Tháng Bảy sắp tới đây đánh dấu đúng 50 năm chuyến đi bí mật của Kissinger tới Bắc Kinh để đàm phán về việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc thảo luận đôi bên, ông đã đưa ra nhiều yêu cầu – như về việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, về kiểm soát vũ khí nguyên tử, về cô lập Liên bang Sô Viết, và nhiều vấn đề khác nữa. Ngồi đối diện với Kissinger là Chu Ân Lai, thủ tướng của Trung Quốc bấy giờ, chỉ chú trọng duy nhất vào một yêu cầu – đó là Đài Loan.

Căng thẳng tại eo biển Đài Loan – nguồn AP

Chu đòi hỏi Hoa Kỳ cần phải công nhận chính phủ Bắc Kinh, chứ không phải Ðài Bắc, là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, và Liên Hiệp Quốc phải trục xuất Ðài Loan ra khỏi tổ chức quốc tế này. Kissinger đã đồng ý với những điều khoản trên, và năm sau đó, 1972, Tổng thống Richard Nixon đã hân hoan bước lên chiếc Air Force One chính thức đến viếng thăm Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không bỏ rơi Ðài Loan. Mặc dù không công nhận Ðài Loan nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho chính phủ Ðài Loan và ngầm cảnh cáo Trung Quốc không được xâm chiếm hòn đảo này. Chính sách mập mờ này là kết quả từ Ðạo luật Quan hệ Ðài Loan được quốc hội thông qua năm 1979. Ðạo luật tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ coi “bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Ðài Loan bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tẩy chay hoặc cấm vận, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và gây lo ngại nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.” Ðạo luật cũng cam kết chính phủ Hoa Kỳ sẽ “cung cấp cho Ðài Loan các vật dụng và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Ðài Loan duy trì đủ khả năng để tự vệ,” cũng như “duy trì năng lực của Hoa Kỳ để chống lại bất kỳ biện pháp gây áp lực hoặc các hình thức cưỡng bức khác có thể gây nguy hiểm cho hệ thống an ninh hoặc xã hội hay kinh tế của người dân trên đảo Ðài Loan.”

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nhưng nay một số chuyên gia về chính sách đối ngoại và giới chức chính phủ Hoa Kỳ lo ngại rằng đạo luật trên đã lỗi thời. Họ nghĩ rằng chính quyền Joe Biden có thể cần phải đưa ra một cam kết chính thức hơn để bảo vệ Ðài Loan, còn như nếu không có hành động nào thì thái độ này rất có thể sẽ ngày càng khiến cho Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể tấn công Ðài Loan.

Trung Quốc dường như cũng đang thử xem phản ứng của Hoa Kỳ và thái độ của họ trong vùng biển Hoa Bắc thời gian gần đây ngày càng có vẻ hung hăng và thách thức hơn. Tuần qua, họ đã gửi một hàng không mẫu hạm đến gần bờ biển Ðài Loan rồi sau đó đưa một thông cáo nói rằng: “Những cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành thường xuyên hơn trong tương lai.” Lời tuyên bố này đã khiến một số nhà quan sát cho rằng một cuộc tấn công của Trung Quốc “có thể xảy ra bất cứ lúc nào” và chính quyền Biden nên chuẩn bị.

Cuộc hội kiến Mao-Nixon tại Bắc Kinh ngày 21 tháng Hai 1972 – nguồn China Daily

Ý kiến chung của đa số các học giả là một cuộc xung đột quân sự dường như khó có thể xảy ra. Nhưng cũng cần phải nói lại là hầu như tất cả những cuộc xung đột quân sự thường được cho là khó có thể xảy ra cho đến thời điểm chúng bắt đầu. Gần đây nhất, không ai nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ tấn công Iraq lần thứ hai, nhưng rồi vụ 9/11 xảy ra năm 2001 đã làm thay đổi tất cả chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Ðông.

Kể từ năm 1971 cho đến nay cán cân quyền lực giữa hai bên đã có thay đổi – và thay đổi ở mức độ sâu rộng hơn là Kissinger có thể nhìn thấy trước vào lúc đó. Năm mươi năm trước, Trung Quốc là một quốc gia nghèo đói: mặc dù với khối lượng dân số khổng lồ, nền kinh tế của họ chỉ là một phần nhỏ so với tổng sản lượng nội địa (GDP) của Hoa Kỳ. Năm nay, theo dự phóng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính trên giá trị của đồng Mỹ kim, GDP của Trung Quốc sẽ bằng ba phần tư GDP của Hoa Kỳ. Nhưng nếu tính trên bình diện sức mua tương đương (purchasing power parity), Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2017.

Xem thêm:   Biden & Trump

Nhưng trong cùng khoảng thời gian trên, Ðài Loan cũng đã phát triển không ngừng. Ðài Loan không chỉ nổi trội lên như là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất châu Á, với Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. được xem là công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới. Ðài Loan cũng đã chứng minh một cách sống động cho thấy một dân tộc Trung Hoa cũng có thể phát triển mạnh mẽ dưới một chế độ dân chủ. Chế độ độc tài cai trị Ðài Loan vào thập niên 1970 nay đã thuộc về một thời đại xa lơ xa lắc nào đó. Ngày nay, Ðài Loan là một ví dụ sáng chói nhất của một xã hội tự do mà ở đó chính quyền có thể sử dụng công nghệ kỹ thuật cao để mang đến cho người dân một cuộc sống an bình, độc lập, tự do – và điều này giải thích lý do tại sao chính quyền Ðài Loan đã giải quyết thành công trận đại dịch Covid-19 và có thể nói đạt được mức độ thành công cao nhất trên thế giới với con số thiệt mạng chỉ có 10 người trên tổng số 23 triệu dân.

Mặc dù vậy, quan điểm về việc thống nhất Ðài Loan của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng không khác quan điểm của Chu Ân Lai vào năm 1971: cấp thiết, quan trọng, và là ưu tiên số 1. Ðối với Bắc Kinh, Ðài Loan tiếp tục là cái gai gây cho họ nhiều lúng túng, khó chịu: là hòn đảo nơi những kẻ thua cuộc trong cuộc nội chiến quốc cộng đã bỏ chạy đến vào năm 1949 và chính phủ tại đây được chống đỡ bởi các thế lực ngoại bang.

Khu trục hạm của Hoa Kỳ tại eo biển Đài Loan – nguồn AP

Về phương diện kinh tế và quân sự, Trung Quốc nay đã trở thành đối thủ nặng ký duy nhất của Hoa Kỳ. Cùng với sự vươn lên của họ trong vị trí một cường quốc toàn cầu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ phải lấy lại quyền kiểm soát những gì mà họ coi là lãnh thổ hợp pháp của họ. Trung Quốc đã đàn áp trắng trợn người dân Tây Tạng và Tân Cương qua những chính sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Họ đã dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến tại Hồng Kông trong năm qua. Nhưng Ðài Loan mà họ coi là phần đất duy nhất thuộc lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến nay vẫn còn nằm ngoài vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước mắt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể coi đây như là cơ hội khiến họ cần phải ra tay hành động trong một tương lai gần.

Xem thêm:   Mất mạng

Với tình hình ngày càng căng thẳng tại eo biển Ðài Loan do phía Trung Quốc gây ra, nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng như một số giới chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ nay đang đánh giá vị trí địa chính trị của Ðài Loan có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, và nếu có bất cứ điều gì có thể biến cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thành một cuộc xung đột quân sự thực sự thì đó chính là Ðài Loan. Ðiều này có thể đưa tới thay đổi chính sách và một cam kết mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Ðài Loan hay không thì vẫn chưa thể biết nhưng một điều rõ ràng là chính quyền Joe Biden cần phải có hành động càng sớm càng tốt.

Và như nhận định của sử gia Niall Ferguson trong một bài quan điểm đăng trên Bloomberg: Cuộc thất trận tại Việt Nam cách đây gần năm thập niên [đối với vị thế của Hoa Kỳ] thực sự không quan trọng lắm, ngoại trừ đưa đến những nỗi bất hạnh và lầm than cho người dân miền Nam Việt Nam. Hầu như không có bất kỳ một hiệu ứng domino nào xảy ra ở châu Á nói chung, ngoài thảm họa diệt chủng tại Campuchia. Tuy nhiên, nếu để thua – hoặc thậm chí không chịu chiến đấu – trên bình diện toàn châu Á, Ðài Loan sẽ được xem như là sự chấm dứt của sức mạnh thống trị của Mỹ trong khu vực mà ngày nay ta gọi là “Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương”.

VH