Từ năm 2017, American Leadership Address (ALA) là một buổi nói chuyện được tổ chức thường niên bởi Hội Metroplex Military Charitable Trust (MMCT) do các cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đứng đầu. Mục đích của Hội là để gây quỹ và hỗ trợ cho chương trình Thiếu Sinh Quân (Junior ROTC) tại các trường trung học trong vùng Dallas-Fort Worth. Các diễn giả được Hội mời đến để nói chuyện với các thiếu sinh quân về đề tài liên quan đến kỹ năng lãnh đạo (leadership).

Quang cảnh trước giờ khai mạc tại bảo tàng viện Frontiers of Flight Museum. photo: baohuan/trẺ           

Năm nay, qua một sự tình cờ không tính trước, bốn vị diễn giả đều là những cựu sĩ quan thuộc Lữ Ðoàn 9 TQLC, tham dự chiến dịch “Operation Frequent Wind” – di tản hơn 7,000 người khỏi Sài Gòn vào những ngày tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Ðó là các vị tướng tá TQLC đã về hưu sau đây: Trung Tướng Richard Carey; Ðại Tướng Al Gray; Thiếu Tướng James Livingston; Ðại Tá Anthony Wood.

Trưởng ban tổ chức Đại Tá Mike McCollum (trái) và Đại Tá Anthony Wood (giữa)đang được trao tặng số báo Trẻ có bài về họ trong mục Miền Nam Mến Yêu. Hai ông vô cùng thích thú và hẹn sẽ gặp lại để bàn chuyện hợp tác trong tương lai. photo: baohuan/trẺ

Ông Richard Carey, khi ấy còn là Chuẩn Tướng, là Chỉ huy trưởng của Lữ Ðoàn 9. Ông có trách nhiệm điều hợp và bố trí các đơn vị TQLC khác nhau, một số đang ở ngoài khơi, một số khác ở nhiều nơi khác quanh Sài Gòn Chợ Lớn. Các phi đoàn trực thăng được huy động cấp tốc, những địa điểm có thể dùng để bốc người phải được chuẩn bị, trong khi kế hoạch thoái lui bị thay đổi từng giờ vì tình hình phức tạp.

Các em Thiếu Sinh Quân chụp ảnh lưu niệm với tướng Al Gray trước giờ khai mạc. Phần ăn của các em đã được các nhà hảo tâm trong vùng đài thọ. photo: baohuan/trẺ

Khi ấy thì Ðại Tá Al Gray là người chỉ huy Trung Ðoàn 4 Ðổ Bộ (Regimental Landing Team Four), chịu trách nhiệm việc tác chiến trên bộ và bảo vệ các địa điểm bốc người. Ông cũng là người có nhiệm vụ giữ an toàn cho khu trại ALAMO trong phi trường Tân Sơn Nhứt, cứ điểm tử thủ cuối cùng nếu Sài Gòn bị Cộng quân tấn công trước ngày giờ thỏa thuận.

Gần sân khấu là phần trưng bày các hiện vật liên quan đến lực lượng TQLC trong thời gian tác chiến tại Việt Nam. Trong số đó, ngoài lá cờ VNCH (trên) còn có tờ lịch chương trình văn nghệ giải trí cho binh sĩ trong căn cứ quân sự Tân Sơn Nhứt (dưới). photo: baohuan/trẺ

Thiếu Tá James Livingston là người tập hợp các đơn vị TQLC lại để thành lập Trung Ðoàn 4. Ông điều khiển việc đổ bộ cũng như bốc người. Ông phải bay từ căn cứ ALAMO trên đất liền ra các tàu chiến ngoài khơi gần như mỗi đêm để hoàn thành công việc phối hợp vô cùng phức tạp này, trên các chuyến bay của công ty Air America (hãng tư nhân do chính phủ Mỹ đài thọ).

Luật sư Anh Thư – một trong những người đã ủng hộ rất nhiệt tình cho chương trình, chụp hình lưu niệm với cựu sĩ quan Michael Gile. Ông Gile là một trường hợp khá đặc biệt. Năm 1974 ông đã được cấp trên cho phép cưới người yêu Việt và mang vợ về Mỹ, mặc dù vào thời điểm ấy quân đội và chính quyền Hoa Kỳ hoàn toàn không tán thành những cuộc hôn nhân như thế. photo: baohuan/trẺ

Ðại Úy Anthony Wood là một trong ba người trong Ban Kế Hoạch Ðặc Nhiệm (Special Planning Group) tại Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông là lập kế hoạch đưa người rời khỏi Sài Gòn bằng trực thăng; chịu trách nhiệm cho một số tuyến đường triệt thoái trong nội thành, và chuẩn bị căn cứ ALAMO để tiếp nhận và tạm giữ người di tản trước khi họ được bốc đi.

Trung Tướng Richard Carey (đã về hưu). Tháng 4, 1975, ông là Hạm trưởng Hàng không mẫu hạm USS Hancock thuộc Hạm Đội 7. Gia đình của bản thân phóng viên đã từng được di tản trên chiếc tàu do ông điều khiển. Sau gần 45 năm, được gặp gỡ để bắt tay ông và ngỏ lời tạ ơn quả là một cuộc hạnh ngộ tình cờ và hiếm quý. photo: baohuan/trẺ

Năm nay buổi nói chuyện của ALA đã diễn ra tại viện bảo tàng máy bay Frontiers of Flight Museum ở Dallas vào trưa ngày 4 tháng 9, 2019 – từ 11:30 đến 13:30. Buổi tiệc được tổ chức hết sức gọn gàng, chu đáo, khai mạc và kết thúc đúng giờ. Số người tham dự khoảng 350 người, tính theo con số 35 bàn, mỗi bàn 10 người. Ngoài mấy chục em học sinh còn có một số quan khách Mỹ, đa số cũng là cựu chiến binh. Ðặc biệt năm nay, vì đề tài thuyết trình có liên quan đến Việt Nam nên cũng có một số người Việt đến dự, trong đó chúng tôi nhận thấy có Dân biểu Hubert Võ đến từ Houston, vài vị đại diện tôn giáo… Ðài TV SBTN Houston và Cali cũng có mặt để thâu hình.

Một số người Việt tham dự buổi tiệc gây quỹ: Dân biểu Hubert Võ (thứ 3 từ trái) đến từ Houston; hai nhà sư; và đài TV SBTN Houston và Cali. photo: baohuan/trẺ

Sau bài diễn văn của tướng Gray, vài vị quan khách Việt cũng đã ngỏ lời cảm tạ sự hy sinh và đóng góp của các chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Ðại Tá Mike McCollum, trưởng ban tổ chức, thì nói: “Tuy ngày 29 tháng Tư, 1975 đánh dấu hồi kết một cuộc chiến, nhưng đồng thời nó đã mở ra một cuộc sống mới cho hàng ngàn người Việt nhờ chiến dịch Frequent Wind.”

Don Graves (trái) và Trung Tướng Charles “Chuck” Pitman (giữa). Don Graves, năm nay 94 tuổi, từng tham chiến trận Iwo Jima trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi Hoa Kỳ vào Việt Nam thì ông Don Graves đã giải ngũ, tuy nhiên ông vẫn còn sinh hoạt thường xuyên với hội cựu chiến binh TQLC. Khi còn tham chiến tại Việt Nam, trực thăng của thiếu tá Pitman từng bị bắn rớt nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 1971. Năm 1979 ông tham gia chiến dịch cứu con tin bất thành ở Tehran. photo: baohuan/trẺ

Đại Tướng Al Gray, diễn giả chính của chương trình. Trong bài diễn văn, ông nói là theo những gì ông thấy thì người Việt là một dân tộc hiền hòa, chân chất, không thích chiến tranh. Ông nêu cao tinh thần dũng cảm của những binh sĩ VNCH ông từng gặp, mặc dù họ phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn về nhiều mặt sau Hiệp Định Paris 1973. photo: baohuan/trẺ

Cựu chiến binh Mike Thompson đang huyên thuyên kể chuyện đơn vị của ông được cấp tốc điều động từ căn cứ quân sự ở Okinawa đưa sang Việt Nam chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc ở Vịnh Bắc Bộ. Ông Thompson nói mãi về sau ông mới được biết là chiến hạm USS Maddox đã không bị hải quân Bắc Việt tấn công vào đêm 2 tháng 8, 1964. photo: baohuan/trẺ

Bảo Tàng Viện Frontiers of Flight Museum (6911 Lemmon Ave, Dallas) là một địa điểm lý thú để tổ chức chương trình. Tại đây quan khách có thể tìm hiểu về lịch sử phi hành của loài người. Một trong những hiện vật tại đây là phi thuyền Apollo VII được NASA cho mượn từ bảo tàng Smithsonian ở Washington, D.C. Đây là chiếc phi thuyền có người lái đầu tiên trong chương trình Apollo, do Walter Cunningham, Walter Schirra và Donn Eisele điều khiển, bay vòng quanh trái đất 163 lần trong vòng 10 ngày – từ 11 đến 22 tháng 10, 1968. photo: baohuan/trẺ

PVT