Trong khoảng một thập niên qua, đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2013, Trung Quốc đã ngày càng tăng cường nỗ lực để kiểm soát quân sự trong khu vực Biển Đông với đủ mọi thủ đoạn mà không cần đếm xỉa tới dư luận quốc tế hay sự phản đối của các quốc gia trong vùng. Trong khi đó, mặc dù Hoa Kỳ lâu lâu vẫn đưa chiến hạm vào trong khu vực nói là để thực hiện quyền tự do hàng hải, nhưng mặt khác vẫn luôn giữ lập trường trung lập đối với các tranh chấp trong vùng biển này.

Cuộc tập trận của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông hôm 6 Tháng 7, 2020 – nguồn Navy  

Thái độ đứng giữa đó của Hoa Kỳ có thể nay đã bắt đầu thay đổi. Hôm Thứ Hai tuần qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng phản đối về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược. Ðể giải thích cho sự thay đổi chính sách, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã mô tả quyết định trên như một nỗ lực nhằm duy trì luật pháp quốc tế chống lại cái mà ông gọi là chiến dịch “lấy sức mạnh đè người” bởi Trung Quốc đã cưỡng ép và đe dọa các nước láng giềng Ðông Nam Á yếu hơn buộc họ phải nhượng bộ quyền lợi.

Trong khi Washington trước đây từng cho biết họ coi việc tuyên bố mở rộng chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích của khu vực Biển Ðông là trái pháp luật, nhưng nay Hoa kỳ đã chính thức lần đầu tiên lên tiếng bác bỏ những tuyên bố về chủ quyền đó.

Chính quyền Trump gần đây đã tăng cường các hoạt động hải quân để thách thức cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc. Hồi đầu Tháng 7, Hoa Kỳ đã đưa hai hàng không mẫu hạm là USS Ronald Reagan and USS Nimitz vào tham gia một trong những cuộc tập trận lớn nhất của hải quân trong những năm gần đây tại Biển Ðông, hoàn tất hàng trăm chuyến bay thao dợt bao gồm các chiến đấu cơ, máy bay thám thính và trực thăng – cùng lúc đó Trung Quốc cũng cho tổ chức một cuộc tập trận nho nhỏ của họ trong khu vực.

Theo giới quan sát quốc tế, lập trường mới của Washington về các tranh chấp ở Biển Ðông có thể làm trầm trọng thêm một cuộc leo thang với Bắc Kinh về thương mại, cạnh tranh công nghệ, cũng như những bất đồng trong việc Trung Quốc ngày càng tìm cách thắt chặt kiểm soát Hồng Kông và sự đối xử khắc nghiệt với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Việc đưa ra tuyên bố của Bộ ngoại giao ngay vào lúc này có thể chỉ mang tính cách hình thức, nhưng dù sao việc này cho thấy Hoa Kỳ trong tương lai có thể sẽ cứng rắn hơn qua các biện pháp quân sự và ngoại giao khi phải đối đầu Trung Quốc về chủ quyền Biển Ðông

Từ trước tới nay Washington không hề tìm cách giành hay nhận chủ quyền trên các hòn đảo trong khu vực, vì thực ra điều này không cần thiết trong khi những chiếc hàng không mẫu hạm của họ chính là những hòn đảo nổi di động, nhưng việc tuyên bố của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh dấu một sự chuyển hướng về chính sách từ những chính quyền trước đây là không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Ðông, là một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hải. Cuộc tranh chấp lãnh hải đã kéo dài trong nhiều năm giữa Trung Quốc và sáu nước khác trong khu vực, trong đó có năm quốc gia Ðông Nam Á là Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei và Việt Nam. Hoa Kỳ mặc dù không đòi chủ quyền nhưng vẫn thường kêu gọi các quốc gia nên tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và theo đúng luật quốc tế.

Bản đồ làn ranh tranh chấp trong khu vực Biển Đông – nguồn The Wall Street Journal

Tuyên bố của Bộ ngoại giao được đưa ra một ngày sau ngày kỷ niệm lần thứ tư phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 nói rằng những tuyên bố chủ quyền dựa trên tính cách lịch sử và kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực Biển Ðông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Tuyên bố này cũng được đưa ra sau một thông cáo chung bởi các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) hồi tháng trước khẳng định rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi khác trong khu vực hàng hải. Ðây là lần đầu tiên một thông cáo chung liên quan đến chính sách về Biển Ðông được đưa ra bởi ASEAN cho thấy có một sự thay đổi bất ngờ và thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ khác thường của các nước trong khu vực nhằm chống lại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Ðông.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Trung Quốc là quốc gia đã ký vào công ước trong khi Hoa Kỳ thì không. Mặc dù vậy, Washington cho biết họ vẫn nhìn nhận công ước này như là luật quốc tế về lãnh thổ với đầy đủ pháp lý và chấp nhận tuân thủ với những quy định của nó.

Về phán quyết năm 2016, Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ. Ðây là phán quyết được đưa ra tại một phiên toà của Toà Trọng tài Quốc tế tại Hague sau khi chính phủ Phi Luật Tân đã đệ đơn tố cáo Bắc Kinh và nhờ Toà phân giải. Chính quyền Bắc Kinh đã không tham dự vào phiên toà, là toà án mà các giới chức Trung Quốc khẳng định là không có thẩm quyền về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Thay vì chấp hành phán quyết, chính quyền cộng sản Trung Quốc tiếp tục nỗ lực cho xây các hòn đảo nhân tạo quanh những khu vực đang có tranh chấp tại Biển Ðông và đồng thời cho phòng vệ bằng các loại vũ khí tối tân của họ trên những hòn đảo giả này.

Vào thời điểm khi phán quyết được đưa ra, chính quyền Obama đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan hãy tôn trọng phán quyết và giải quyết những khác biệt của họ theo đường lối hoà bình, trong khi nhắc lại với một thái độ rõ rệt là Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các vấn đề tranh chấp tại Biển Ðông. Washington từ lâu cũng đã khẳng định rằng việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực là một trong những quyền lợi của Hoa Kỳ.

Một cuộc tập trận trên không của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông – nguồn Navy

Theo nội dung bản tuyên bố của Bộ ngoại giao, Hoa Kỳ chủ yếu bác bỏ toàn bộ con đường hàng hải trong khu vực Biển Ðông nằm ngoài phạm vi mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền của họ dựa theo luật biển quốc tế, cũng như chủ quyền lãnh thổ trên những địa điểm nằm chìm dưới nước hoặc không vĩnh viễn nằm trên mực nước biển. Ðiều này có nghĩa là Washington bác bỏ những chủ quyền mà Bắc Kinh tự nhận trên những vùng biển và địa điểm nhất định – trong đó bao gồm các bãi san hô và bãi cạn – nằm gần với lãnh hải của Brunei, Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân và Việt Nam.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Bản tuyên bố còn nhấn mạnh thêm: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh tự coi khu vực Biển Ðông như là vùng biển hàng hải của họ.”

Trong thời gian đại dịch vừa qua, các chiến hạm của Trung Quốc đã theo đuôi các tàu dò thám dầu khí của Mã Lai Á và ngang nhiên cho húc vào một thuyền đánh cá của Việt Nam. Ðây là những hành động họ đã từng làm nhiều lần trong những năm qua để nhằm đe doạ và tạo áp lực với các quốc gia trong vùng.

Bắc Kinh có lẽ nghĩ rằng họ có thể cứ từ từ siết chặt kiểm soát khu vực Biển Ðông và trong khi Hoa Kỳ có thể lên tiếng than phiền và một đôi khi gửi chiến hạm hoặc phi cơ quân sự vào trong khu vực rồi sau đó rút đi không làm thêm gì khác, và cái gọi là chủ quyền của họ trong khu vực sẽ không hề bị suy suyển. Quyết định của Bộ ngoại giao hôm Thứ Hai, cùng với cuộc tập trận quân sự quy mô tại vùng Biển Ðông, đã gửi đi tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ có thể cứng rắn hơn trong chiến lược của họ để chống lại hành động bắt nạt thường xuyên của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực.

Ðây là một trong những quyết định ngoại giao đặc trưng của Trump mà nếu là một chính quyền lo sợ rủi ro sẽ không làm. Một điều rõ ràng là Trung Quốc sẽ không vui vẻ gì với quyết định trên. Nhưng quyết định này sẽ chính thức đưa chính sách của Hoa Kỳ vào đúng hướng với luật quốc tế và những thực tế địa chính trị, và hơn nữa có thể lôi kéo thêm nhiều quốc gia trong khu vực vào làm đồng minh với Hoa Kỳ trong tương lai trong việc đối đầu với Trung Quốc. Không cần biết ai thắng cuộc bầu cử tổng thống cuối năm này, ưu tiên chính yếu trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong những năm tới là phải ngăn cản chính sách bành trướng và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Tuyên bố bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Ðông của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ là bước đầu quan trọng và cần thiết.

VH