Cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Donald Trump về cáo buộc lạm dụng quyền lực trong nhiều tuần lễ qua đã được các cơ quan truyền thông và người dân Mỹ theo dõi khá kỹ, và hôm Thứ Năm 31/10, Hạ Viện đã cho thông qua một nghị quyết để chính thức công khai cũng như đưa ra một kế hoạch chi tiết trong việc tiến hành cuộc điều tra.

Hạ Viện bỏ phiếu tiến hành điều tra đàn hặc tổng thống – nguồn Reuters  

Ông Donald Trump là Tổng Thống thứ tư bị điều tra đàn hặc trong lịch sử Hoa Kỳ. Ba vị kia là Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton.

Với kết quả 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, các Dân Biểu hầu như đã bỏ phiếu theo đảng. Tất cả Dân Biểu Dân Chủ, ngoại trừ hai vị, đã ủng hộ nghị quyết, trong khi tất cả Dân Biểu Cộng Hoà bác bỏ, kể cả những Dân Biểu quyết định không ra tranh cử trong năm tới, – và điều này một lần nữa cho thấy rõ hơn sự chia rẽ mang tính cách đảng phái tại Quốc Hội hiện nay.

Hai vị Dân Biểu Dân Chủ đã bỏ phiếu chống là Jeff Van Drew của New Jersey và Collin Peterson của Minnesota, cả hai đại diện cho những địa phương nơi ông Trump đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2016.

Mặc dù nghị quyết trên sẽ đưa cuộc điều tra bước vào giai đoạn công khai, kể cả việc cho trực tiếp truyền hình các phiên điều trần, hiện người ta chưa biết chính xác khi nào thì cuộc điều tra công khai sẽ được bắt đầu, có thể là vào cuối Tháng 11, theo dự đoán của một số quan sát viên. Nghị quyết cũng cho phép Uỷ ban Tình báo Hạ Viện công bố các biên bản từ những cuộc phỏng vấn kín trong thời gian vừa qua với các nhân chứng, và cho các Dân Biểu Cộng Hòa có thêm một số quyền hành trong cuộc điều tra, kể cả quyền được gọi nhân chứng của họ, mặc dù những yêu cầu đó phải được sự chấp thuận của phía Dân Chủ.

Nay nghị quyết đã được thông qua cũng có nghĩa là ông Trump và luật sư của ông được phép tham dự tất cả các phiên điều trần của Uỷ ban Tư pháp, được quyền chất vấn nhân chứng, và đưa ra quan điểm của họ tại cuối các phiên điều trần. Phía Cộng Hoà và Toà Bạch Ốc đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết vì nó không cho tổng thống những quyền này trong khi cuộc điều tra kín đang diễn ra do Uỷ ban Tình báo Hạ viện thực hiện. Tuy nhiên, phía Dân Chủ phản bác lại những lời chỉ trích trên vì cho rằng những cuộc phỏng vấn kín còn đang trong giai đoạn thu thập thông tin.

Chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi sau cuộc bỏ phiếu – nguồn rte.ie

Thực hiện phỏng vấn nhân chứng trong phòng kín là việc khá phổ biến trong những cuộc điều tra có tầm vóc quan trọng đã được cả hai phía Dân Chủ và Cộng Hoà thực hiện trước đây. Mặc dù không liên quan tới đàn hặc, trong thời kỳ lưỡng viện Quốc Hội còn dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hoà, hai Uỷ ban Tình báo Thượng và Hạ Viện lúc đó đã cho thực hiện những cuộc điều tra riêng về vụ cáo buộc người Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, phần lớn các cuộc phỏng vấn nhân chứng được thực hiện trong phòng kín. Thời Tổng Thống Barack Omaba, Hạ Viện dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hoà cũng đã thực hiện một cuộc điều tra về vụ khủng bố tấn công vào Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya, và đa số các cuộc phỏng vấn diễn ra đằng sau cửa đóng.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Một trong những điểm gây chú ý trong nghị quyết là các cuộc điều trần, sau nhiều tuần lễ với những cuộc phỏng vấn nhân chứng chỉ diễn ra trong phòng kín, từ đây sẽ được công khai chiếu trên truyền hình. Theo nhận định của một số phân tích gia, quyết định này có thể đẩy đảng Dân Chủ vào một cuộc phiêu lưu chính trị có phần nguy hiểm trong khi họ đang tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ rằng lý do họ muốn truất phế Tổng Thống Trump của đảng Cộng Hoà là vì ông đã lạm dụng quyền lực.

Những nhà lãnh đạo Hạ Viện hiện do đảng Dân Chủ kiểm soát tin rằng việc đưa các nhân chứng điều trần lên màn ảnh truyền hình sẽ thuyết phục được các cử tri độc lập và một số cử tri còn đang lưỡng lự khác, rằng ông Trump đã sai khi yêu cầu chính phủ Ukraine điều tra một đối thủ chính trị là ông Joe Biden hiện đang là ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong vòng sơ bộ cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong khi đảng Cộng Hoà và Tổng Thống Trump có thể phải đối diện với những rủi ro chính trị khá nghiêm trọng trong các phiên điều trần sắp tới thì phía đảng Dân Chủ cũng thế. Họ phải tìm cách thuyết phục để cử tri thấy rằng cuộc điều tra của họ là đáng tin cậy.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Phía đảng Cộng Hoà cũng đang tô trét lên cuộc điều tra do đảng Dân Chủ cầm đầu thực ra chỉ là một trò chơi hoàn toàn mang tính cách đảng phái, và sẽ tìm cách trưng ra một bức tranh khác hẳn về nhân vật Donald Trump cho cử tri lượng xét.

Cuộc điều tra đàn hặc Tổng Thống được bắt đầu từ ngày 24 Tháng 9 với những cuộc phỏng vấn nhân chứng trong phòng kín, tập trung vào cú điện đàm ngày 25 Tháng 7 khi ông Trump yêu cầu Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine cho mở cuộc điều tra ông Joe Biden, cựu phó tổng thống, và người con trai Hunter Biden từng nằm trong hội đồng quản trị của công ty năng lượng Burisma của Ukraine, là đã tìm cách làm áp lực chính phủ Ukraine để sa thải một công tố viên lúc đó đang điều tra về công ty Burisma. Cả hai cha con ông Biden đã phủ nhận các cáo buộc trên.

TT Trump lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra – nguồn wcbi.com

Trong tất cả mọi cuộc bầu cử, một bộ phận cử tri rất quan trọng là những người có quan điểm chính trị độc lập, họ không đứng hẳn về phe nào và giữ những lá phiếu quyết định thắng thua. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Reuters/Ipsos, những cử tri độc lập này vẫn tỏ ra dè dặt hơn về cuộc điều tra đàn hặc Tổng Thống, trong khi quan điểm của cử tri đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa thì đã rõ trắng đen.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 10 cho thấy có ít hơn một nửa số cử tri độc lập trong cuộc khảo sát tin rằng Tổng Thống Trump nên bị đàn hặc. Và trong khi có 61% cử tri độc lập không tán thành những việc làm của Tổng Thống và 59% ủng hộ cuộc điều tra của Quốc Hội, cuộc thăm dò cũng cho thấy các cử tri này có thể bất bình nếu các phiên điều trần biến thành một cuộc đối đầu chính trị mang tính cách đảng phái lấy mất đi nhiều thì giờ của các nhà lập pháp mà đáng lẽ ra họ nên dùng thì giờ đó chú tâm giải quyết những công việc quan trọng khác.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Khi được hỏi Quốc Hội có nên đặt ưu tiên cho các phiên điều trần đàn hặc lên hàng đầu hay không, có 54% cử tri độc lập đồng ý rằng các nhà lập pháp “nên tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng mà người dân Mỹ đang phải đối mặt, thay vì tập trung vào điều tra Tổng Thống Trump,” trong khi chỉ có 34% là không đồng ý.

Kết quả bỏ phiếu điều tra đàn hặc Tổng Thống Trump vừa rõ ràng mang tính cách đảng phái, lại quá khác biệt nếu so với hai vụ đàn hặc trước. Nghị quyết của Hạ Viện cho phép mở cuộc điều tra Richard Nixon năm 1973 thông qua với 410 phiếu thuận và 4 phiếu chống, và nghị quyết của Hạ Viện do đảng Cộng Hoà kiểm soát để mở cuộc điều tra Bill Clinton năm 1998 thông qua với 258 phiếu thuận và 176 phiếu chống, trong đó có 31 Dân Biểu đảng Dân Chủ ủng hộ.

Khi một nghị quyết để chính thức mở cuộc điều tra đàn hặc được thông qua vội vã và mang nhiều tính cách đảng phái như vậy thì cuộc điều tra tự nó sẽ khó được công chúng tín nhiệm.

Người ta đã nhìn thấy trước vụ đàn hặc sẽ gặp phải thất bại ở Thượng Viện vì tại đây phải cần tới hai phần ba số phiếu chứ không chỉ đơn giản là đa số như tại Hạ Viện, mà Thượng Viện hiện đang do đảng Cộng Hoà kiểm soát với 53 trên 100 ghế. Nếu không trưng ra được những chứng cớ thuyết phục thì đảng Dân Chủ khó có thể lấy được 20 phiếu từ các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà.

Việc truất phế Tổng Thống Donald Trump lần này không nằm ở Quốc Hội mà chính là ở trong tay cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020.

VH

Arlington, TX