Ngày 7 tháng 9 năm 2017, ông Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn tại Kazakhstan nhắc đến ý tưởng muốn xây một con đường bê tông xuyên suốt thế giới, được hỗ trợ bởi những khoản cho vay và đầu tư của Trung Quốc. Lúc ấy, không ai tiên đoán rằng dự án đó sẽ trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Tập và là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Tên chính thức của dự án này là Sáng kiến Một vành đai Một con đường (hay Nhất đới Nhất lộ).

10 năm Nhất đới Nhất lộ – Financial Times 

Dự án này nay đánh dấu qua một chặng đường 10 năm và Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức một cuộc liên hoan kỷ niệm thật hoành tráng. Họ quảng cáo dự án Nhất đới Nhất lộ như một món quà dành cho thế giới đã tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn. Trung Quốc tuyên bố dự án mang lại 420,000 công việc làm ở các quốc gia tham gia và 40 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói nhờ kinh tế tăng trưởng. Trái lại, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh coi dự án không hẳn tốt đẹp và tử tế như thế mà chỉ là một công cụ chính trị nhằm ngăn chặn sự chỉ trích của nước ngoài đối với các chính sách cai trị bằng bàn tay sắt của Tập và nhằm mang lại lợi ích to lớn cho các công ty của Trung Quốc trong khi nhiều quốc gia tham gia phải gánh những khoản nợ chồng chất đến mức không thể trả lại được.

Tham vọng của Trung Quốc

Ðương nhiên, sự kiện kỷ niệm 10 năm Nhất đới Nhất lộ cũng không hề làm giảm bớt lo ngại của các quốc gia phương Tây đối với dự án. Ðiểm nổi bật của sự kiện sẽ là Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF), dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 10 tới đây. Các nhà lãnh đạo thế giới đã được mời nhưng sẽ không có một đại diện nào từ các quốc gia phương Tây tham dự. Vị khách nổi bật nhất sẽ là ông Vladimir Putin của Nga. Sự hiện diện của Putin, cùng với Tập Cận Bình, sẽ làm nổi bật điều mà nhiều nhà lãnh đạo phương Tây nhìn thấy ở phía đằng sau tấm màn che: nỗ lực của Trung Quốc nhằm rao bán một mô hình phát triển khác nhằm thay thế cho mô hình phát triển của các quốc gia theo thể chế dân chủ và tạo ra một thế giới an toàn cho những kẻ độc tài. Trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện này, Trung Quốc đã phải cố gắng để giữ chân một thành viên của khối G7 đã ký kết tham gia vào Nhất đới Nhất lộ – đó là nước Ý. Phó thủ tướng nước này, Antonio Tajani, vừa đến thăm Bắc Kinh với một thông điệp: Ý có thể rút lui khỏi dự án.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong cuộc họp thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Ðộ, diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng 9, Tổng thống Joe Biden đưa ra một tầm nhìn khác trong việc hỗ trợ cho các nước nghèo bằng cách tăng cường vai trò của Ngân hàng Thế giới (WB) và các Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà Cố vấn An ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Jake Sullivan, cho biết đã “được thành lập và tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo”. Ông Sullivan cũng nói thêm, hai tổ chức trên sẽ mang lại “lợi ích lớn nhất” để đối lại với “sự cho vay cưỡng bức và không bền vững” của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã không đến dự cuộc họp thượng đỉnh lần này mà không cho biết lý do rõ ràng.

Hải cảng Hambantota ở Sri Lanka chỉ còn cờ Trung Quốc – AP

Cuộc đối đầu

Khi dự án Nhất đới Nhất lộ được đề khởi, không ai nghĩ tới một cuộc đối đầu sắp xảy ra giữa Trung Quốc và phương Tây về những vấn đề nghe có vẻ vô hại như xây dựng đường bộ, đường sắt, bến cảng và đường ống dẫn dầu. Bài diễn văn của Tập tại Kazakhstan không gây được sự chú ý. Thậm chí kể cả bài diễn văn đọc tại Indonesia gần một tháng sau đó khi Tập nói tới “con đường tơ lụa trên biển” cũng không mấy ai chú ý. Cho mãi tới một năm sau đó khi Tập bắt đầu sử dụng cụm từ rút ngắn lại bao gồm cả hai ý tưởng – “một vành đai, một con đường”. Một số giới chức phương Tây tỏ ra khó chịu với cụm từ và cho rằng nó nghe có vẻ quá tập trung vào Trung Quốc và quá đơn giản đối với những gì đang bắt đầu nổi lên như một công trình phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia. Do đó, Trung Quốc đã điều chỉnh một chút tên của dự án cho những người nước ngoài (nhưng tiếng Trung thì không đổi). Và vào năm 2015, tên chính thức của dự án trở thành Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI).

Xem thêm:   Ham & hố

Ðó là trước khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, vốn đã gập ghềnh và thiếu tin cậy, bắt đầu đi xuống. Ðến năm 2017, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nổ ra, trở thành một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của Hoa Kỳ để chống lại tham vọng mang tính cách toàn cầu của Trung Quốc tìm cách thay đổi chuẩn mực và trật tự của thế giới. Phải 4 năm sau Liên hiệp Âu châu (EU) mới bắt đầu gọi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”. Việc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo ở Tân Cương và cuộc trấn áp toàn diện những người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông lúc đó vẫn còn chưa xảy ra. Ngay cả ở phương Tây, Trung Quốc cũng tìm thấy những cánh cửa rộng mở. 18 trong số 27 thành viên của EU đã ký kết tham gia Nhất đới Nhất lộ.

Trong những năm gần đây, thái độ đối với Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trên khắp Châu Âu. Khối EU đã thắt chặt việc sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vì những rủi ro an ninh có thể xảy ra. Hiện nay chỉ có một vài dự án lớn của Nhất đới Nhất lộ đang được thi công ở Châu Âu.

Cái bẫy nợ

Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc tại Châu Phi mới là đáng kể, lục địa nơi mà Trung Quốc đã có những mối quan hệ kinh tế lớn từ rất lâu trước khi Nhất đới Nhất lộ được đề xuất. Các thoả thuận ký kết đã mang lại cho Trung Quốc nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, từ tuyến đường sắt đến hải cảng. Khu vực Châu Phi cận Sahara đã chiếm một phần lớn trong hoạt động cho vay của Nhất đới Nhất lộ. Nhưng đến khi các quốc gia Châu Phi bị ngập trong nợ nần, nhiều khoản vay nợ không thể trả được. Ðối với Trung Quốc, Châu Phi đã trở thành một vũng lầy tài chính do chính họ tạo ra.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra cho Pakistan, một đồng minh thân cận của Trung Quốc. Pakistan đã vay mượn khoảng $60 tỷ cho những dự án lớn như nâng cấp đường sá và xây dựng nhà máy điện, là một phần trong tổng dự án có tên gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), nhằm mục đích kích thích thương mại xuyên biên giới miền núi giữa hai quốc gia. Những khoản tiền vay mượn liên quan đến CPEC đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nợ tại Pakistan mấy năm qua. Nay họ đang cầu cứu sự giúp đỡ từ quỹ IMF.

Một số giới chức phương Tây đã lên tiếng phàn nàn rằng Trung Quốc đã và đang giăng đặt ra cái “bẫy nợ” để gài bẫy những quốc gia nhận những khoản vay ngắn hạn một cách thiếu thận trọng – với ý tưởng là khi người đi vay vỡ nợ, Trung Quốc có thể đạt được những nhượng bộ, chẳng hạn như quyền sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng. Một ví dụ được cho là liên quan đến việc một công ty Trung Quốc tiếp quản Hambantota, một cảng do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka vào năm 2017, sau khi chính phủ nước này rơi vào tình trạng không đủ khả năng trả nợ.

Đường đi không đến – knowledge.wharton.upenn.edu

Con đường tương lai

Trong khi nhiều quốc gia đang phải đối phó với những cú sốc nợ nần quá lớn và Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở trong nước, người ta lại càng thận trọng hơn khi nói tới dự án Nhất đới Nhất lộ chứ không còn hồ hởi hay cường điệu như thời gian đầu nữa.

Nói rằng dự án Nhất đới Nhất lộ hoàn toàn thất bại và sụp đổ thì không hẳn đúng và chắc chắn Trung Quốc còn lâu mới bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, con đường tương lai của Nhất đới Nhất lộ dường như ngày càng gập ghềnh hơn và nếu không khéo nó có thể trở thành “đường đi không đến”.

VH