Chính phủ Hoa Kỳ vào hôm Thứ Ba 21/7 tuần qua đã bất ngờ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, với cáo buộc là Trung Quốc đã tìm cách can thiệp sâu rộng vào các vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Sự việc này cho thấy tình hình căng thẳng ngoại giao giữa hai nước lại leo thang thêm nữa mà phía Bắc Kinh gọi đây là một hành vi thái quá và chưa từng xảy ra trước đây.

Quang cảnh bên ngoài Lãnh sự quán Houston khi được lệnh đóng cửa – nguồn ABC13 Houston  

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một thông cáo về lệnh đóng cửa trên, cáo buộc phía Trung Quốc là đã tổ chức “các hoạt động gây ảnh hưởng và gián điệp bất hợp pháp rộng lớn trên khắp nước Mỹ nhằm chống lại các giới chức chính quyền Hoa Kỳ và công dân Mỹ,” và cho biết những hoạt động trên ngày càng gia tăng trong mấy năm gần đây.

Lệnh đóng cửa trên trùng hợp với việc Washington cho tiết lộ cũng vào hôm Thứ Ba một cáo trạng truy tố hai tay tên tặc gốc Trung Quốc. Hai tên này bị cáo buộc là đã đánh phá hệ thống điện toán của một số công ty Mỹ tham gia vào việc nghiên cứu về siêu vi khuẩn corona và đánh cắp nhiều thông tin nhạy cảm trị giá hàng trăm triệu Mỹ kim từ nhiều công ty trên thế giới trong thời gian họ làm việc cho một cơ quan tình báo của Trung Quốc.

Vào tối hôm Thứ Ba cùng ngày, lính cứu hoả và cảnh sát Houston đã được gọi tới Lãnh sự quánTrung Quốc, nơi người ta nhìn thấy khói bốc lên từ bên trong sân của toà nhà. Một số đoạn video được chiếu trên các đài truyền hình địa phương cho thấy có người đang đứng đốt nhiều giấy tờ tài liệu ngay trên sân của Lãnh sự quán.

Trong mấy năm gần đây, các giới chức Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng Toà đại sứ của họ ở Washington và năm Lãnh sự quán tại các thành phố New York, San Francisco, Los Angeles, Chicago và Houston để gia tăng các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng chính trị. Trong đó, Lãnh sự quán tại Houston được đặc biệt chú ý nhiều nhất.

Theo một số giới chức quen thuộc về vấn đề trên cho biết cơ quan FBI đã theo dõi trong nhiều năm qua nhiều nhân vật được cho là những sĩ quan tình báo đội lốt nhà ngoại giao hoạt động từ bên trong Lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston.

Nhiều người đến biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Houston khi có lệnh đóng cửa – nguồn Houston Chronicle

Trong một bài phát biểu hồi Tháng 2 trước Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đọc một đoạn trích từ một lá thư mà ông nói rằng đã được Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York gửi tới chủ tịch quốc hội của một tiểu bang tại Hoa Kỳ hướng dẫn chính trị gia này “tránh tham gia vào bất kỳ liên hệ chính thức nào với Ðài Loan.” Ông Pompeo cho biết lá thư trên kêu gọi chính trị gia Mỹ hãy tự kiềm chế đừng gửi tin nhắn chúc mừng tới các giới chức Ðài Loan, không mời họ đến viếng thăm Hoa Kỳ hay đưa ra các dự luật liên quan đến Ðài Loan.

Xem thêm:   Biden & Trump

Cũng trong bài phát biểu trên, ông Pompeo đã nhắc đến một cuộc điều tra được thực hiện bởi hệ thống Ðại học Texas A&M, có trụ sở chính tại thành phố College Station gần Houston, phát giác cho thấy chính phủ Trung Quốc đã tìm cách chiêu dụ hơn 100 học giả, giáo sư đại học và nhà nghiên cứu của Mỹ trong các chương trình tuyển dụng nhân tài mà họ cho rằng có thể mang lại lợi ích cho nhà nước Trung Quốc.

Tất cả các nhà nghiên cứu được nhắm tới trên đã từng làm việc trong các lãnh vực được Bắc Kinh xác định là những ưu tiên cho sự tiến bộ khoa học của họ.

Lãnh sự quán Houston được lệnh phải đóng cửa trong vòng 72 tiếng – nghĩa là hạn chót là vào ngày Thứ Sáu 24/7. Ðể phản pháo lại, cũng trong ngày này và chỉ ít giờ sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo trong một bài phát biểu đã kêu gọi người dân Trung Quốc hãy hợp tác với Hoa Kỳ để thay đổi hướng đi của đảng cộng sản Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phải đóng cửa trong vòng 72 tiếng một Lãnh sự quán của Mỹ tại Thành Ðô (Chengdu), một thành phố thuộc khu vực Tây Nam Trung Quốc và là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.

Ngoài Lãnh sự quán Thành Ðô và Toà đại sứ tại Bắc Kinh, Hoa Kỳ còn có Lãnh sự quán tại các thành phố trong nội địa như Quảng Châu, Thượng Hải, Trầm Dương và Vũ Hán – cũng như tại Hồng Kông.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Lãnh sự quán Thành Ðô có nhiệm vụ theo dõi tình hình trong khu vực Tây Tạng, nơi có những nhóm ly khai hoạt động rất mạnh và là một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh. Khu vực trách nhiệm của Lãnh sự quán này ngoài tỉnh Tứ Xuyên còn bao gồm một thành phố lớn gần đó là Trùng Khánh và các tỉnh có nhiều sắc dân khác nhau sinh sống là Vân Nam (Yunnan) và Quý Châu (Guizhou).

Thành Ðô được thế giới chú ý tới nhiều là vào Tháng 2, 2012, Lãnh sự quán này bỗng biến thành tâm điểm của một cuộc đấu đá chính trị khi một cựu cảnh sát trưởng Trung Quốc chạy vào sứ quán ẩn náu trong 30 tiếng đồng hồ và đề nghị trao cho các nhà ngoại giao Mỹ nhiều thông tin liên quan đến người vợ của một giới chức đảng cộng sản Trung Quốc đầy quyền lực trong một vụ mưu sát.

Tin tặc Trung Quốc tìm cách đánh cắp nghiên cứu về siêu vi khuẩn corona – nguồn Financial Times

Vụ việc này đã khởi động một cuộc tranh giành quyền lực chính trị kéo dài trong nhiều tháng có liên quan tới Tập Cận Bình và cuối cùng đưa tới sự sụp đổ cả một sự nghiệp chính trị đang lên rất nhanh của nhân vật Bạc Hy Lai, bí thư đảng cộng sản Trùng Khánh và là đối thủ nặng ký nhất của Tập Cận Bình cho chiếc ghế chủ tịch nước. Bạc sau đó đã bị tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền hành. Vợ ông ta là Cốc Khai Lai bị tội mưu sát, trong khi cảnh sát trưởng Vương Lập Quân cũng bị bỏ tù.

Lệnh đóng cửa Lãnh sự quán là tiến trình mới nhất trong mối bất hòa ngoại giao đang ngày một trầm trọng hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các chính phủ trên thế giới vẫn thường có những hoạt động bí mật tại các Lãnh sự quán của họ đặt ở ngoại quốc, tuy nhiên Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc thường xuyên vượt ra khỏi lằn ranh từ phạm vi ngoại giao sang các hoạt động tình báo và gián điệp. Hôm Thứ Năm 23/7, Bộ tư pháp Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc về gian lận thị thực nhập cảnh đối với bốn nhà nghiên cứu là đã cố tình che giấu về sự liên hệ của họ với quân đội Trung Quốc. Một trong bốn người này đã tìm cách liên lạc với Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York và một người khác tìm cách trốn vào Lãnh sự quán tại San Francisco nhưng cuối cùng đã ra đầu thú.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Chi tiết về các hoạt động trong Lãnh sự quán Houston cho đến nay tuy vẫn còn mù mờ nhưng các giới chức an ninh Hoa Kỳ nói rằng Lãnh sự quán này đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức các âm mưu đánh cắp các nghiên cứu khoa học trong khu vực Ðông Nam nước Mỹ. Houston là một trung tâm nghiên cứu y khoa, và năm ngoái, trung tâm y khoa MD Anderson đã trục xuất ba nhà nghiên cứu vì đã giấu diếm mối quan hệ nghiên cứu của họ với chính phủ Trung Quốc. Một điểm đáng chú ý khác là Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston trước đây đã từng làm việc tại Úc, một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của Bắc Kinh.

Các nhà quan sát tình hình tại Trung Quốc hiện vẫn đang tranh luận nhau phải chăng kể từ khi đại dịch vi khuẩn corona hoành hành thì Bắc Kinh đã ngày càng tỏ ra hiếu chiến hơn là vì họ cảm thấy họ đang ở tư thế mạnh hay vì lãnh tụ Tập Cận Bình của họ đang gặp phải những sự công kích từ bên trong nội bộ nên cần phải chứng tỏ mạnh mẽ hơn. Cho dù là thế nào, các hành động gần đây của ông ta đã đẩy thêm nhiều quốc gia đứng về phía quan điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện đang là mối đe dọa đối với trật tự thế giới. Và Hoa Kỳ đương nhiên là cần có đồng minh trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Theo nhận định trong một bài quan điểm của tờ Wall Street Journal, những rủi ro của một cuộc đối đầu giữa hai cường quốc lớn nhất trên thế giới là rất đáng kể. Không ai muốn tình trạng căng thẳng kinh tế và ngoại giao lại dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngày càng tin tưởng rằng họ sẽ không phải đối mặt với hậu quả về những sự lạm dụng của họ trong các hoạt động từ thương mại đến ngoại giao. Nay thì tình hình đang thay đổi, và hy vọng với những chính sách cứng rắn hơn có thể sẽ thuyết phục được những giới chức chóp bu khác tại Bắc Kinh thấy rằng thái độ hiếu chiến của Tập Cận Bình nếu còn tiếp tục có thể sẽ phải trả bằng giá rất đắt để nếu không thay đổi lãnh đạo thì ít ra cũng cần thay đổi qua chính sách hoà hoãn và minh bạch hơn.

VH