Vụ tấn công vào hai cơ sở sản xuất dầu tại Ả Rập Saudi – Khurais và Abqaiq – hôm Thứ Bảy 14/9 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng không nhỏ tại khu vực Trung Đông, nơi sản xuất và cung cấp một phần lớn lượng xăng dầu cho thế giới.

Vụ tấn công tại cơ sở sản xuất dầu Abqaiq hôm 14-9 – nguồn Reuters  

Trong hai cơ sở trên, Abqaiq là xưởng sản xuất dầu lớn nhất thế giới và hậu quả của vụ tấn công đã làm năng suất của Ả Rập Saudi sụt giảm 5.7 triệu thùng một ngày, bằng gần một nửa mức sản xuất dầu của xứ này, và gây nên tình trạng hoảng hốt trong thị trường cung cấp dầu trên thế giới.

Thị trường dầu thô Brent mở cửa vào sáng hôm Thứ Hai 16/9 cho thấy giá dầu thô đã tăng 15% lên đến $69.02 một thùng, là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ năm 1988. Tuy nhiên, đây chỉ là sự dao động ban đầu, và đến hôm Thứ Tư giá một thùng dầu thô đã xuống mức $64.44. Qua đến Thứ Sáu 20/9, giá tiếp tục giảm và ngưng ở mức $63.02 một thùng. Ðây là những dấu hiệu cho thấy thị trường xăng dầu thế giới quân bình trở lại, một phần là do chính phủ Ả Rập Saudi đã trấn an thế giới và cho biết chỉ trong vòng 24 tiếng sau vụ tấn công, hai cơ sở này đã hồi phục lại được khoảng gần một nửa mức sản xuất như trước và hứa là đến khoảng cuối Tháng 9 hoặc đầu Tháng 10 thì lượng sản xuất sẽ trở lại mức bình thường.

Như vậy có thể nói vụ tấn công tuy có gây tác động đến thị trường xăng dầu thế giới nhưng không nhiều. Tuy nhiên, vụ tấn công trên đã tạo nên một cuộc khủng hoảng về an ninh cho khu vực và không ai dám bảo đảm là trong tương lai gần một cuộc tấn công tương tự như trên sẽ không thể xảy ra thêm lần nữa.

Trong một cuộc họp báo ít ngày sau vụ tấn công, phát ngôn nhân của liên minh quân sự do Saudi cầm đầu, Ðại tá Turki al-Maliki cho biết chính phủ Ả Rập Saudi tin rằng vụ tấn công được thực hiện từ một địa điểm nằm ở phía bắc của nước này, dựa vào hướng bay của hoả tiễn khi những hoả tiễn này đánh trúng hai cơ sở sản xuất dầu, và chiều dài mà những hoả tiễn này có khả năng bay được.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Các giới chức Hoa Kỳ, dựa trên các phúc trình điều tra của một phi cơ thám thính và một số không ảnh chụp được, cũng cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy có những hoạt động bất thường tại một căn cứ quân sự của Iran ngay trước khi vụ tấn công xảy ra. Các giới chức này nói rằng các hoả tiễn và phi cơ không người lái (drone) sử dụng trong vụ tấn công chứng tỏ rằng được phóng đi từ một căn cứ nằm trong khu vực phía bắc của vịnh Ba Tư gần biên giới giữa Iran, Iraq và Kuwait.

Các chuyên gia về vũ khí cho rằng các cáo buộc của Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi về vụ tấn công có liên quan đến Iran cho thấy có nhiều cơ sở đứng vững sau khi xem xét lại các mảnh vụn của hoả tiễn và phi cơ drone còn rơi rớt lại tại hiện trường. Chính phủ Saudi cho biết có bốn hoả tiễn tuần kích (cruise missiles) đã bắn vào cơ sở Khurais và 18 phi cơ drone đã tấn công cơ sở Abqaiq, cũng như có ba hoả tiễn tuần kích đã bắn trật mục tiêu.

Căn cứ Ahvaz, nơi có thể đã thực hiện vụ tấn công – nguồn The Sun

Chính phủ Saudi cũng cho biết hoả tiễn là loại Ya Ali do Iran chế tạo, có tầm bay tối đa 435 dặm, đã được sử dụng trong vụ tấn công. Với tầm bay này cho thấy quốc gia Yemen, cách xa hơn 600 dặm về phía nam, không thể là địa điểm bắn hoả tiễn mà nhóm vũ trang nổi dậy Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia độc lập thì các bộ phận của hoả tiễn dường như có nhiều điểm tương đồng với loại hoả tiễn Soumar mạnh hơn nhiều của Iran và thậm chí có một số điểm tương đồng gần hơn nữa với loại hoả tiễn Quds-1 mới được tiết lộ gần đây của lực lượng Houthi. Mặc dù Houthi nói rằng họ đã tự chế tạo Quds-1, nhưng các chuyên gia tin rằng nhóm nổi dậy này đến nay vẫn chưa đủ khả năng để tự chế tạo hoả tiễn và nghi rằng cả hai loại hoả tiễn trên đều do Iran đã bắt chước theo thiết kế của loại hoả tiễn KH-55 của Liên Sô trước đây. So sánh hai loại hoả tiễn này thì Soumar có tầm bay xa hơn, từ khoảng 835 dặm đến 1,500 dặm.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Trong cuộc họp báo trên, chính phủ Saudi cũng đã cho trưng bày những mảnh vụn của phi cơ không người lái drone được sử dụng trong vụ tấn công mà theo các chuyên gia họ chưa từng nhìn thấy trước đây nhưng có những nét giống với các loại phi cơ drone được sử dụng ở Iran. Dựa trên kích thước của loại phi cơ drone này, các chuyên gia cho biết chúng không thể bay từ Yemen lên được, và như vậy chỉ còn lại Iran và Iraq là hai nơi có thể là địa điểm xuất phát. Trong khi chính phủ Saudi cáo buộc những chiếc phi cơ drone này đã được phóng đi từ trong nội địa Iran, có thể do chính quân đội Iran hoặc một nhóm dân quân nào đó do Iran bảo trợ.

Vụ tấn công trên cũng cho thấy hệ thống phòng không của Saudi do Hoa Kỳ cung cấp đã không đủ khả năng trong việc nhận diện và ngăn cản bất kỳ âm mưu tấn công nào từ phía địch. Các phi cơ drone và hoả tiễn sử dụng trong vụ tấn công dường như đã được cho bay rất thấp gần sát mặt đất, và vì vậy rất khó cho hệ thống radar phòng thủ của Saudi có thể phát hiện được.

Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi cho trưng bày những mảnh vụn của hoả tiễn sử dụng trong vụ tấn công – nguồn Reuters

Có thể nói hiện nay cả Ả Rập Saudi lẫn Hoa Kỳ đều không có đủ số lượng hệ thống phòng thủ để có đủ khả năng bảo vệ tất cả các hạ tầng cơ sở sản xuất năng lượng tại vương quốc này. Trong mấy năm qua, quân đội Saudi hầu như tập trung đặt các hệ thống phòng chống hoả tiễn của họ nằm dọc theo biên giới phía nam giáp với Yemen, nơi chính phủ Riyadh và các lực lượng liên minh đang chiến đấu chống lại nhóm nổi dậy Houthi trong cuộc nội chiến Yemen, do đó đã để lỏng nhiều khu vực khác không có được sự bảo vệ an ninh đúng mức.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Mặc dù Iran mạnh mẽ phủ nhận có bất kỳ liên hệ nào với vụ tấn công, nhưng nếu quả thật Iran, hay một trong những nhóm vũ trang của họ ở Iraq hoặc ở Yemen, đã thực hiện vụ tấn công thì điều này cũng phù hợp với chiến lược mà Iran theo đuổi trong nhiều tháng qua trong cuộc leo thang đối đầu với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Bị kẹp trong gọng kìm cấm vận của Mỹ trong việc ngăn cấm họ bán dầu ra cho thế giới, Iran đã tìm cách gây ra những nỗi khó khăn tương tự lên các quốc gia đối nghịch của họ – đe doạ đến khả năng sản xuất và bán dầu của Ả Rập Saudi và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong vùng vịnh Ba Tư và từ đó có thể đẩy cho giá dầu tăng cao trên thị trường quốc tế trong những tháng sắp tới trong khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc vận động tái tranh cử.

Việc kết hợp giữa áp lực quân sự và sau đó lên tiếng phủ nhận cũng phù hợp với chiến lược mang lại cho Iran tiếng nói mạnh hơn trong cuộc thương lượng nếu trong trường hợp Iran và Hoa Kỳ có thể trở lại bàn đàm phán trong tương lai.

Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ leo thang sau khi Washington vào năm ngoái đã rút ra khỏi một thoả thuận nguyên tử đa quốc được ký kết năm 2015 và sau đó áp đặt chính sách cấm vận kinh tế lên Tehran để gây áp lực. Ðầu năm nay, Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran là đã tổ chức và đứng sau những cuộc tấn công vào sáu tàu chở dầu ở ngoài khơi vùng duyên hải phía nam của Iran và chính phủ Iran đã lên tiếng phủ nhận. Tháng 7 vừa qua, Iran cũng đã bắt giữ một tàu chở dầu của Vương quốc Anh trong vịnh Ba Tư sau khi lực lượng của Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi eo biển Gibraltar, bị nghi ngờ là đang chở đi bán cho một khách hàng nào đó.

VH

Arlington, TX