Trong suốt nhiều tháng qua kể từ khi đại dịch hoành hành, riêng tại Hoa Kỳ đã có nhiều cá nhân, công ty và thậm chí một số tiểu bang như Missouri và Mississippi đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc về vụ Covid-19. Các nguyên đơn tố cáo Bắc Kinh đã có những hành vi sai trái, từ sơ suất trong việc giải quyết và ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong thời gian đầu ở Vũ Hán đến việc điều hành một cách bất cẩn các phòng thí nghiệm sinh học và thậm chí đã cố tình gây ra vụ khủng bố sinh học để chống lại Hoa Kỳ.

Kiện Trung Quốc – nguồn Bloomberg 

Nhìn chung, đa số các đơn kiện đưa ra những lý do rất hợp lý trong khi một vài đơn kiện khác thì khá thiếu thực tế. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia luật pháp, tất cả các đơn kiện nói trên đều gặp chung một trở ngại rất lớn – đó là một nguyên tắc pháp lý được gọi là sự miễn tố chủ quyền, hay nói một cách đơn giản dễ hiểu thì chính quyền hoặc các cơ quan của một quốc gia không thể kiện một quốc gia khác tại toà án của quốc gia mình. Ðây là một nguyên tắc hết sức căn bản của luật quốc tế cũng như luật Hoa Kỳ dựa trên ý tưởng rằng các quốc gia có chủ quyền ngang nhau không nên sử dụng tòa án của mình để phán xét lẫn nhau.

Năm 1976, quốc hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật có tên là Ðạo luật Miễn tố Chủ quyền Nước ngoài (Foreign Sovereign Immunities Act), trong đó có ghi rằng công dân Hoa Kỳ chỉ có thể kiện chính phủ ngoại quốc tại tòa án Mỹ trong một số trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp ngoại lệ này bao gồm các tình huống hiếm hoi trong đó nội dung đơn kiện phải dựa trên hoạt động thương mại do chính phủ nước ngoài thực hiện có ảnh hưởng trực tiếp tại Hoa Kỳ, hoặc hành động phi thương mại nhưng có sai trái xảy ra trong nội địa Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nói vậy thì những đơn kiện chính phủ Trung Quốc có rất ít cơ hội được xuất hiện tại toà án. Tuy nhiên, quốc hội Hoa Kỳ vẫn có đầy đủ quyền hành để ban hành một ngoại lệ mới đối với luật miễn tố nói trên đối với trường hợp mà một quốc gia ngoại quốc đã không thông báo, hoặc cố tình đưa thông tin sai, cho cộng đồng quốc tế về bản chất và phạm vi của một bệnh dịch địa phương trước khi trở thành một đại dịch toàn cầu. Việc chính quyền Bắc Kinh đã không tuân thủ theo đúng điều lệ được ghi trong Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations) yêu cầu họ phải thông báo trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện bệnh dịch vào tháng 12 năm 2019 sẽ là một yếu tố quan trọng mà quốc hội cần xem xét.

Bằng chứng cho tới nay thì đã quá rõ ràng cho thấy chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cố tình giấu diếm, che đậy. Mới đây, đài truyền hình CNN đã thu thập được một tập hồ sơ nội bộ dày 117 trang từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh thuộc tỉnh Hồ Bắc cho thấy số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong cao hơn nhiều so với số liệu mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho công chúng và thế giới.

Nhiều tin tức trước đây cho biết các giới chức địa phương tại Vũ Hán đã cố tình kiểm soát và ém nhẹm thông tin vào tháng 12 năm 2019, và khi có 8 bác sĩ bày tỏ lo lắng về căn bệnh mới lạ, thì ngay sau đó họ đã bị chính quyền khống chế. Một trong những vị bác sĩ nói trên là Lý Văn Lượng sau đó qua đời vì “nhiễm bệnh” và tử vong. Vụ che giấu thứ hai xảy ra trong những tuần lễ đầu rất quan trọng của tháng Giêng khi chính quyền trung ương và địa phương TQ đã che đậy các thông tin về bệnh dịch với công chúng. Các giới chức hàng đầu của Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình, biết tỏng về sự lây truyền từ người sang người của loại vi khuẩn mới này trong khoảng thời gian đầu tháng nhưng đã không công bố cho tới ngày 20 tháng Giêng. Thành phố Vũ Hán bị đặt trong tình trạng đóng cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập vào ngày 23 tháng Giêng.

Chính quyền Trung Quốc tìm cách che giấu dịch bệnh ngay từ những ngày đầu – nguồn Twitter

Theo đài CNN, tập hồ sơ này được đóng dấu “tài liệu nội bộ, xin bảo mật”, ghi là các giới chức tỉnh Hồ Bắc lập danh sách tổng cộng 5,918 trường hợp nhiễm bệnh mới vào ngày 10 tháng Hai, con số nội bộ này nhiều hơn gấp đôi con số mà chính quyền Trung Quốc thông báo công khai trên toàn quốc ngày hôm đó là 2,478 trường hợp. Tương tự như trên, vào ngày 7 tháng Ba, tổng số người chết ở Hồ Bắc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát được liệt kê trong báo cáo nội bộ là 3,456, nhưng chỉ được công khai là 2,986. Cho đến nay, Trung Quốc đã đưa ra tổng số người chết trong đại dịch toàn quốc là 4,735 người, nhưng chắc chắn con số thực sự phải cao hơn rất nhiều.

Xem thêm:   Mất mạng

Vũ Hán là một trung tâm giao thông lớn tại Trung Quốc; trong một ngày bình thường, trung bình có khoảng 3,500 hành khách bay đến các quốc gia khác. Trong khi chính quyền tại đây im tiếng về sự bùng phát thì con vi khuẩn đã lây lan ra bên ngoài. Gần đây, Trung Quốc tráo trở cho rằng con vi khuẩn có nguồn gốc từ bên ngoài biên giới của họ.

Giả sử nếu một quốc gia vô tình phóng đi một hoả tiễn hạch tâm gây tử vong cho gần hai triệu người, thì ít nhất các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ phải lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện.

Nếu như vi khuẩn truyền sang người qua những tiếp xúc giữa người và thú vật ở nơi hoang dã hay tại ngôi chợ cá, như chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền, thì người ta có thể đã phải thấy ít nhất một vài bằng chứng về việc người bị nhiễm bệnh ở những nơi khác tại Trung Quốc trước khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán. Nhưng cho tới nay thì hoàn toàn không!

Một điều dễ hiểu vì sao Bắc Kinh đã không tỏ ra một chút thiện chí nào với một cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc của đại dịch. Nhưng nếu chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối cho phép các tổ chức y tế quốc tế và các nhà điều tra được quyền đi vào Trung Quốc điều tra cho rốt ráo về nguồn gốc của trận đại dịch cũng có nghĩa là Bắc Kinh đã gián tiếp nhìn nhận lỗi lầm do chính họ gây ra.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Các hồ sơ đã được chuẩn bị, vài chục ngàn nhân chứng được mời gọi hợp tác. Cuộc chiến pháp lý giữa các luật sư độc lập hoặc nhiều quốc gia liên kết nhau đang bắt đầu.

Mời quý độc giả theo dõi tiếp những diễn biến sắp tới về vụ kiện thế kỷ này.

Con số trường hợp tử vong và nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc thực sự cao hơn nhiều so với con số chính thức từ chính quyền – nguồn GettyImages

VH