Ít tháng trước khi có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu gia tăng thì một số nhà hoạch định chính sách cho rằng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Nhưng bằng chứng mới nhất từ bản phúc trình hằng tháng từ Bộ Lao động cho thấy tình trạng lạm phát vẫn tiếp tục với chỉ số giá tiêu thụ (CPI) ” là thước đo giá cả mà người tiêu thụ phải trả cho hàng hoá và dịch vụ” tăng 0.9% trong tháng 10, hay 6.2% so với một năm trước đây, và là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát tăng cao hơn 5%.

Lạm phát – nguồn fox news

Ðây cũng là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ năm 1990, mặc dù đã có những lời trấn an vào tháng 3 từ Toà Bạch Ốc, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) và các cố vấn kinh tế rằng tình trạng lạm phát sẽ sớm biến mất nay mai. Bản phúc trình trên được đưa ra sau một bản phúc trình khác vào ngày 9/11 nói rằng giá bán sỉ tăng 0.6% trong tháng 10, hay 8.6% so với một năm trước. Giá bán sỉ được ấn định từ nhà sản xuất bán cho các cửa hàng và sau đó được đẩy xuống cho người tiêu thụ.

Trong những thứ vật giá leo thang cao nhất phải kể đến giá xăng trong tháng qua đã tăng gần 50% so với cùng thời gian năm ngoái, với giá trung bình trên toàn quốc hiện nay là hơn $3.40, tương đương với mức giá của năm 2014. Giá thực phẩm tăng 5.4%, với giá thịt heo tăng 14.1% so với một năm trước và là tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 1990.

Giá trung bình các loại xe mới tăng 9.8% trong tháng 10, cao nhất kể từ năm 1975, trong khi giá bàn ghế, giường tủ, bánh xe và dụng cụ thể thao cũng tăng cao nhất trong vòng mấy thập niên qua. Giá cả tại các tiệm ăn tăng 5.3% trong tháng 10 và đã tăng đều đặn trong mấy tháng qua là dấu hiệu cho thấy khi tiền lương trả cho nhân viên tăng thì loại chi phí này sau đó sẽ được đưa vào hoá đơn của khách hàng.

Tình trạng lạm phát cao hiện nay có thể là cơn ác mộng chính trị mới nhất của Tổng thống Joe Biden, là vì lạm phát không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách gia đình mà nó còn có khả năng huỷ diệt sự nghiệp chính trị của nhiều người. Lạm phát cao làm ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của cử tri và đương nhiên sẽ tác động đến vị thế chính trị vốn đã suy yếu của ông Biden. Và đó là lý do khiến tỷ lệ ủng hộ của ông gần đây đã rớt xuống dưới mức 40%.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Trong cuộc thăm dò mới đây của đài CNN cho thấy 58% người dân không nghĩ rằng Biden đã quan tâm đầy đủ đến các vấn đề của quốc gia. Và vấn đề được nhiều người trong cuộc thăm dò quan tâm nhất (36%) là kinh tế, đứng trước cả vấn đề đại dịch chỉ ở mức 20%. Những con số đó cho thấy để có thể cải thiện vị thế chính trị của mình, ông Biden cần phải chuyển mục tiêu đặt trọng tâm chính sách từ giải quyết đại dịch và biến đổi khí hậu sang ổn định giá cả sinh hoạt của người dân trong nước.

Tất cả các tổng thống vẫn thường phải đối phó với tỷ lệ ủng hộ bị giảm sụt và những khó khăn chính trị vào lúc này hay lúc khác. Những vị tổng thống thành công và giành được chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai cho thấy họ có khả năng đảo ngược tình thế và phục hồi sau thời gian gặp khó. Ông Biden có khả năng để làm được vậy hay không là còn tuỳ thuộc vào sự khéo léo và bén nhạy chính trị của chính ông. Thành công hay thất bại sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm tới.

Giá sinh hoạt tăng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân – nguồn AP

Giá cả tại các cửa hàng tăng và chi phí để sưởi ấm trong nhà cao hơn chắc chắn sẽ khiến cho sinh hoạt trong mùa lễ hội cuối năm và mùa Ðông sắp tới trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân Mỹ.

Ngay trước mắt có nhiều dấu hiệu cho thấy bản phúc trình của Bộ Lao động có thể gây thêm phức tạp trong nỗ lực của Tổng thống Biden để thúc đẩy thông qua dự luật chi tiêu thêm cho chương trình xã hội tại thượng viện với số ghế hiện được chia đều 50-50. Thượng nghị sĩ Joe Manchin thuộc đảng Dân chủ của tiểu bang West Virginia đã lên tiếng cảnh báo trong nhiều tuần qua rằng bơm thêm ít nhất $1.5 ngàn tỷ nữa trong dự luật trên vào trong nền kinh tế có thể khiến cho giá cả lại càng tăng cao hơn nữa.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Khi các chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày tăng vọt thì người dân lại càng ít quan tâm tới những chương trình dài hạn do chính phủ đưa ra, như xây dựng hạ tầng hay mở rộng phụ cấp xã hội, mà người ta chỉ mong sao có thể cắt giảm được tiền chợ, tiền đổ xăng. Lạm phát cao là một yếu tố đặc biệt gây thiệt hại trong lãnh vực chính trị vì nó tác động tức thời đến cuộc sống của cử tri. Tỷ lệ lạm phát 6.2% là cao hơn nhiều so với mức lạm phát trung bình khoảng 2% mà các nhà hoạch định chính sách khó có thể ngồi yên được. Khi mà giá sinh hoạt tăng cao cũng có nghĩa là mức lương tăng trong thời gian gần đây cũng bị xóa mất, do đó thay vì tăng lương thì trên thực tế là bị giảm lương.

Tình trạng lạm phát cao khiến cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng trở nên phức tạp do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt sau nhiều tháng bị khóa cửa ở nhà, do tình trạng thiếu hàng hóa và nguyên liệu chính, và do tiền tiết kiệm của người Mỹ trong các trương mục cao hơn sau một thời gian dài bị kẹt ở nhà không tiêu xài thì nay được dịp bung ra. Lạm phát lại càng trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn trong các hệ thống sản xuất, chẳng hạn như ở châu Á. Tình trạng thiếu chất bán dẫn khiến các mặt hàng như xe mới trở nên đắt hơn và khó mua hơn và do đó cũng đẩy giá xe cũ lên cao. Hệ thống cung ứng nội địa lại đang gặp khủng hoảng trong khi các tàu chở hàng phải nằm chờ ngoài khơi nhiều ngày để có thể chuyển hàng lên bờ tại các bến cảng ở California. Tình trạng hàng hoá tồn đọng tại các bến cảng càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu tài xế xe tải và hàng hoá vận chuyển bằng đường xe lửa lại không đáp ứng đủ để bù đắp vào sự thiếu hụt trên.

Giá xăng tại Solana Beach, California vào đầu tháng 11 – nguồn Reuters

Tuy nhiên, còn vì một lý do quan trọng khác: việc chi tiêu quá tay của chính phủ. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, tình trạng lạm phát tăng cao hiện nay không hẳn là một tai nạn tình cờ, giống như ta bị một tay lái xe bất cẩn tông vào mình vậy, mà do chính là kết quả của chính sách kinh tế thiếu suy nghĩ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát và Toà Bạch Ốc đã chi thêm $1.9 ngàn tỷ vào nền kinh tế trong gói cứu trợ người thất nghiệp vào tháng 3, sau khi đã chi khoảng $4 ngàn tỷ trong các gói cứu trợ Covid vào năm 2020. Mục tiêu là để thúc đẩy nhu cầu kinh tế, mặc dù nền kinh tế nước Mỹ đang phục hồi một cách khá ngoạn mục bắt đầu vào mùa Hè năm 2020. Gói kích cầu không cần thiết đó được thực hiện trùng hợp cùng với một số chính sách kinh tế thiếu thực tế của ông Biden khiến cho các nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ bị nghẽn lại. Ðây là nguyên nhân đưa đến hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là sự sai lệch giữa cung và cầu.

Tiền cứu trợ người thất nghiệp kéo dài quá mức cần thiết khiến nhiều người thiếu hẳn động cơ để đi tìm việc làm và đã đưa đến tình trạng thiếu người làm việc trầm trọng nhất trong nhiều thập niên. Khi ở nhà mà vẫn có thu nhập bằng hoặc cao hơn đi làm thì ít có ai muốn đi làm, và đó là điều thực tế. Một nửa số doanh nghiệp nhỏ cho biết họ không thể mướn được đủ nhân viên cho các vị trí đang cần cho dù họ tăng lương bao nhiêu. Nay lệnh bắt buộc chích ngừa Covid lại càng làm gia tăng tình trạng thiếu hụt người làm nói trên.

Ông James Carville, chiến lược gia tranh cử của cựu Tổng thống Bill Clinton, từng nói câu nổi tiếng: “It’s economy, stupid” – đại khái ý nghĩa của nó là kinh tế quyết định mọi thứ. Khi kinh tế thiếu ổn định, cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn thì người dân sẽ phản ứng bằng lá phiếu. Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm tới không còn bao lâu nữa và ông Biden hiểu điều đó.

VH