Kể từ ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập vào năm 1776 đến nay là đúng 243 năm. Nhưng trên thực tế, mấy năm sau đó chiến tranh vẫn tiếp diễn cho mãi tới năm 1783 thì người Mỹ mới hoàn toàn giành được độc lập từ Đế quốc Anh. Tuy nhiên, không vì chiến tranh mà người dân Mỹ thời đó không mừng ngày Lễ Độc Lập của họ. Chỉ một năm sau, thành phố Philadelphia đã cho tổ chức kỷ niệm một năm độc lập vào ngày 4 Tháng 7 năm 1777, trong khi quốc hội vẫn còn đang rối bù với cuộc chiến với quân Anh.

Bắn pháo hoa tại Washington trong ngày Lễ Độc lập – nguồn WTOP.com

Năm 1778, để đánh dấu hai năm sau bản Tuyên ngôn Ðộc lập, George Washington đã ra lệnh cho tăng gấp đôi khẩu phần rượu rum cho binh lính của ông để ăn mừng, và đến năm 1781, nhiều tháng trước khi người Mỹ đạt được chiến thắng quan trọng tại Yorktown, Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên chính thức lấy ngày 4 Tháng 7 làm ngày lễ nghỉ của tiểu bang.

Nhưng ngày 4 Tháng 7 năm 1776 cũng không hẳn là ngày Quốc hội Lục địa quyết định tuyên bố độc lập. Ngày tuyên bố là 2 Tháng 7 năm 1776.

Nó cũng không phải là ngày khởi đầu của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ (hay còn gọi là cuộc chiến giành độc lập của người dân Mỹ). Sự kiện này xảy ra từ Tháng 4 năm 1775.

Và nó cũng không phải là ngày Thomas Jefferson soạn bản nháp Tuyên ngôn Ðộc lập đầu tiên; Jefferson bắt tay vào công việc này từ Tháng 6 năm 1776. Mà cũng không phải là ngày bản Tuyên ngôn Ðộc lập được gửi tới cho triều đình nước Anh; việc này không xảy ra cho mãi đến Tháng 11 năm 1776. Cũng không phải là ngày bản Tuyên ngôn Ðộc lập được ký; ngày đó là 2 Tháng 8 năm 1776.

Vậy tại sao ngày độc lập đầu tiên của nước Mỹ lại là ngày 4 Tháng 7 năm 1776? Là vì đây là ngày Quốc hội Lục địa phê chuẩn cho bản văn chính thức Tuyên ngôn Ðộc lập. Các đại biểu quốc hội đã họp hành trong hai ngày sau khi bản nháp được đệ trình vào ngày 2 Tháng 7 và cuối cùng đã cùng đồng ý chung trên tất cả những điều được sửa đổi.

Ngày 4 Tháng 7 năm 1776 trở thành ngày được ghi trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập, và bản văn viết tay đặc biệt này được ký vào Tháng 8 cùng năm. Bản viết tay này hiện đang được lưu trữ tại Văn khố Quốc gia ở Washington. Nó cũng là ngày được ghi trong những bản in đầu tiên của Tuyên ngôn Ðộc lập và sau đó được gửi đi khắp nước. Do vậy, khi người ta nghĩ tới bản Tuyên ngôn Ðộc lập, ngày 4 Tháng 7 năm 1776 là ngày người ta nhớ tới.

Hơn 500,000 người tham dự cuộc diễn hành Lễ Độc Lập 2017 tại Orange County – nguồn Orange County Register

Sau cuộc cách mạng thành công, người dân Mỹ vẫn tiếp tục kỷ niệm ngày 4 Tháng 7 hằng năm, là dịp để các nhà lãnh đạo quốc gia gặp gỡ, nói chuyện với quốc dân để tạo tình đoàn kết. Thậm chí tinh thần ái quốc còn được khơi dậy mạnh hơn nữa trong ngày 4 Tháng 7 sau cuộc Chiến tranh 1812 xảy ra giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh một lần nữa. Thế nên, năm 1870, quốc hội đã thông qua luật và chỉ định ngày 4 Tháng 7 thành ngày lễ liên bang; và năm 1941, quốc hội ghi thêm một điều khoản vào trong luật để cho phép là ngày lễ nghỉ trả lương cho tất cả các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Dần dà, ý nghĩa chính trị của ngày lễ phai nhạt đi nhưng Lễ Ðộc Lập vẫn là một ngày lễ quan trọng của người Mỹ và là biểu tượng tinh thần ái quốc của nước Mỹ.

Vì rơi vào giữa Hè, kể từ cuối thế kỷ 19, ngày Lễ Ðộc Lập trở thành một trong những ngày lễ nghỉ chính cho các sinh hoạt vui chơi và cũng là dịp để gia đình, bạn bè họp mặt, nướng thịt và ăn uống vui vẻ ngoài trời theo đúng phong cách của người Mỹ.

Ðốt pháo hoa cũng là một trong những truyền thống lâu đời mà đến nay vẫn được nhiều thành phố duy trì và tổ chức để cho người dân có dịp vui chung. Hơn nữa, việc đốt pháo vào dịp lễ còn đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia.

Theo ước tính của Hiệp hội Pháo hoa Hoa Kỳ (APA), có hơn 14,000 cuộc đốt pháo hoa được tổ chức trên khắp nước Mỹ vào mỗi dịp Lễ Ðộc Lập. Vì vậy, ngành làm pháo ở Mỹ thông thường phải lo chuẩn bị trong 11 tháng để có đủ pháo bán trong vòng một tháng, và ít nhất 90 phần trăm thu nhập của ngành pháo là nhờ dịp Lễ Tạ Ơn, tương tự như ngành trồng hoa và làm pháo Tết ở Việt Nam mình vậy, bận rộn nhất là vào những ngày cuối năm Âm lịch.

Dân chúng tụ tập picnic trước đài tưởng niệm Lincoln trong ngày Lễ Độc Lập – nguồn dcspotlight.com

Hiệp hội APA cũng cho biết sinh hoạt vui chơi đốt pháo ngày càng được người Mỹ ưa chuộng hơn bao giờ hết, và việc kinh doanh bán pháo đã tăng gấp đôi từ năm 2000 (với 46 triệu ký được bán ra) đến 2007 (với 108 triệu ký).

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Năm 2007, mức thu nhập của ngành kinh doanh pháo ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục là $930 triệu. Nghe nói phần nhiều pháo đốt ở Mỹ hiện nay được nhập cảng từ Trung Quốc. Vậy không biết pháo có nằm trong danh sách những món hàng bị tăng thuế trong trận chiến thương mại hay không? Nếu có thì chắc hẳn người dân Mỹ năm nay sẽ phải trả thêm tiền cho thú vui đốt pháo của họ.

Mặc dù sinh hoạt đốt pháo là một trong những truyền thống nguyên thủy của ngày Lễ Ðộc Lập vẫn còn thì một số truyền thống khác, như việc bắn đại bác trong suốt ngày lễ, đã biến mất từ lâu. Trong khi một số truyền thống sinh hoạt mới xuất hiện, trong đó phải kể tới cuộc thi ăn hot dog rất nổi tiếng do hệ thống nhà hàng Nathan’s Famous liên tục tổ chức mỗi năm, và nay đã làm năm thứ 104, được rất nhiều người trên thế giới đến tham gia. Một trong những thí sinh vô địch nổi tiếng có anh Takeru Kobayashi người Nhật thắng liên tiếp sáu năm (2001-2006), và gần đây có anh Joey Chestnut đã phá kỷ lục trong năm ngoái ăn được 74 cái hot dog.

Ngày Lễ Ðộc Lập năm nay rơi vào Thứ Năm, nhờ vậy nhiều người đi làm ở Mỹ được công ty cho nghỉ luôn hai ngày và quan trọng hơn hết là được ăn lương. Với một cuối tuần dài bốn ngày, chắc có nhiều người đi chơi xa trong dịp lễ này. Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), năm ngoái có gần 47 triệu người Mỹ đi chơi xa vào dịp Lễ Ðộc Lập, là con số kỷ lục. Năm nay số người đi chơi xa có lẽ sẽ phá kỷ lục vì có được bốn ngày nghỉ liên tiếp và giá xăng lại tương đối thấp.

Tổng thống Donald J. Trump và Đệ nhất phu nhân ngày 4 tháng 7 năm 2018. nguồn The White House

Chương trình sinh hoạt cho ngày Lễ Ðộc Lập là một trong những chương trình sinh hoạt chính trong năm tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ. Và đương nhiên chương trình sinh hoạt mừng Lễ Ðộc Lập quy mô nhất vẫn là tại thủ đô Washington với diễn hành, đại nhạc hội và đốt pháo hoa ngay trước đài tưởng niệm Abraham Lincoln – phần lớn công việc tổ chức là do Bộ Nội vụ đảm trách. Tuy nhiên, năm nay có một chút thay đổi, đó là có sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump và có diễn hành của quân đội kéo dài 10 lốc đường trên Ðại lộ Constitution trong khu vực thủ đô. Ông Trump dự định sẽ đọc diễn văn trước đài tưởng niệm, có lẽ là vào buổi chiều trước khi đốt pháo.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Năm 2017, Tổng thống Trump đến thăm nước Pháp và tham dự ngày Lễ Quốc Khánh (Bastille Day hay Fête Nationale) được tổ chức tại Paris với cuộc diễn hành rầm rộ của quân đội. Ông xem thích quá và khi trở về Mỹ đã đề nghị tổ chức một cuộc diễn hành tương tự tại Washington vào Tháng 11 cùng năm nhưng các giới chức địa phương và Ngũ giác đài lên tiếng lo ngại về chi phí tổ chức có thể cao quá, do đó ý kiến này đã bị hủy bỏ.

Ðầu Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump nhắc lại đề nghị này và muốn tổ chức vào ngày Lễ Ðộc Lập.

Từ trước tới nay chưa có một vị đương kim Tổng thống nào tham gia vào những sinh hoạt mừng Lễ Ðộc Lập tại thủ đô. Ông Trump là người đầu tiên. Tổng thống Ronald Reagan cũng từng tham gia vào một sinh hoạt tại đài tưởng niệm Thomas Jefferson vào ngày 3 Tháng 7 năm 1987, một ngày trước lễ. Các Tổng thống George Washington và John Adams cũng từng xuất hiện tại nhiều buổi tổ chức mừng lễ tại nhiều thị trấn quanh nước Mỹ, nhưng không tại thủ đô. Thế nên sự xuất hiện của Tổng thống Trump năm nay sẽ không tránh khỏi những lời chỉ trích, một trong những lời chỉ trích cho rằng Tổng thống đã lợi dụng những sinh hoạt truyền thống của ngày lễ để biến thành một buổi biểu dương với mục đích chính trị. Nhưng một khi Tổng thống đã muốn thì Bộ Nội vụ cũng phải chiều theo ý thôi.

VH

Arlington, TX