Nếu được lựa chọn chắc có lẽ chẳng ai muốn sống lại thêm một năm như 2020 với đầy những biến cố làm chao đảo đời sống của người dân Mỹ: Trận đại dịch bất ngờ ập đến mà không hề báo trước và cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 200,000 người Mỹ; kế đến, để ngăn chận lây lan, biện pháp đóng cửa đã được áp dụng trên cả nước khiến cho sinh hoạt của người dân bị một phen điêu đứng và ai cũng mong được trở lại một cuộc sống bình thường; rồi hậu quả từ biện pháp đóng cửa đã đưa đến một cuộc suy trầm kinh tế cướp đi hàng chục triệu công ăn việc làm và gây bao nỗi khó khăn cho nhiều triệu gia đình.

Và nay thì cuộc bầu cử tổng thống được đánh giá là gay cấn nhất trong nhiều năm qua tưởng đã kết thúc nhưng vẫn chưa và hiện đang bước vào giai đoạn kiện tụng pháp lý cũng như đếm lại phiếu tại một số tiểu bang có thể kéo dài thêm mấy tuần lễ nữa.

Ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump hiện đang theo đuổi các vụ kiện tụng tại Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Arizona và Nevada, và riêng tiểu bang Georgia thì tự động đếm phiếu lại theo luật tiểu bang là vì ứng cử viên Joe Biden chỉ dẫn trước 0.29 điểm ở đó.

Theo luật pháp, ứng cử viên Donald Trump có quyền yêu cầu kiểm phiếu lại nếu như số phiếu chênh lệch giữa hai ứng cử viên quá gần, và cũng có quyền khiếu kiện tại tòa án để xin xem xét lại về cáo buộc có gian lận. Và nếu quả thật có gian lận, ban tranh cử của ông Trump sẽ phải chứng minh được điều đó để có thể đạt chiến thắng trước tòa chứ không chỉ nói suông buộc tội rằng có lũng đoạn trong bầu cử hay tố cáo giới chức bầu cử của tiểu bang là có tinh thần đảng phái.

Một trong những lý do gây ra những vụ kiện tụng pháp lý này là vì một số toà án tại tiểu bang đã tự động cho thay đổi luật bầu cử. Như trường hợp của tiểu bang Pennsylvania, luật bầu tại đây nói rõ là những phiếu bầu khiếm diện phải được nhận vào trễ nhất là 8 giờ tối trong ngày bầu cử. Hai tháng trước, toà tối cao của tiểu bang này đã cho dời hạn chót nhận thư qua tới ngày 6 Tháng 11 (tức ba ngày sau bầu cử), trong khi đó còn cho phép là dù thư có đóng dấu bưu điện hay không cũng được nhận hết.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Những lá phiếu lộn xộn đó hiện đang là đề tài trong vụ kiện tụng, và Thẩm phán Samuel Alito của Tối cao Pháp viện đã ra lệnh các giới chức bầu cử địa phương phải tách riêng những lá phiếu này ra. Con số chính xác của những phiếu bầu trễ này hiện chưa được công bố, nhưng theo lời một giới chức của tiểu bang cho biết là “vào khoảng 10,000.” Hiện ông Joe Biden dẫn trước khoảng 49,000 phiếu. Nhưng nếu như giả dụ ông Biden chỉ thắng được có 537 phiếu tại Pennsylvania như trong trường hợp của George W. Bush tại Florida năm 2000 thì chắc chắn những vụ kiện tụng và kiểm phiếu sẽ còn kéo dài, và những cuộc tranh cãi sẽ còn kéo dài hơn nữa. Và đó là một phần lỗi lầm gây ra bởi toà án của tiểu bang này vì đã không chịu nhìn thấy trước những rắc rối.

Tại một số tiểu bang khác, toà án tiểu bang và liên bang cũng làm ngơ với luật bầu cử đã được viết trên giấy trắng mực đen. Với ngày bầu cử 3 Tháng 11 gần đến, một số thẩm phán đã cho gia hạn thời hạn nhận phiếu bầu qua thư theo luật định thêm ba ngày tại Georgia, sáu ngày tại Wisconsin và 14 ngày tại Michigan. Những lệnh này sau đó bị tạm đình chỉ do kháng cáo. Sau khi một nhóm cấp tiến ở Minnesota kiện tiểu bang, một giới chức tiểu bang thuộc đảng Dân chủ đã đồng ý cho lùi thời hạn bỏ phiếu lên thêm một tuần, coi như luật tiểu bang không có hiệu lực. Năm ngày trước cuộc bầu cử, một tòa kháng án đã ra quyết định yêu cầu các phiếu bầu trễ của Minnesota phải được giữ riêng ra, khiến cho các phiếu bầu trễ này bị đặt trong tình trạng không biết có hợp lệ hay không.

Cử tri lên tiếng – nguồn The Guardian

Trong những ngày qua đã có nhiều nhân vật hàng lãnh đạo của đảng Cộng hoà đã lên tiếng ủng hộ quyết định yêu cầu kiểm lại phiếu, như ông Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số tại thượng viện, nói rằng ông Trump có đầy đủ quyền mà luật pháp cho phép để kiện lên toà vì những lo ngại về gian lận và tính minh bạch của cuộc bầu cử.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Karl Rove, từng là trưởng ban tranh cử của Tổng thống George W. Bush năm 2000, cho biết nỗ lực yêu cầu kiểm lại phiếu của phía ông Trump có lẽ sẽ không thể giành lại được bất cứ một trong những tiểu bang nào đã bầu cho ông Biden, và đương nhiên là sẽ không lấy đủ phiếu cử tri đoàn để thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Trong nửa thế kỷ qua, chỉ có ba vụ kiện tụng đếm lại phiếu trên toàn tiểu bang đã làm thay đổi kết quả bầu cử: cuộc bầu cử thượng viện tiểu bang New Hampshire 1974, cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Washington 2004, và cuộc bầu cử thượng viện tiểu bang Minnesota 2008. Các ứng cử viên của những cuộc tranh cử trên với kết quả có số phiếu chênh lệch, theo thứ tự, là 355, 261 và 215.

Những số phiếu chênh lệch trên là rất nhỏ nếu so với số phiếu chênh lệch của kết quả bầu cử tổng thống năm nay. Cho đến cuối tuần qua, ông Biden dẫn trước tại Wisconsin khoảng 19,500 phiếu, tại Pennsylvania khoảng 60,000 phiếu, tại Michigan khoảng 146,000 phiếu, tại Arizona khoảng 11,000 phiếu và tại Georgia khoảng 14,000 phiếu.

Những diễn tiến sau bầu cử – nguồn RealClearPolicy

Ðể chiến thắng, ban tranh cử của Tổng thống Trump phải chứng minh được rằng có gian lận có hệ thống, với nhiều chục ngàn lá phiếu không hợp lệ. Cho đến lúc này chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Trừ khi có bằng chứng rõ ràng và được đưa trình trước toà gấp rút, cơ hội của Tổng thống Trump tại tòa án sẽ sút giảm nhanh chóng khi các tiểu bang bắt đầu chứng nhận kết quả bầu cử, như tại Georgia là vào ngày 20 Tháng 11, theo sau là Pennsylvania và Michigan ngày 23 Tháng 11, Arizona ngày 30 Tháng 11, và Wisconsin và Nevada ngày 1 Tháng 12. Với việc chứng nhận trên để chính thức trao phiếu cử tri đoàn cho ứng cử viên, và điều này sẽ làm tăng thêm tính cách hợp pháp của kết quả bầu cử tại tiểu bang và tạo thêm khó khăn hơn nữa cho ông Trump để lật ngược thế cờ trước khi đại cử tri đoàn họp nhau ngày 14 Tháng 12 để chính thức công bố danh tính của vị tổng thống đắc cử.

Xem thêm:   Chó...

Một khi những vụ kiện tụng đã xong, và trong trường hợp ông Joe Biden là người đắc cử, Tổng thống Trump cần phải thi hành bổn phận của ông để đoàn kết đất nước bằng cách thực hiện việc chuyển giao quyền hành thật êm đẹp đúng với tư cách tổng thống của một quốc gia dân chủ lâu đời nhất trên thế giới.

Trong thời gian qua đã có nhiều tin đồn lo ngại là nếu Tổng thống Trump thua thì ông có chịu chuyển giao quyền hành một cách hoà bình hay không, hay khư khư cố thủ tại Toà Bạch Ốc?

Theo lời ông Mick Mulvaney, chánh văn phòng Toà Bạch Ốc, thì câu trả lời là có.

Ông Mulvaney cho biết, trong 15 tháng giữ chức vụ chánh văn phòng và thường xuyên gặp tổng thống mỗi ngày, ông hiểu rõ con người tổng thống hơn ai hết, quen với tính khí và cách làm việc cũng như biết trong đầu tổng thống nghĩ gì. Tổng thống Trump biết khi nào là lúc để trình diễn và khi nào là lúc để thảo luận nghiêm túc. Và không có cơ hội nào thích hợp cho sự nghiêm túc hơn một cuộc chuyển giao quyền lực ở các cấp bậc cao nhất của quốc gia.

Tổng thống Trump sẽ tranh đấu bằng hết khả năng của ông cho đến khi kết quả bầu cử được xác định rõ ràng, và ông Joe Biden cũng sẽ làm như vậy – không chỉ vì đó là bản chất tự nhiên của họ mà còn vì có nhiều những vấn đề quan trọng khác cần phải được làm cho sáng tỏ. Với hơn 150 triệu người Mỹ đi bầu và tất cả đều muốn lá phiếu của họ được chứng thực, và kết quả cuộc bầu cử là hợp lệ.

Một khi cử tri biết được kết quả thì Tổng thống Trump, cho dù thắng hay bại, cũng sẽ hành động theo đúng tư cách một vị tổng thống cần phải làm. Còn những tin đồn và lo ngại nói trên chỉ là những điều khá viển vông.

VH