Sau nhiều năm trì hoãn cũng như vấp phải một vài thất bại trong thời gian nghiên cứu và phát triển, một số công ty không gian tư nhân đang bước vào giai đoạn cuối hoàn tất các chương trình thử nghiệm và lập danh sách giữ chỗ cho các hành khách tương lai của họ. Không gian đang trở thành điểm du lịch mới cho những người có dư tiền, và theo các phân tích gia kinh tế, là một thị trường có thể lên tới nhiều tỷ Mỹ kim trong những năm tới.

Du lịch không gian – nguồn SpaceX 

Công ty Virgin Galactic của nhà tỷ phú Richard Branson vừa thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm có người lên tới tầng dưới vòng quỹ đạo của trái đất (suborbital) và đang sẵn sàng để đưa hành khách đi du lịch không gian vào đầu năm tới. Công ty SpaceX của một nhà tỷ phú khác là ông Elon Musk, sử dụng những hoả tiễn phản lực cực mạnh có thể đưa phi thuyền của họ vượt khỏi vòng quỹ đạo, cho biết đang sắp xếp các chuyến bay có thể đưa tới 20 hành khách lên quỹ đạo trong vài năm tới. Nếu chuyến bay thành công thì điều này sẽ đánh dấu bước ngoặt mở ra một kỷ nguyên mới về du lịch không gian được thực hiện bởi những công ty tư nhân.

Và công ty Blue Origin đầu tuần qua cũng vừa tuyên bố là nhà sáng lập của công ty, tỷ phú Jeff Bezos, sẽ có mặt trên chuyến bay đầu tiên đưa người lên không gian của họ, dự kiến được thực hiện tại khu vực miền Tây Texas vào ngày 20 tháng 7, đúng dịp kỷ niệm chuyến hạ cánh lên mặt trăng của phi thuyền Apollo 11. Cùng đi trên chuyến bay này có người em trai là Mark Bezos và người hành khách thắng cuộc đấu giá từ thiện trên mạng mà theo công ty đã thu hút hơn 6,000 người tham gia từ 143 quốc gia, và cho đến hôm Thứ Sáu 11/6, mức đấu giá cho chiếc vé thứ ba đã lên đến $4.8 triệu.

Những chuyến du lịch này không rẻ chút nào. Axiom Space, một công ty có trụ sở chính tại Houston, đang sắp xếp các chuyến du lịch không gian cũng như chương trình huấn luyện và tất cả mọi chi tiết khác liên quan đến chuyến bay, cho biết họ tính chi phí mỗi vé là $55 triệu cho một chuyến du lịch kéo dài một tuần lễ lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Hiện công ty Axiom Space đã đặt trước bốn chuyến du lịch như thế trên phi thuyền Crew Dragon của SpaceX trong vòng hai năm tới.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Công ty Blue Origin chưa cho biết là họ sẽ tính chi phí cho chuyến du lịch chớp nhoáng kéo dài khoảng 10 phút lên tầng dưới quỹ đạo sau khi vé du lịch chính thức được bán ra. Mặc dù vậy, cuộc đấu giá từ thiện sẽ cung cấp cho họ nhiều dữ liệu về tiềm năng của một thị trường còn rất mới này và danh sách của những người bày tỏ ước muốn được tham gia chuyến du lịch mà công ty hứa hẹn sẽ cho hành khách chứng kiến những khung cảnh đầy ngạc nhiên thích thú về trái đất và cái nhìn thoáng qua về không gian vũ trụ “sẽ làm thay đổi cách bạn nhìn thế giới.”

Cho đến nay công ty Virgin Galactic tính giá khoảng $250,000 cho một chỗ ngồi trên chiếc “phi cơ không gian” SpaceShipTwo của họ và hiện đang có một danh sách gồm 600 hành khách đang chờ đợi để được tham gia chuyến du lịch đặc biệt này. Theo ý kiến của các phân tích gia về ngành kinh doanh mới này, khi văn phòng bán vé của Virgin Galactic mở lại vào năm nay, giá vé có lẽ sẽ tăng lên khoảng $500,000.

Chiếc SpaceShipTwo của công ty Virgin Galactic – nguồn Virgin Galactic

Ðây là một thị trường có nhiều tiềm năng sẽ phát triển mạnh và người ta dự đoán thị trường du lịch không gian ở tầng dưới quỹ đạo có thể có trị giá $8 tỷ vào năm 2030, với khoảng 1 triệu khách hàng tiềm năng đủ giàu có để có thể mua được vé và hơn nữa sẵn sàng cho một chuyến du lịch đầy mạo hiểm.

Ðối với hầu hết mọi người, được bay lên không gian để ngắm các vì sao rồi nhìn về trái đất nơi mình sống có lẽ chỉ là một giấc mơ không hơn không kém. Ngày 18 tháng Tư năm 2001, Dennis Tito đạt được mục tiêu của cả một đời người đó, nhưng ông không phải là một phi hành gia bình thường. Tito là một nhà kinh doanh giàu có và ông đã phải trả $20 triệu để có được một chỗ ngồi trên chiếc phi thuyền Soyuz của Nga để trở thành khách du lịch không gian đầu tiên ghé thăm Trạm Không gian Quốc tế. Kể từ đó cho đến nay là đúng 20 năm mới chỉ có bảy người đi theo bước chân của Tito, nhưng con số đó chuẩn bị tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng và sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong một vài năm sắp tới.

Cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ từ lâu đã ngần ngại không muốn tổ chức những cuộc du lịch không gian cho các công dân bình thường sau vụ nổ phi thuyền con thoi Challenger làm thiệt mạng bảy người, trong đó có cô giáo Christa McAuliffe, và do đó Nga – trong thập niên 1990 và 2000 đang cần tìm những nguồn tài chánh khác cho chương trình không gian của họ – là chọn lựa duy nhất còn lại sẵn sàng cho những ai có tiền, muốn đi tìm cảm giác mạnh và trải nghiệm cuộc sống trong một cuộc phiêu lưu cực kỳ độc đáo này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây với sự xuất hiện của một số công ty không gian tư nhân cùng với những cuộc thử nghiệm thành công của họ sẽ giúp việc tổ chức những chuyến du lịch không gian được dễ dàng hơn trong tương lai.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Với chiều hướng này nếu vẫn được tiếp tục và không gặp thêm trở ngại thì đây có thể xem như bước bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới mà trong đó ngày càng có nhiều người có thể trải nghiệm cuộc sống của họ ở ngoài không gian, hay nói chính xác hơn, là mấp mé ngoài không gian.

Những chuyến bay ra ngoài không gian như của Dennis Tito rất tốn kém là có lý do của nó. Một hoả tiễn phản lực phải đốt một lượng lớn nhiên liệu loại mắc tiền nhất để có thể bay đủ cao và đủ nhanh để lọt vào trong quỹ đạo của trái đất.

Tuy nhiên có một khả năng khác rẻ tiền hơn rất nhiều là chỉ phóng phi thuyền tới tầng dưới quỹ đạo, với chiếc hoả tiễn phản lực đẩy cho phi thuyền lên tới điểm mấp mé ngoài không gian và sau đó quay trở lại ngay trái đất. Trong khi đó các hành khách trên chuyến bay dưới tầng quỹ đạo có thời gian để cảm nhận cơ thể họ bị mất trọng lượng và chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời không chỉ với trái đất nhìn từ xa mà còn cả một không gian bao la vô tận chung quanh họ.

Dennis Tito (trái) cùng với hai phi hành gia Nga trên Trạm Không gian Quốc tế – nguồn NASA

Những khó khăn và chi phí cao của một trong hai cách phóng đó có nghĩa là, theo truyền thống, chỉ có các chương trình thử nghiệm của chính phủ mới có đủ khả năng để đưa người ra ngoài không gian. Ðiều này bắt đầu thay đổi vào đầu thập niên 2000 khi một loạt những nhà doanh nhân cỡ bự bước chân vào lãnh vực không gian. Ba công ty dưới sự lãnh đạo của 3 tổng giám đốc tỷ phú xuất hiện như những tác nhân chính: Virgin Galactic, Blue Origin và SpaceX.

Tỷ phú người Anh Richard Branson thành lập công ty Virgin Galactic năm 2004 không chỉ với mục tiêu kinh doanh mà còn vì lòng yêu thích phiêu du của ông. Branson từng dự đoán là sẽ mở ngành thương mại du lịch không gian vào năm 2009, nhưng đã gặp một số thất bại về kỹ thuật và mãi cho đến nay mới có thể nói là ông sắp sửa đạt được mục tiêu.

Xem thêm:   Mất mạng

Elon Musk thì ngược lại, do nỗi lo sợ rằng một thảm họa nào đó có thể khiến trái đất không còn là nơi loài người có thể ở được nữa, cộng thêm với nỗi thất vọng vì không nhìn thấy có chút tiến bộ nào trong nỗ lực biến loài người thành một loài có thể sống được ở nhiều hành tinh khác nhau. Musk thành lập SpaceX vào năm 2002 với mục tiêu đầu tiên là phát triển kỹ thuật phóng hoả tiễn có thể tái sử dụng để giảm chi phí lên không gian. Kể từ đó, SpaceX đã thành công với hoả tiễn Falcon 9 và phi thuyền Dragon. Mục tiêu cuối cùng của SpaceX là đưa con người lên định cư trên Hỏa tinh, nhưng bước tạm thời hiện nay là đưa hành khách lên du lịch không gian.

Với riêng Jeff Bezos, nhờ lấy cảm hứng từ tầm nhìn tương lai của nhà vật lý Gerard O’Neill, muốn đưa nhân loại và ngành kỹ nghệ không gian không hẳn là tới tận Hoả tinh xa xôi mà là tới tầng không gian gần với trái đất. Công ty Blue Origin, được thành lập năm 2004, tiến hành với tốc độ chậm rãi và lặng lẽ trong việc phát triển loại hoả tiễn có khả năng tái sử dụng. Phi thuyền New Shepard của họ, lần đầu bay thử thành công năm 2015, trong thời gian sắp tới đây sẽ cung cấp các chuyến du lịch tới mấp mé rìa không gian, tương tự như của công ty Virgin Galactic. Ðối với Bezos, chuyến bay sắp tới thể hiện một nỗ lực cá nhân biến những cuộc du lịch không gian thành những chuyến bay thường xuyên hơn, an toàn và trong tầm với đối với nhiều người bình thường như là bước đầu tiên đặt nền móng cho những chương trình khám phá không gian xa hơn nữa.

Mặc dù giá vé cho một chuyến du lịch không gian trên dưới $250,000 có thể còn quá cao, nhưng nếu đem so với chiếc vé $20 triệu của Dennis Tito năm 2001 thì nay có thể mua được 100 chỗ ngồi trên chuyến bay của Blue Origin hoặc của Virgin Galactic thì ta có thể coi đó là đáng đồng tiền. Hơn nữa, được nhìn ngắm trái đất từ trên không gian có thể chứng minh cho thấy là một trải nghiệm vô giá đối với một lớp thế hệ hoàn toàn mới của những người muốn du lịch và khám phá không gian trong tương lai.

VH