giờ bị lên giá vì thiếu nguồn cung cấp. Tuy nhiên, Thứ Bảy vừa rồi Costco không giới hạn số lượng được mua nước đóng chai, có nhiều người lập tức rinh một lúc 4 block nước chất đầy xe như sợ chủ tiệm “đổi ý.”

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngoài ra, các mặt hàng khác tiệm trưng bày đầy đủ và rất nhiều, không thiếu món nào, thuốc viên Tylenol đã không bán “giới hạn,” mua bao nhiêu tùy ý. Thậm chí có thêm mặt hàng mới là xà bông cục hiệu Botanica, loa cầm tay xài pin cục (loại đồng hương vẫn dùng hô khẩu hiệu mỗi khi đi biểu tình,) và cà phê hòa tan thương hiệu Việt Nam.

Sau khi đi “kinh lý” một vòng tất cả các gian hàng trong tiệm, tôi trở ra gian hàng bán thức ăn nhanh mua một ly kem trắng giá $2 rồi bưng ra khu vực có kê nhiều bộ bàn ghế cho khách ngồi ăn, vừa thong thả thưởng thức kem vừa quan sát mọi người đẩy xe hàng đã trả tiền xong đi ra cửa. Trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi áng chừng có khoảng một trăm người đẩy xe hàng ra thì có đến chín mươi người chất giấy toilet và nước uống đầy xe. Lần này, khách hàng “hốt” giấy và nước không chỉ dân gốc Việt, mà có nhiều người Mỹ trắng, Mễ lẫn các bà mặc đồ đen trùm kín mít từ đầu tới chân chỉ hở mặt. Ðiều lạ là khách hàng chỉ “cộ” giấy toilet và nước đóng chai. Các loại thực phẩm khô, thuốc chữa bệnh thông thường, gạo, mì, cà phê, đường, sữa… lại mua rất ít. Trong dòng đám đông hì hục đẩy những xe hàng chất giấy toilet và nước uống cao ngất ngưởng, thì vẫn có một số người đẩy xe ra với một ít thức ăn, đồ uống với vẻ mặt bình thản như muốn nói “Ráng gom cho nhiều đi rồi quanh năm suốt tháng xài đồ cũ mèm.” Một người đẩy xe ra trong xe có hai bao gạo và một người trong xe có hai thùng nước rửa chén, hai bình dầu ăn.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Bạn tôi đi cùng hỏi tôi có mua món gì dự trữ không? Tôi vênh mặt lên dõng dạc trả lời “Không” một cách dứt khoát. Chẳng phải tôi “ngon lành” gì hơn người khác, mà càng ngày theo thời gian đồ đạc tôi mua sắm để dùng càng nhiều, riết rồi cái phòng nhỏ nhìn đâu cũng thấy đồ, mà bỏ đi thì không được. Cá nhân tôi chưa hề bị thiếu giấy toilet từ đợt “hiếm hàng” năm ngoái, lần này tôi cũng chỉ mua 1 block giấy như thường lệ để “điền vào chỗ trống” thôi, hai tháng nữa không lẽ tiệm nào cũng không bán giấy toilet sao mà phải lo xa quá. Còn nước uống đóng chai thì tôi không quan tâm tiệm bán nhiều hay ít. Ở nhà tôi dùng nước lọc pha trà đá uống, lóng rày không đi học ở trường nên một block nước 40 chai để trong xe uống hai tháng chưa hết. Có lần tôi nêu thắc mắc trên Facebook “Không biết người ta mua quá nhiều giấy toilet để làm gì, chiếm nhiều chỗ trong nhà mà để lâu quá nó tự động mục nát làm sao xài?” Nhiều người liền trả lời: “Chắc dịch nên họ ở nhà ị suốt ngày.” Câu trả lời có phần khôi hài, nhưng ngoài câu đó ra thì khó kiếm câu trả lời nào hợp lý hơn.

Tôi đảo một vòng qua “đại gia bán lẻ” Walmart thấy dù khách mua giấy toilet cũng nhiều nhưng họ không có dấu hiệu bị “hụt” hàng và cũng không hề dán thông báo “giới hạn.” Quả là người ta “thu gom” vì tâm lý gọi là “hội chứng đám đông” hơn là thật sự sợ hết hàng. Tôi không nghĩ nước Mỹ dễ dàng rơi vào tình trạng thụ động một lần nữa khi mà phần lớn các ngành nghề sản xuất đã hoạt động trở lại khá lâu. Mà tôi lấy làm lạ tại các chợ Việt ở đây cũng có bán giấy toilet và nước uống đóng chai nhưng không xảy ra hiện tượng “mua vét”? Có lẽ khách hàng chê chợ Việt bán mắc nên bán “ế”? Từ lúc chợ trời được mở cửa lại tới nay đã qua hai tháng, tôi cũng ba lần đi dạo chợ coi mọi người mua bán. Nói chung, mọi thứ vẫn y như trước khi đóng cửa, khác ở chỗ hễ mặt hàng nào có liên quan tới y tế (bao tay cao su, khẩu trang, các loại giấy dùng cho nhà bếp, vệ sinh) đều lên giá cho “theo kịp trào lưu” chớ chắc gì giá gốc đã lên. Biết đâu vài hôm nữa tiệm Costco lại dựng cái bảng to đùng trước cửa tiệm “Giấy vệ sinh, gạo, nước uống đã mua không nhận trả lại” như năm ngoái?

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Thời gian Việt Nam bùng phát dịch cúm Tàu dữ dội, nhà cầm quyền Việt cộng thả nổi giá cả hàng hóa cho “sân sau” làm mưa làm gió tăng giá cắt cổ người tiêu dùng. Người giàu tha hồ “hốt” hàng dự trữ chất đầy kho, đầy nhà, kẻ nghèo khốn đốn đói ăn từng bữa. Nghĩ người dân sống ở Mỹ thiệt có phước, ngay cả nhà phân phối hàng hóa cũng quan tâm tới sự công bằng, “giới hạn” là cách nhằm bảo đảm mọi người ai cũng có thể được hàng thiết yếu dùng. E rằng vài hôm nữa hệ thống báo, đài của nhà nước Việt cộng lại có dịp đồng loạt la làng “nước Mỹ khủng hoảng, dân Mỹ thiếu giấy vệ sinh và nước uống” như năm ngoái họ tung tin “người Mỹ đói xếp hàng chờ nhận thức ăn từ thiện” vậy. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, tuyên giáo đều không quên chê bai Mỹ.

TPT