Trong một cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Paris vào Tháng 3 năm 2019 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Uỷ ban Âu châu lúc đó là Jean-Claude Juncker, sau màn bắt tay và nâng ly chúc mừng hữu nghị, Tập liền gặng hỏi ba nhà lãnh đạo về trường hợp một bản nghiên cứu chính sách của Liên hiệp Âu châu vừa hoàn tất đã mô tả Trung Quốc như một “đối thủ có hệ thống” và rằng phải chăng Liên Hiệp Âu châu thật sự có ý đó?

Đối đầu Trung Quốc – nguồn Institut Montaigne  

Theo lời một giới chức có mặt hôm đó, bà Merkel tỏ ra ngập ngừng nhưng đồng ý với Tập, nói rằng lời đó cho thấy Âu châu nhìn nhận sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ông Juncker thì tìm cách giải bớt bầu không khí căng thẳng với câu nói đùa rằng khối Liên Âu nay vẫn còn chưa đồng ý với nhau về vị thế của Trung Quốc. Riêng ông Macron thì nói thẳng không chút ngần ngại rằng lời đó thật sự đúng, Trung Quốc là một đối thủ.

Vài tuần sau, Pháp đã đưa một tàu chiến đi xuyên qua eo biển Ðài Loan làm Bắc Kinh giận dữ, mạnh mẽ lên tiếng cáo buộc Pháp có hành động khiêu khích và chiếc tàu khu trục đã đi vào vùng biển của Trung Quốc trái phép,

Bên trong nội địa Trung Quốc, quyền lực của Tập Cận Bình ngày càng được coi là tuyệt đối. Ông ta đã gạt hết các đối thủ chính trị sang một bên, bịt miệng những người bất đồng chính kiến và củng cố vị thế của mình bằng cách đưa ra chiêu bài một Trung Quốc đang trỗi dậy, không sợ bất cứ quốc gia nào khi cần khẳng định quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất đối với viễn kiến và tham vọng của Tập về một Trung Quốc vươn mạnh hơn nữa trong tương lai lại không xuất phát từ bên trong lãnh thổ mà đến từ những nơi khác trên thế giới, tại những quốc gia mà quan điểm của họ về Bắc Kinh đã có nhiều thay đổi trong vài năm gần đây. Những quốc gia mà trước đây từng tránh né không muốn làm phật lòng Bắc Kinh thì nay đang ngả sang chính sách cứng rắn hơn của Washington để trực tiếp đối đầu và ngăn cản không để cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật mới, hệ thống hạ tầng nhạy cảm và bí mật kinh doanh của các công ty của họ như trong nhiều thập niên qua.

Xem thêm:   Mất mạng

Ðiển hình có nước Úc, mặc dù nền kinh tế bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc nhưng đã là quốc gia đi đầu trong việc ngăn cản không cho công ty Huawei xây dựng hệ thống viễn thông trong nội địa của họ và kêu gọi thế giới điều tra về việc Trung Quốc đã giải quyết vụ vi khuẩn corona trong thời gian đầu ra sao. Kế đến có Ấn Ðộ, trước đây từng là quốc gia cột trụ của phong trào phi liên kết trên thế giới, thì nay đang mở rộng sự hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và đồng minh và đồng thời đang đối đầu với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Vương quốc Anh và Pháp đã đưa ra chính sách rõ ràng giới hạn khả năng cạnh tranh của Huawei ở Âu châu, trong khi Ðức vẫn tỏ ra thận trọng, và các cuộc tranh luận tại lục địa này về sự lệ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc đang ngày càng trở nên sôi nổi hơn. Mùa Hè vừa qua, sau khi Bắc Kinh hầu như cắt hết mọi quyền tự do ở Hồng Kông, các nước thuộc khối Liên Âu đã  đồng ý ủng hộ các biện pháp trừng phạt, một hành động trước đó không ai nghĩ có thể xảy ra.

Họp thượng đỉnh Paris Tháng 3, 2019 -nguồn Reuters

Một sự thật hiển nhiên là ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo Âu châu đã thẳng thắn trực tiếp lên tiếng phàn nàn về sự thiếu minh bạch của chính quyền Bắc Kinh trong việc giải quyết vụ Covid-19, về việc họ thẳng tay đàn áp người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương cũng như các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông và chính sách hỗ trợ đặc biệt của chính phủ đối với các công ty Trung Quốc đã biến các công ty này trước đây từng là khách hàng thì nay trở thành những công ty có đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các công ty ngoại quốc.

Thời gian đầu khi Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, hầu hết các nhà lãnh đạo Âu châu vẫn coi Trung Quốc như là một nơi mở ra cơ hội – với một thị trường rộng lớn và vị thế kinh tế đang vươn lên có thể giúp họ giảm bớt ưu thế kinh tế của Hoa Kỳ.

Nhưng kể từ đó đến nay, nhiều phản ứng bất lợi đối với Trung Quốc ngày càng hiện rõ hơn trên khắp lục địa, đặc biệt là tại những quốc gia nhỏ hơn như Cộng hòa Czech và Thụy Ðiển, nơi mà các nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lộng hành, coi thường các nguyên tắc ứng xử, nên đã gây ra nhiều sự phẫn nộ, trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại đây thì lo lắng về sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa họ với các công ty Trung Quốc.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Trở lại thời điểm cuối năm 2018, cơ quan an ninh mạng của Cộng hoà Czech xác định là có một số tay tin tặc Trung Quốc hoặc làm việc cho chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống điện thư của bộ ngoại giao nước này nên đã ra lệnh nhân viên chính phủ của họ ngưng việc gửi tài liệu qua các thiết bị điện tử của công ty Huawei. Mặc dù chính phủ Trung Quốc phủ nhận và lên tiếng cảnh cáo cũng như gây áp lực, một số giới chức Cộng hoà Czech đã bay qua Washington làm việc với Hội đồng An ninh Quốc gia tại Toà Bạch Ốc và sau đó gửi thư mời đại diện chính phủ các quốc gia Âu châu đến thủ đô Prague dự cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề an ninh mạng. Ðại diện của Trung Quốc không được mời.

Một số giới chức Pháp, Ðức và Hoà Lan lúc đó tỏ ý lo ngại thượng đỉnh sẽ làm tức giận Trung Quốc một cách không cần thiết, nhưng họ vẫn tới. Ðại diện của Úc tại cuộc họp đã lên tiếng cảnh cáo: Hôm nay Bắc Kinh đang trừng phạt chúng tôi, nhưng ngày mai họ sẽ làm đúng như vậy đối với quý vị. Các giới chức Ðức có mặt hôm đó đã cẩn thận ghi nhận lời cảnh cáo trên.

Cho đến cuối mùa Xuân vừa qua, trong khi làn sóng chống đối tại Hồng Kông vẫn lên cao nhưng các cuộc biểu tình phải ngưng lại vì đại dịch Covid-19, quốc hội Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia và bất cứ người dân nào biểu tình hay thậm chí chỉ cần lên tiếng chống đối chính phủ cũng có thể bị gán vào tội phá hoại an ninh. Một ví dụ điển hình là ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người sáng lập tờ Apple Daily News tại Hồng Kông, vừa bị bắt vào tù vì bị khép vào tội chống phá an ninh trên.

Cuộc hội thảo giữa Tập, Merkel và hai giới chức Liên Âu Tháng 9, 2020 – nguồn Zuma Press

Ngay sau khi luật an ninh   được áp dụng, chính phủ Vương quốc Anh liền thúc đẩy các chính phủ trong khối Liên Âu cùng hướng tới một lập trường cứng rắn hơn, cho lưu hành bản ghi nhận gồm 12 điểm về các kế hoạch của Trung Quốc, trong đó nói rõ là Tập Cận Bình đã vi phạm Thoả thuận Trung-Anh 1984 với việc Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc cùng với một số quyền tự do nhất định được bảo vệ.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Vào cuối Tháng 7, khối Liên Âu tán thành các biện pháp trừng phạt, trong đó có quyết định chấm dứt việc dẫn độ với Hồng Kông. Chính phủ Anh cấm các công ty viễn thông của họ không được mua thiết bị của Huawei, mặc dù lúc đầu nói rằng họ có thể kiểm soát được những rủi ro về an ninh mạng.

Ðến lúc này, bà Thủ tướng Merkel càng bị cô lập hơn với quan điểm hoà hoãn với Trung Quốc. Cuộc hội thảo Liên Âu-Trung Quốc của bà, dự tính tổ chức tại Leipzig vào Tháng 9, nhưng vì tình hình đại dịch nên thu gọn lại chỉ còn là cuộc họp trên màn ảnh video giữa ông Tập, bà Merkel và hai giới chức cao cấp của Liên Âu.

Chủ đề chính đáng lẽ ra là về thương mại, nhưng sau khi bắt đầu được một tiếng, ông Charles Michel, một trong hai giới chức hàng đầu của Liên Âu, đã gặng hỏi Trung Quốc về nhân quyền. Tập Cận Bình bực mình xẵng tiếng lại, đưa ra thống kê về tình trạng bài Do Thái đang lên ở Ðức cũng như phong trào Black Lives Matter ở Mỹ, và nói lớn: “Chúng tôi không đến đây để nghe giảng bài. Không ai có thành tích hoàn hảo cả.”

Ông Michel liền đáp lại rằng ít ra thì Liên Âu còn có các chính sách để giải quyết những vấn đề nhân quyền. Riêng bà Merkel thì nói, “Quả tình chúng tôi chưa được hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẵn sàng tìm cách giải quyết những vấn đề đó.”

Cho đến khi cuộc họp chấm dứt, không bên nào đạt được chút tiến bộ về vấn đề thương mại.

Mấy tuần sau đó, nhóm ngoại giao hàng đầu của Liên Âu đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo của Hoa Kỳ để cùng thực hiện một mục tiêu chung: Hoa Kỳ và Âu châu sẽ cùng hợp tác về vấn đề đối đầu với Trung Quốc. Sự hợp tác song phương này chuẩn bị tăng cường độ trong thời gian tới. Chúng ta chờ xem chính sách ngoại giao sắp tới của Hoa Kỳ, cho dầu ai nắm quyền, có còn tiếp tục đi theo đúng con đường này hay không.

VH