Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga được cho là đang ở thế vững mạnh nhất kể từ khi hai cường quốc độc tài này cùng nhau hợp tác để nhắm tới một mục tiêu chung là đối đầu với cái mà cả hai coi là chiến lược của phương Tây đang nhằm bao vây họ. Tuy nhiên, ở khu vựcTrung Á, nơi Moscow bao lâu nay vẫn coi là sân sau của mình, tình hữu nghị mà Vladimir Putin và Tập Cận Bình mới đây cùng tuyên bố là “không có giới hạn” đang đụng phải một thực tế có phần chua chát đối với Nga – đó là tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Nga, Trung Quốc và khu vực Trung Á – Erhan Yalva – dailysabah.com 

Mặc dù cố gắng che đậy nhưng tình trạng căng thẳng ngấm ngầm đó vẫn thấy lấp ló trong bối cảnh khi cả hai ông Tập Cận Bình và Putin đều có mặt ở Kazakhstan trong tuần lễ vừa qua để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – khối hợp tác chính trị và an ninh khu vực. Ông Tập Cận Bình sau đó sẽ tiếp tục tới Tajikistan trong khuôn khổ chuyến thăm thứ tám của ông tới Trung Á kể từ khi trở thành chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013.

Trung Quốc lấn sân

Trung Quốc lợi dụng trong lúc Nga đang bận tâm với cuộc xâm lăng Ukraine để tìm cách làm suy giảm phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga. Do Moscow đang cần đến sự hỗ trợ của Bắc Kinh để duy trì cỗ máy chiến tranh của họ đã buộc Nga phải chấp nhận làm ngơ trước các hành động xâm lấn ngày càng rõ rệt.

Trên khắp khu vực có vị trí chiến lược này, Bắc Kinh đang tìm cách thu hút các nền kinh tế địa phương vào trong quỹ đạo của họ. Các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khu vực đang lôi kéo tầng lớp nhân công trẻ tại đây xa rời khỏi Nga. Một tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ hứa hẹn sẽ nối kết khu vực này với Châu Âu, không cần phải đi qua lãnh thổ Nga. Các dự án năng lượng tái tạo của Trung Quốc cũng đang làm giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga của các quốc gia trong khu vực.

Xem thêm:   Kế hoạch tấn công Nga

Theo Tổ chức Di trú Quốc tế Liên Hiệp Quốc, khoảng 1.3 triệu người Uzbekistan đang làm việc ở Nga vào năm 2023, giảm so với 1.45 triệu của năm trước đó. Có nhiều lý do đưa đến sự sụt giảm này, nhưng một phần nguyên nhân là do đầu tư và sự gia tăng hoạt động của các xưởng sản xuất đến từ Trung Quốc.

Hình ảnh lãnh tụ Liên Xô tại Uzbekistan thời cộng sản – Getty Images

Vị trí địa lý của Trung Á

Thời Sa hoàng ở Nga, khu vực Trung Á cũng giống như miền Viễn Tây trong thời kỳ khai phá của nước Mỹ: là một lãnh thổ được cho là hoang dã cần được mở rộng, hiện đại hóa và khai thác tài nguyên. Công cuộc khai phá và hiện đại hóa tiếp tục được duy trì dưới thời Liên Xô cộng sản và đường biên giới luôn được bảo vệ một cách cẩn mật trước tham vọng xâm lấn của Trung Quốc.

Sự chuyển hướng quyền lực trong khu vực đã ngấm ngầm xảy ra trong nhiều năm qua nhưng tăng nhanh sau khi Nga xâm lăng Ukraine, là sự kiện mà nhiều quốc gia trong khu vực coi như là hành vi vi phạm trắng trợn và đáng ngại vào chủ quyền lãnh thổ của một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Thay vì ủng hộ Moscow, cả 5 quốc gia Trung Á đều chọn giữ thái độ trung lập trong cuộc xâm lăng nói trên.

Đối với Trung Quốc và Nga, hai cường quốc có diện tích đất rộng bao la, Trung Á là con đường nối ngày càng quan trọng. Nó cho Putin được tiếp cận trực tiếp hơn với các thị trường ở Nam Á. Và nó là trung tâm của dự án Nhất đới Nhất lộ của Tập Cận Bình để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nối kết Trung Quốc thông qua các tuyến đường bộ và đường biển khác nhau với phần còn lại của lục địa Á-Âu.

Hoa Kỳ cũng vậy, gần đây cũng tăng cường nỗ lực nhằm lấy lại ảnh hưởng của họ ở Trung Á, đã cử một loạt giới chức cao cấp đến khu vực, mặc dù trọng tâm của Hoa Kỳ chủ yếu chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố có nguy cơ lan ra từ Afghanistan.

Xem thêm:   Alain Delon từ lêu lổng thành tài tử thế giới

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng

Trong nhiều năm, Nga và Trung Quốc đã có sự phân chia ngầm về ảnh hưởng trong khu vực: Nga là quốc gia cung cấp an ninh chính trong khi Trung Quốc tập trung vào phát triển và đầu tư.

Nhưng nay thì Bắc Kinh đang làm đảo lộn sự cân bằng đó bằng cách gia tăng nhiều hơn nữa vai trò của họ – sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường ảnh hưởng chính trị. Thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Trung Á đã tăng lên đến $98 tỷ vào năm ngoái, hơn gấp 3 lần kể từ năm 2016.

Theo thống kê chính thức, tại Uzbekistan, quốc gia đông dân và kỹ nghệ hóa nhất trong số 5 quốc gia Trung Á thời hậu Xô Viết, Trung Quốc đã đẩy Nga ra khỏi vị trí đối tác thương mại hàng đầu vào năm 2023. Quốc gia này đang ra sức nỗ lực để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu sau hai thập niên theo đuổi chính sách cô lập.

Một trong những dấu hiệu ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung quốc là khu công nghiệp Peng Sheng, nằm gần thành phố Sirdaryo thuộc miền trung Uzbekistan, được thành lập với sự tài trợ của Trung Quốc vào năm 2009. Với dòng vốn đầu tư gần đây, khu vực này hiện là nơi đặt trụ sở của hơn chục công ty Trung Quốc.

Công ty Trung Quốc mới nhất là công ty xe hơi điện BYD vừa bắt đầu hoạt động sản xuất vào cuối tháng 6 tại một nhà máy mới ở tỉnh Jizzax, là quê hương của Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, với mục tiêu là sản xuất khoảng 50,000 xe mỗi năm. Bình điện và các bộ phận quan trọng khác sẽ được đưa tới từ Trung Quốc, trong khi công nhân địa phương nhận lãnh tất cả mọi công việc khác từ hàn, sơn cho đến lắp ráp.

Xem thêm:   Cà phê xào

Theo thống kê chính thức, vào năm 2023, gần 80% trong số hơn 73,000 xe mà Uzbekistan nhập cảng là đến từ Trung Quốc. Nga xuất cảng khoảng 4,500 xe sang Uzbekistan vào năm 2021, nhưng nhu cầu này đã giảm thấp đến mức xe nhập cảng của Nga hiện nay được xếp vào danh mục “các quốc gia khác”.

Một đường hầm mới dài 12 dặm do Trung Quốc xây dựng đã mở ra tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên nối liền giữa Thung lũng Fergana, thuộc vùng viễn đông Uzbekistan, tới những khu vực khác của quốc gia. Đường cao tốc do Trung Quốc xây dựng nối kết miền bắc và miền nam Tajikistan đã cắt giảm thời gian di chuyển xuống chỉ còn 8 tiếng.

Hệ thống đường sắt dự kiến nối liền Trung Quốc với Uzbekistan – Zuma Press

Và Nga mất sân sau

Trong quá khứ, hầu hết các tuyến đường sắt và đường cao tốc mà Liên Xô xây dựng ở Trung Á đều dẫn đến Moscow. Việc thiếu sự nối kết trong nội địa với những khu vực khác của thế giới đã biến Trung Á trở thành một trong những khu vực biệt lập nhất thế giới.

Những thay đổi khác có tầm lớn hơn cũng đang xảy ra. Vào đầu tháng 6, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận quan trọng về việc xây dựng tuyến đường sắt nhằm nối kết các quốc gia của họ đã được thảo luận từ năm 1997. Dự án này sẽ rút ngắn việc đi lại giữa khu vực Đông Á với Trung Đông và miền Nam châu Âu nhiều trăm dặm bằng cách đi vòng qua Nga.

Trong nhiều năm, Nga đã sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Kyrgyzstan, một quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu, để làm chậm tiến trình phát triển tuyến đường này. Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận liên quan đến cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi nguồn lực thương mại vận hành qua Nga. Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội và lấn sân.

Nói thế để thấy rằng cho dù kết quả cuộc chiến ở Ukraine sẽ là thế nào thì việc xâm lăng Ukraine vẫn là một lỗi lầm lớn của ông Putin và vị thế và sự ảnh hưởng của Nga không chỉ yếu đi trên bàn cờ quốc tế mà còn ngay tại sân sau của họ.

VH