Nếu không có sự trợ giúp của tỷ phú Elon Musk với hệ thống internet vệ tinh, một điều chắc chắn là tình hình của đất nước Ukraine sẽ tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay.

Các vệ tinh Starlink cung cấp internet trên toàn thế giới, kể cả ở những vùng xa xôi. – photo Adrian Mann/Future and Earth image: Yuichiro Chino via Getty Images
Ðược cho là một kỳ quan của kỹ thuật internet, chòm vệ tinh Starlink hiện có khoảng 3,335 vệ tinh đang hoạt động, mà một nửa trong số đó là thuộc hệ thống internet Starlink. Trong sáu tháng vừa qua, con số những vệ tinh mới được đưa lên thêm trung bình hơn 20 cái một tuần và trong tương lai có thể là 50 cái một tuần. SpaceX, công ty mẹ của Starlink, muốn mang dịch vụ truy cập internet tốc độ nhanh tới cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hiện có khoảng một triệu người đang sử dụng hệ thống internet này.
Trong số đó, một phần lớn người sử dụng là từ Ukraine. Starlink trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động quân sự và dân sự của quốc gia này trước cuộc xâm lược của Nga. Mà hệ thống internet Starlink không chỉ hỗ trợ cho Ukraine trong việc chống trả lại quân xâm lược, mà nó còn đang làm thay đổi vai trò của internet, hé lộ cho thấy một tiềm năng quân sự trong việc thông tin liên lạc ngoài chiến trường.
Starlink và Ukraine
Câu chuyện bắt đầu bằng một thông điệp đăng trên Twitter cho ông Elon Musk, được gửi đi bởi Mykhailo Fedorov, bộ trưởng về kỹ thuật số của Ukraine, hai ngày sau khi Nga tấn công.
Thông điệp viết: Trong khi ông đang cố mang người lên sao Hỏa thì Nga lại cố chiếm cho được Ukraine! Trong khi hoả tiễn của ông hạ cánh thành công từ không gian thì hoả tiễn của Nga lại tấn công thường dân Ukraine! Chúng tôi thỉnh cầu ông hãy cung cấp cho Ukraine các trạm Starlink và kêu gọi những người Nga biết lẽ phải hãy đứng lên.
Chỉ vài giờ sau, ông Musk đã trả lời ông Fedorov, cho biết dịch vụ Starlink đã được kích hoạt ở Ukraine và thiết bị nhận tín hiệu sẽ được gửi tới. Trong vòng vài ngày sau, những chiếc xe tải chở đầy những chiếc đĩa nhận tín hiệu, lớn cỡ chiếc bánh pizza được dùng để truy cập vệ tinh, bắt đầu được đưa đến Ukraine.
Cho đến tháng 5 vừa qua có khoảng 150,000 người Ukraine sử dụng hệ thống internet này mỗi ngày. Chính phủ Ukraine đã ngày càng cần đến hệ thống này cho các nhu cầu liên lạc khác nhau, bao gồm, đôi khi, cho việc phát sóng thông điệp hàng đêm của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Bởi vì các đĩa Starlink và các bộ phận liên quan rất dễ di chuyển và có thể sửa lại để chạy bằng bình điện xe. Do đó đây là những thiết bị truy cập internet lý tưởng để sử dụng ở một quốc gia mà mạng lưới điện và thông tin thường xuyên bị hoả tiễn của Nga đánh phá. Khi thành phố Kherson được giải phóng vào tháng 11, Starlink đã cho phép dịch vụ điện thoại và internet hoạt động trở lại chỉ trong ít ngày.

Một nhóm vệ tinh Starlink bay ngang qua bầu trời Uruguay vào ban đêm – Getty Images
Thay đổi hình thức chiến tranh
Hệ thống internet này cũng khiến cho chiến tranh bằng máy bay không người lái dễ dàng hơn nhiều. Vào tháng 9, một máy bay không người lái của hải quân Ukraine đã trôi dạt vào Sevastopol, tổng hành dinh ở Crimea của Hạm đội Hắc hải của Nga, với một bộ phận trông giống như thiết bị Starlink được gắn ở đuôi chiếc máy bay. Vào cuối tháng 10, bảy chiếc máy bay không người lái tương tự được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công thành công vào một bến cảng. Ukraine đã cho công bố đoạn video về cuộc tấn công nói trên được quay từ một mũi thuyền. Theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu quân sự, các hoạt động quân sự của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào việc truy cập internet, vì vậy Starlink đóng một vai trò rất quan trọng. Trong khi một người lính Ukraine thì nói một cách thẳng thừng rằng Starlink chính là nguồn dưỡng khí của họ, nếu hệ thống này bất ngờ biến mất thì quân đội Ukraine sẽ sụp đổ và rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Cách nối kết vào hệ thống Starlink này là điều mà chưa có quân đội quốc gia nào trước đây được hưởng. Quân đội phương Tây chiến đấu ở Afghanistan và Iraq có thể truy cập vào một số hệ thống internet. Tuy nhiên, phần lớn các lực lượng (với lực lượng đặc biệt là ngoại lệ) vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi cần chuyển tải thông tin đến nơi cần thiết một cách kịp thời.
Với cách thiết kế và hoạt động mang lại hiệu quả cao của Starlink khiến cho Ngũ Giác Ðài cũng đang nói đến việc thiết lập một hệ thống “Chỉ huy và Kiểm soát chung toàn miền” (JADC2) trong tương lai có khả năng tiếp nhận thông tin từ bất kỳ máy bay không người lái, máy bay thám thính thông thường hoặc binh lính trên bộ và sau đó được chuyển tải một cách dễ dàng tới bất kỳ địa điểm nào có hệ thống hoả tiễn, đại bác hoặc máy bay để sử dụng thông tin đó một cách hiệu quả nhất.
Bảo toàn của Starlink
Về mặt lý thuyết, với hệ thống internet Starlink, được coi là một dịch vụ dân sự, sẽ dễ dàng trở thành một mục tiêu bị đánh phá trong thời chiến. Tuy nhiên, cho đến nay, nó vẫn chưa phải đối phó với vấn đề lo ngại nói trên. Quân đội Nga có rất nhiều các thiết bị và máy móc tác chiến điện tử có thể xác định vị trí, gây nhiễu hoặc giả mạo phát sóng vô tuyến. Nhưng tín hiệu của Starlink mạnh hơn so với tín hiệu từ các vệ tinh bay ở độ cao hơn, khiến công việc gây nhiễu chúng khó hơn. Và cách mà các đĩa Starlink bên dưới sử dụng thiết bị điện tử tinh vi để tạo ra các tia tín hiệu rất nhỏ để xoay theo vị trí của các vệ tinh trên bầu trời giống như chiếc đèn pha vô hình mang lại khả năng chống gây nhiễu tốt hơn. Ngoại trừ đối phương có thể biết thật chính xác tia tín hiệu đó phát xuất từ đâu, công việc gây nhiễu vào máy nhận tín hiệu ở dưới đất là điều rất khó làm.
Nếu tín hiệu của Starlink không thể bị gây nhiễu, thay vào đó, hệ thống vẫn có thể bị tấn công trực tiếp. Vào tháng 9, một phái đoàn Nga tham gia vào nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về an ninh không gian đã gợi ý rằng, mặc dù trên danh nghĩa với tư cách là một hệ thống dân sự, Starlink có thể được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp theo luật nhân đạo quốc tế. Tháng 5 trước đó, các nhà nghiên cứu làm việc cho quân đội Trung Quốc đã công bố một bài nghiên cứu kêu gọi chính phủ nước này cần đưa ra “các biện pháp đối phó” để chống lại Starlink.
Các cuộc tấn công mạng như cuộc tấn công nhắm vào hệ thống vệ tinh của chính phủ Ukraine vào ngày 24 tháng 2 là điều khả thi. Tuy nhiên, cho đến nay, những cuộc tấn công mạng nhắm vào Starlink dường như không hiệu quả, một phần là nhờ vào khả năng cập nhật nhanh chóng hệ thống nhu liệu của công ty SpaceX.
Và kia là các vệ tinh Starlink đang bay trên quỹ đạo thấp. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nga có một số hoả tiễn có thể bắn hạ vệ tinh bay trên bầu trời. Tuy nhiên, một lần nữa, việc sử dụng cách đối phó này được xem như một sự leo thang chiến tranh nghiêm trọng. Mà cách này cũng được cho là không hữu dụng đối với chòm vệ tinh như Starlink so với các hệ thống cũ hơn. Bắn hạ được một vệ tinh Starlink sẽ không đạt được bất kỳ kết quả gì. Nếu người ta muốn gây thiệt hại cho cả một hệ thống chòm vệ tinh được đặt trên không gian, người ta cần phải loại bỏ rất nhiều vệ tinh trong tổng số vài ngàn vệ tinh như đã nói ở trên.

Hệ thống Starlink được quân đội và dân chúng Ukraine sử dụng tại Kherson sau ngày giải phóng – AFP
Mô hình Starlink mở rộng hoạt động
Dịch vụ internet Starlink hiện nay còn đang được sử dụng bởi người biểu tình ở Iran, mặc dù chính quyền quốc gia này vẫn chưa chính thức cho phép kỹ thuật internet này được hoạt động bên trong nội địa Iran.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những quốc gia khác sẽ phải chịu bó tay, mà trên thực tế một số quốc gia vẫn có cách để chống lại Starlink. Với quyền lợi kinh doanh của công ty xe hơi điện Tesla của ông Musk ở Trung Quốc, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy dịch vụ Starlink không được cung cấp cho các tổ chức chống đối chính quyền nhà nước Bắc Kinh. Và liệu Ðài Loan, nếu gặp phải một cuộc tấn công từ Trung Quốc, có thể được hỗ trợ bởi hệ thống internet Starlink như Ukraine đang được hưởng hay không? Chúng ta có thể hình dung ra câu trả lời là không – và điều này có thể giải thích tại sao đảo quốc này đang gia tăng nỗ lực phát triển hệ thống chòm vệ tinh của riêng họ.
VH