Sau nhiều tháng bị ngâm tôm tại Hạ viện do những bất đồng giữa các nhóm dân biểu của đảng Dân chủ, dự luật xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá $1 ngàn tỷ với sự ủng hộ của lưỡng đảng cuối cùng đã được thông qua tại quốc hội.

Dự án ngàn tỷ – nguồn Barron’s 

Sau một loạt những thất bại trong cuộc bầu cử năm lẻ (off year) vào đầu tháng 11 vừa qua, đáng chú ý nhất là tại tiểu bang Virginia, nơi chỉ một năm trước Tổng thống Joe Biden đã thắng hơn 10% số phiếu và nay ứng cử viên của đảng Cộng hoà đã lấy được các ghế thống đốc, phó thống đốc, bộ trưởng tư pháp và đồng thời lấy luôn quyền kiểm soát Hạ viện của tiểu bang. Ðảng Dân chủ hiểu rằng họ phải làm điều gì đó để lấy lại sự tín nhiệm của cử tri, hay ít ra là để giữ cho tỷ lệ ủng hộ từ cử tri không còn tiếp tục giảm mạnh như trong suốt mấy tháng vừa qua, mà theo kết quả thăm dò mới nhất của tờ USA Today, Tổng thống Biden chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp kỷ lục là 38%.

Và vì vậy chỉ ít ngày sau bầu cử, tối hôm thứ Sáu 2/11, đảng Dân chủ đã đạt được thoả thuận trong nội bộ với đủ số phiếu để thông qua dự luật cho phép chính phủ liên bang, bên cạnh những chương trình xây dựng hạ tầng đang được thực hiện, sẽ đổ thêm vào $550 tỷ cho các dự án nước sạch, mở rộng kết nối hệ thống internet tốc độ cao, tu bổ và tân trang mạng lưới dẫn điện – là những điểm chính trong các dự án xây dựng hạ tầng toàn quốc trong 5 năm tới.

Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngày 15 tháng 11.

Với một ngân sách khổng lồ được cho là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ dành cho dự án xây dựng, một điều chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới các sinh hoạt trong cuộc sống của người dân cũng như công việc kinh doanh trong những năm sắp tới. Vậy ta hãy thử nhìn vào một số những dự án chính nằm trong luật xây dựng hạ tầng này.

Ước tính có khoảng $226 tỷ tài trợ mới sẽ được dành cho các dự án giao thông, chẳng hạn như mở rộng đường xe lửa, thiết kế lại các giao điểm và xây dựng thêm làn đường bảo vệ an toàn cho người đi xe đạp.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Trong số những thay đổi có thể thấy sớm nhất sẽ có loại xe buýt mới để mang lại sự thoải mái cho người sử dụng hệ thống di chuyển công cộng, giúp người già và người khuyết tật có thể lên xuống dễ dàng. Nói chung, hệ thống di chuyển công cộng sẽ nhận được thêm khoản tài trợ khoảng $39 tỷ.

Nhiều dự án xây dựng đường sá sẽ chưa thể khởi công trong vòng một năm tới hoặc hơn là vì thời gian cần thiết cho việc lập kế hoạch và thiết kế có thể kéo dài. Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng, người lái xe đi làm có thể sẽ gặp tình trạng kẹt xe vì một số làn đường tạm thời bị đóng và một số tuyến đường tạm thời phải điều chỉnh lại. Tình trạng giao thông tại nhiều nơi đến nay vẫn chưa trở lại mức độ đông đúc như trước đại dịch, nhưng nhiều công ty cho biết họ muốn nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng càng sớm càng tốt.

Mặc dù nguồn tài trợ sẽ được phân bổ trong vòng 5 năm tới, nhưng số tiền này không hẳn sẽ được chi tiêu hết trong khoảng thời gian nói trên. Một số dự án lớn mà luật xây dựng dự kiến sẽ thực hiện được dự trù có thể sẽ không hoàn thành trong một thập niên tới hoặc lâu hơn.

Tân trang và mở rộng hệ thống đường sắt – nguồn The Guardian

Luật xây dựng hạ tầng cũng đặt trọng tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch và di chuyển xa, trong đó có phi trường và đường xe lửa. Ngân sách tài trợ dành $66 tỷ cho việc mở rộng và tân trang hệ thống đường sắt.

Phần lớn tiền tài trợ là cho việc sửa chữa và nâng cấp đường ray cũ, đường hầm và toa tàu, trong đó khoảng $30 tỷ dành cho con đường hành lang Northeast Corridor, nơi công ty điều hành xe lửa hành khách Amtrak ước tính có hơn 2,200 chuyến tàu đi về mỗi ngày – trong đó bao gồm một đường hầm đang bị rò rỉ tại Baltimore được xây dựng từ cuối thế kỷ 19.

Sau khi được tân trang, du khách có thể sẽ có những chuyến xe lửa nhanh hơn vì những đoạn đường hư cũ được thay thế, cùng với ghế, thảm và phòng vệ sinh mới.

Các phi trường dự kiến sẽ nhận được $25 tỷ từ luật xây dựng hạ tầng để tài trợ cho các dự án tân trang, trong đó bao gồm $15 tỷ cho các khoản tài trợ cơ sở hạ tầng phi trường, $5 tỷ cho các dự án ga phi trường (terminals) và $5 tỷ để tân trang các tháp kiểm soát không lưu. Toà Bạch Ốc nhấn mạnh đến các phi trường như là khu vực mà Hoa Kỳ đang bị thụt lùi, đưa ra bằng chứng là không một phi trường nào của Hoa Kỳ được lọt vào danh sách 25 phi trường hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng gần đây.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Luật xây dựng hạ tầng cũng cố gắng nhằm giải quyết một trong những rào cản lớn nhất đối với tiến trình chuyển sang sử dụng xe điện trong tương lai: đó là các trạm sạc điện nhanh. Hiện nay, thời gian trung bình để sạc điện đầy đủ cho một xe điện tại trạm công cộng có thể mất từ 30 phút cho tới nửa ngày; sạc tại nhà có thể mất tới 40 tiếng.

Luật đề nghị dành $7.5 tỷ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện trên toàn quốc để lấp vào khoảng trống của hệ thống trạm sạc điện còn rất rời rạc trên khắp Hoa Kỳ. Thêm $5 tỷ khác sẽ được dành để thay thế xe buýt bằng các loại xe không thải thán khí, bao gồm cả loại xe buýt điện của trường học.

Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Xe (CAR), nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe chạy điện nói trên sẽ giúp bảo đảm nhu cầu lâu dài trong tương lai đối với loại xe chạy bằng bình điện, ngay cả ở những khu vực bên ngoài các trung tâm thành phố đông dân cư.

Tài trợ $35 tỷ cho dự án nước sạch – nguồn ucononline.com

Luật xây dựng hạ tầng cũng muốn một lần giải quyết cho xong hai vấn đề liên quan đến việc truy cập internet đã kéo dài quá lâu và lại càng nổi bật hơn nữa trong thời gian đại dịch: Một số người Mỹ không truy cập được vào internet tốc độ cao, trong khi một số khác truy cập được nhưng không đủ khả năng về tài chánh.

Về khả năng chi trả, luật mới sẽ quy định một khoản trợ cấp vĩnh viễn để giúp các gia đình có thu nhập thấp chi trả cho dịch vụ internet tốc độ cao, đặt ở mức $30 một tháng. Con số này thấp hơn mức $50 một tháng mà nhiều triệu gia đình hiện đang nhận được theo chương trình khẩn cấp tạm thời trong thời gian đại dịch được thực hiện từ đầu năm nay, nhưng các nhà phân tích vẫn kỳ vọng là luật mới sẽ giúp một số gia đình Mỹ tiếp tục nhận được tài trợ theo như chương trình khẩn cấp hiện nay của họ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Luật cũng thành lập một chương trình trị giá $42.5 tỷ để mở rộng khả năng truy cập vào các mạng internet tốc độ cao. Trong khi chính phủ đã chi hàng tỷ Mỹ kim cho việc mở rộng các mạng internet tốc độ cao, chương trình mới này sẽ giúp tài trợ thêm một số tiền đáng kể cho cùng mục đích mở rộng nói trên.

Ngoài ra còn có một số dự án quan trọng khác như khoản tài trợ $15 tỷ để thay thế những hệ thống dẫn nước cũ có nguy cơ rò rỉ chất chì vào trong nguồn nước sạch cho người dân sử dụng; khoảng $28 tỷ để nâng cấp mạng lưới dẫn điện và tìm những phương cách mới để tránh tình trạng mất điện trong những điều kiện khắc nghiệt; $8 tỷ cho quản lý cháy rừng, $6 tỷ cho quản lý hạn hán, $8.3 tỷ để dự trữ nước, khử muối và tái chế; cũng như $12.5 tỷ để giảm thiểu lũ lụt.

Với số tiền chi tiêu lớn như vậy, câu hỏi là lấy đâu ra trả? Luật giải thích cho biết chi phí sẽ được trả từ nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó hơn $200 tỷ lấy từ trong các quỹ ban đầu dành cho việc cứu trợ đại dịch nhưng chưa được sử dụng, $50 tỷ từ quỹ bổ sung bảo hiểm thất nghiệp mà một số tiểu bang trả lại vì không sử dụng đến v.v. Tuy nhiên, theo phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), luật xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm $256 tỷ trong 10 năm tới, nghĩa là khối nợ của nước Mỹ sẽ tăng cao hơn nữa, trong khi tổng số nợ hiện nay đang ở mức kỷ lục là $28.43 ngàn tỷ, cũng khiến cho nhiều người phải quan tâm.

Với luật xây dựng hạ tầng trong nay mai sẽ được thực hiện trên toàn quốc liệu có lấy lại được sự tín nhiệm cho đảng Dân chủ hay không vẫn là một câu hỏi. Theo các kết quả thăm dò gần đây, mối quan tâm lớn nhất của cử tri là những vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống hằng ngày – từ lạm phát cao và hàng hoá thiếu hụt cho tới công ăn việc làm và đại dịch.

VH