Giữa tuần qua, Vương quốc Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cho phép việc sử dụng trong trường hợp khẩn cấp một loại thuốc chủng ngừa cho Covid-19, mở đường cho loại thuốc được bào chế bởi công ty dược Pfizer Inc. của Hoa Kỳ và BioNTech SE của Đức sẽ được phân phối một số lượng giới hạn trong ít ngày nữa.

Loại thuốc chủng cần được tiêm hai liều này cũng đang được Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cứu xét và có thể cũng sẽ được cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và bắt đầu phân phối tới nhiều nơi tại Hoa Kỳ vào cuối năm.

Sự kiện này đánh một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực nghiên cứu để chuyển hoá một kỹ thuật bào chế thuốc chủng còn khá mới mẻ thành một loại thuốc chủng nay mai sẽ được sử dụng một cách rộng rãi. Cũng như bất kỳ loại thuốc chủng ngừa nào khác trước đây, thuốc chủng này đã phải trải qua một quá trình từ nghiên cứu, thử nghiệm, xin giấy phép và nay đang được mang đi phân phối vào lúc trận đại dịch đang có nguy cơ tăng mạnh, và cho đến thời điểm này đã lây nhiễm cho hàng chục triệu người và đã giết chết hơn 1.4 triệu người trên khắp thế giới. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất là quá trình hoàn thành thuốc chỉ mất 10 tháng, trong khi trung bình một loại thuốc chủng ngừa để được cấp giấy phép phải mất từ 5 đến 10 năm – là một kỷ lục về thời gian.

Câu chuyện của loại thuốc chủng ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp giấy phép ở phương Tây được bắt đầu từ 30 năm về trước tại một vùng nông thôn của nước Ðức khi hai vị bác sĩ trẻ tuổi, con của những gia đình di dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã cùng nhau cam kết tìm cách phát minh ra một phương pháp điều trị ung thư mới.

Vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin và Özlem Türeci là đồng sáng lập viên của công ty BioNTech và cũng là hai nhân vật chính đứng đằng sau cuộc nghiên cứu thành công cho loại thuốc chủng ngừa Covid-19. Ðây là kết quả của ba thập niên miệt mài làm việc và những cuộc nghiên cứu bắt đầu từ rất lâu trước khi con vi khuẩn corona lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể của người hồi mùa Ðông trước.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Khi trận đại dịch nổ ra, bác sĩ Sahin đã từng bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về mRNA (sứ giả RNA), là chất hướng dẫn di truyền có thể được tiêm vào cơ thể để giúp cơ thể tự bảo vệ chống lại các loại vi khuẩn. Vào Tháng Giêng đầu năm, chỉ ít ngày trước khi dịch bệnh được phát hiện lần đầu tại Âu châu, ông đã dùng những kiến thức sẵn có để thiết kế ra một mẫu thuốc chủng trên chiếc máy điện toán cá nhân ở nhà.

Năm 2001, hai vợ chồng thành lập công ty nghiên cứu và bào chế thuốc đầu tiên của họ, Ganymed Pharmaceuticals, để nghiên cứu và phát triển một phương pháp điều trị ung thư bằng kháng thể. Bác sĩ Türeci là tổng giám đốc và bác sĩ Sahin trong coi phòng nghiên cứu.

Hai vợ chồng bác sĩ Tureci và Sahin sáng lập công ty BioNTech năm 2008 – nguồn Wall Street Journal

Năm 2008, bác sĩ Sahin và Türeci thành lập BioNTech để mở rộng công việc nghiên cứu của họ từ phương pháp điều trị bằng kháng thể sang lãnh vực mRNA. Kể từ khi công ty Ganymed được bán với giá $1.4 tỷ vào năm 2016, hai vợ chồng đã dành trọn số tiền trên để tái đầu tư vào công ty mới, BioNTech trở thành trọng tâm duy nhất của họ.

Nhóm nghiên cứu của BioNTech, một nửa là phụ nữ, bao gồm các nhà khoa học với 60 quốc tịch khác nhau, trong đó có những vị chuyên môn trong lãnh vực mRNA như Katalin Kariko, giáo sư ngành hoá sinh thuộc phân khoa y khoa tại Ðại học Pennsylvania.

Vào ngày 25 Tháng 1, đó là một ngày Thứ Bảy cuối tuần, sau khi đọc một bài nghiên cứu mà bác sĩ Sahin cho biết đã thuyết phục ông rằng căn bệnh lúc đó còn ít người biết đến ở Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ làm điêu đứng toàn thế giới. Bắt tay vào làm việc ngay trên chiếc máy điện toán của ông, bác sĩ Sahin thiết kế mẫu cho 10 loại thuốc chủng có thể chống lại con vi khuẩn corona, một trong số đó sau này trở thành BNT162b2, loại thuốc chủng ngừa vừa được chính phủ Anh cấp giấy phép vào Thứ Tư 2/12 vừa qua.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

BioNTech đã từng làm việc với công ty Pfizer để phát triển loại thuốc chủng bệnh cúm dựa trên kỹ thuật mRNA. Do đó, khi bác sĩ Sahin cần một nơi để hợp tác trong việc tổ chức các cuộc thử nghiệm lên người trên khắp các châu lục, bào chế và giúp phân phối thuốc tại Hoa Kỳ và châu Âu, ông biết phải tìm đến ai. Vào Tháng 3, hai công ty đã ký một thỏa thuận hợp tác, và vào Tháng 4, những thử nghiệm đầu tiên trên người đã được bắt đầu.

Thuốc chủng ngừa của Pfizer và BioNTech đã đi trước một bước so với hai loại thuốc chủng ngừa khác cũng có đầy những tiềm năng hứa hẹn, một từ công ty Moderna Inc. và một loại khác được phát triển bởi Ðại học Oxford và công ty AstraZeneca PLC.

Thuốc chủng của Moderna cũng đang được FDA cứu xét và có thể được cấp giấy phép phân phối với một số lượng giới hạn tại Hoa Kỳ vào cuối năm.

Hoa Kỳ, Âu châu và nhiều quốc gia phát triển khác đang nuôi hy vọng một hoặc tất cả ba loại thuốc chủng kể trên có thể mang lại hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong nay mai.

Hồi tháng trước, Pfizer cho biết kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy thuốc của họ đạt tới 95% hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng. Công ty Moderna ít ngày sau đó cũng cho biết thuốc của họ, được bào chế dựa trên kỹ thuật di truyền tương tự như của Pfizer, cho thấy mức hiệu quả là 94.5%.

Thuốc chủng ngừa mới của Pfizer và Moderna cần phải được tiêm hai liều – nguồn AP

Loại thuốc chủng ngừa bào chế bởi Oxford và AstraZeneca hoạt động giống như một loại thuốc chủng truyền thống hơn, nghĩa là cho tiêm một loại vi khuẩn đã làm cho yếu đi, trong trường hợp này là loại vi khuẩn tìm thấy trong loài tinh tinh, vào trong cơ thể để kích hoạt hệ thống miễn nhiễm. Loại thuốc này cho thấy mức hiệu quả đạt được là từ 62% tới 90%, tuỳ vào liều lượng sử dụng.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong khi đó nước Nga, trong mấy tháng qua đã bị nhiều quốc gia phương Tây chỉ trích vì đã cho bào chế thuốc của họ quá gấp rút, tuyên bố rằng thuốc chủng của họ đạt hiệu quả hơn 90% mặc dù không đưa ra một bằng chứng thuyết phục nào. Các công ty bào chế Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa cung cấp dữ liệu kết quả từ các cuộc thử nghiệm trên người về loại thuốc của họ.

Chính phủ Vương quốc Anh là một trong những chính phủ chủ động nhất trên thế giới trong việc đi tìm mua thuốc chủng ngừa. Hiện họ đã đặt mua khoảng 357 triệu liều từ bảy công ty bào chế. Do một số loại thuốc chủng ngừa hiện tại đòi hỏi phải được tiêm hai mũi, nghĩa là số lượng đặt mua ở trên đủ để tiêm chủng cho khoảng 2.7 lần dân số của họ, nghĩa là họ phòng hờ trước nếu trong trường hợp một vài loại thuốc chủng mới không mang lại hiệu quả thì họ vẫn có cơ hội để mua được loại thuốc chủng hiệu nghiệm khác trong số dư ra đó.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đặt mua khoảng 1 tỷ liều từ nhiều công ty bào chế. Riêng thuốc chủng ngừa của Pfizer và Moderna thì hiện nay đã có 40 triệu liều sẵn sàng để được sử dụng bất cứ khi nào được cho phép, nghĩa là cho đến cuối năm sẽ có khoảng 20 triệu người Mỹ được tiêm chủng. Ðây là nhóm ưu tiên một bao gồm những người trên 80 tuổi, những nhân viên làm việc ở tuyến đầu trong các lãnh vực chăm sóc y tế và xã hội. Hai công ty này cũng cho biết họ có đủ khả năng để sản xuất khoảng hơn 40 triệu liều mỗi tháng cho người Mỹ trong những tháng sau đó.

Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ theo như dự tính, việc tiêm chủng có thể khống chế được trận đại dịch tại Hoa Kỳ vào giữa năm 2021. Cho đến lúc đó, và có thể trong nhiều tháng sau, mọi người vẫn cần nên tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khoẻ: đeo mặt nạ, giữ khoảng cách an toàn và năng rửa tay để tránh nhiễm trùng.

VH