Một trong những lý do mà Trung Quốc từ chối không cho người dân của họ được chích thuốc chủng ngừa và hưởng các phương pháp điều trị Covid tốt nhất của phương Tây là vì họ không muốn hay không dám thừa nhận về sự yếu kém của ngành y khoa và kỹ thuật sinh học ở trong nước. Và hậu quả là nay họ đang phải đối phó với đợt dịch Covid đang càn quét khắp Trung Quốc.

The Logical Indian   

Sau gần ba năm tự cô lập, Trung Quốc đang mở cửa trở lại. Các biện pháp hạn chế đi lại trong nước, xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa hà khắc của chính sách zero-Covid đã bị huỷ bỏ vào đầu tháng 12. Bắt đầu từ ngày 8 tháng 1 năm mới, Trung Quốc cũng sẽ mở cửa lại biên giới. Những người đến từ nước ngoài sẽ không còn phải cách ly. Nhiều chuyến bay ngoại quốc sẽ được phép vào Trung Quốc. Mặc dù khách du lịch chưa được, nhưng giới doanh nhân và sinh viên sẽ được cấp chiếu khán để nhập cảnh. Và công dân Trung Quốc cũng sẽ được phép đi du lịch nước ngoài mà không cần cung cấp lý do cho chính quyền.

Nhưng để muốn biết tình hình Covid ở Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây, chúng ta chỉ cần nhìn vào Nhật Bản và Ấn Ðộ. Hai quốc gia này nay đang yêu cầu du khách Trung Quốc đến nước họ phải được xét nghiệm Covid trước. Trong khoảng thời gian hai tháng, Trung Quốc đã từ một quốc gia với số người bị nhiễm bệnh rất thấp biến thành điểm nóng Covid lớn nhất thế giới.

Thói quen lấp liếm

Rất khó để các chuyên gia y tế thế giới đánh giá có bao nhiêu người Trung Quốc thật sự đã bị nhiễm bệnh cho đến nay. Các con số mà chính quyền trung ương Trung Quốc chính thức công bố chỉ là mớ giấy lộn. Họ chỉ báo cáo có vài nghìn trường hợp nhiễm bệnh mới mỗi ngày, là một con số quá thấp so với thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian vài ngày gần đây, một số chính quyền khu vực đã cung cấp các ước tính hợp lý hơn. Chẳng hạn các giới chức của tỉnh Chiết Giang, có dân số khoảng 65 triệu người, cho biết vào ngày 25 tháng 12 rằng họ đang phải đối diện với 1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày. Họ ước đoán con số đó sẽ tăng gấp đôi vào thời điểm bước qua năm mới.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Hầu hết dân số Trung Quốc chưa từng bao giờ tiếp xúc với Covid và nhiều người già chưa được tiêm chủng. Do đó, trong khi con vi khuẩn biến thể Omicron sẽ gây ra các triệu chứng tương đối nhẹ ở hầu hết mọi người, thì một số lượng lớn người dân Trung Quốc vẫn dễ bị mắc bệnh nặng. Hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của Trung Quốc hiện đã phải chịu áp lực rất lớn. Tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, các phóng viên ngoại quốc đã chứng kiến những bệnh nhân lớn tuổi phải thở bằng bình dưỡng khí trên băng ca đặt ở dọc theo các hành lang và phòng chờ đông đúc người. Các đoạn video lan truyền trên mạng internet cho thấy những cảnh tương tự nói trên xuất hiện trên khắp Trung Quốc.

Số giường ICU cho mỗi 100,000 dân tại các quốc gia – Forbs.com

Tình trạng bệnh viện quá tải

Ðã có báo cáo về việc bệnh nhân bị bệnh viện ở các thành phố nhỏ từ chối cho nhập viện vì thiếu giường. Các giới chức y tế Trung Quốc cho biết hiện có khoảng 10 giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt (ICU) cho mỗi 100,000 dân trong nước, nhưng theo số liệu của tạp chí Forbes thì chỉ khoảng 4 giường, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết theo tiêu chuẩn phương Tây. Nhân viên y tế cũng đang thiếu hụt. Một giới chức y tế đã cảnh báo rằng một số khu vực đang tiến gần đến “điểm nguy kịch” về số giường ICU mà hệ thống y tế trong nước có thể cung cấp.

Nhu cầu cho các loại thuốc dùng để điều trị Covid hiện đang rất cần. Nhiều nhà thuốc đã hết sạch ngay cả những thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau. Paxlovid, một loại thuốc kháng khuẩn giúp ngăn ngừa bệnh nặng, được nhiều người đặc biệt săn lùng. Giá của thuốc này tăng cao ngất ngưởng; nhiều bệnh viện được báo cáo là đang thiếu. Một số bệnh viện đã phải tìm mua những thuốc bắt chước theo phiên bản của Paxlovid nhưng chưa được cấp giấy phép sử dụng được gửi từ nước ngoài về.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Theo tin chính thức từ chính phủ Trung Quốc, cho tới thời điểm cuối tháng 12 chỉ có 13 người chết vì Covid. Con số thực tế chắc chắn là cao hơn nhiều. Trung Quốc chỉ tính trường hợp tử vong do Covid gây ra ở những người chết vì suy hô hấp hoặc viêm phổi. Nhưng con vi khuẩn corona còn thường gây tử vong bằng cách làm hư hại các cơ quan nội tạng khác. Ví dụ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ coi bất kỳ ai chết sau khi xét nghiệm mới nhất có dương tính với con vi khuẩn thì được tính là tử vong do Covid.

Các lò hỏa táng của Trung Quốc hiện đang rất bận rộn. Cảnh sát đã phải đứng canh gác ở bên ngoài một lò hoả táng tại Bắc Kinh nơi thu hút khá nhiều phóng viên ngoại quốc. Hồi đầu tháng 12, công ty dữ liệu Airfinity, có trụ sở tại London, ước tính rằng có thể có hơn 5,000 người chết vì Covid ở Trung Quốc mỗi ngày.

Giường bệnh được đặt trên hành lang và trong phòng đợi – Getty Images

Hậu quả của chính sách sai lầm

Tại Trung Quốc cũng như mọi nơi khác trên thế giới, tiêm chủng được cho là phương thức hữu hiệu nhất để giảm thiểu tử vong. Nhưng trong gần ba năm qua, chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc đã nhất quyết từ chối chấp nhận thuốc chủng mRNA của phương Tây trong khi chỉ dùng thuốc chủng Sinovac và Sinopharm nội hoá. Nhưng chiến lược nặng phần dân tộc chủ nghĩa của họ đã bị mất uy tín với dân chúng sau khi chính sách zero-Covid được huỷ bỏ và tình trạng lây nhiễm lan rộng ở Trung Quốc. Một bản phúc trình vào tháng 12 đánh giá về dữ liệu sức khỏe của Singapore đăng trên tạp chí Lancet cho thấy những người trên 60 tuổi đã được tiêm ba liều thuốc chủng truyền thống sản xuất tại Trung Quốc có tỷ lệ nhiễm bệnh nặng và phải nhập viện do Covid cao hơn nhiều so với những người nhận loại thuốc chủng mRNA.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna đã nhiều lần đề nghị bán cho Bắc Kinh các loại thuốc chủng mRNA của họ, nhưng chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc đòi hỏi hai công ty phải giao nộp tài sản trí tuệ của họ trước khi được cứu xét là có mua hay không. Phải chăng Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể ăn cắp kỹ thuật sinh học mới nhất này cũng dễ dàng như họ đã từng ăn cắp những kỹ thuật khác của phương Tây trước kia.

Một cách khác có thể đoán ra tình trạng Covid lây lan tồi tệ như thế nào ở Trung Quốc hiện nay thì chỉ cần nhìn vào các hành động của lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình của họ. Khi con vi khuẩn corona còn kiểm soát được, ông Tập Cận Bình được tung hô như là “vị tổng tư lệnh tài ba” của “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại Covid. Ông ta thường nhắc nhở người dân Trung Quốc về sự cần thiết phải kiên trì với chính sách zero-Covid. Tuy nhiên, kể từ khi các trường hợp lây nhiễm bệnh bắt đầu gia tăng, hầu như ông ta giữ im lặng, chỉ đưa ra những đề cập gián tiếp về các đợt bùng phát. Hôm thứ Hai ngày 26 tháng 12, Tập lên tiếng nói rằng “công tác phòng chống dịch bệnh của đất nước đang phải đối mặt với những hoàn cảnh mới và nhiệm vụ mới”. Ðó chỉ là một cách ngượng ngập để che đậy sự yếu kém trong việc giải quyết dịch bệnh của chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc.

Khi con số các trường hợp nhiễm bệnh bắt đầu tăng cao vào đầu tháng 12, đường phố tại Bắc Kinh và nhiều thành phố khác rất vắng vẻ. Nay người dân đổ ra đường trở lại. Nhưng dịch bệnh thì còn lâu mới chấm dứt. Trong những tuần lễ sắp tới sẽ có hàng trăm triệu người di chuyển trở về quê hưởng Tết âm lịch. Họ sẽ lây truyền con vi khuẩn corona vào các vùng nông thôn nơi hệ thống y tế gần như không có. Có nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều đợt lây nhiễm khác bùng phát. Dù tình trạng Covid hiện nay có vẻ như đang rất tồi tệ ở tại Trung Quốc, thử thách lớn nhất trong việc giải quyết Covid dành cho chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc thực sự vẫn chưa đến.

Một lò thiêu tại Trung Quốc được cảnh sát canh gác chặt chẽ – Sky News

VH