Trong thập niên vừa qua, có một môn thi chạy đua ngày càng thêm phổ biến mang tên Vertical Kilometer, viết tắt “VK”. Tiếng Pháp viết ngược thành “Kilomètre Vertical” hoặc “KV”. Tại Hoa Kỳ, ở nhiều nơi dân sành điệu lại thường gọi là “Vertical K”.

Ảnh Broken Arrow Skyrace   

Vertical Kilometer rất thịnh hành bên Âu Châu, là các cuộc đua dài trên dưới 5,000m, với mức đến là đoạn chạy lên dốc đồi núi chừng 1km. Theo nhìn nhận chung, cuộc thi Vertical Kilometer chánh thức đầu tiên diễn ra trên rặng núi Alpine gần thị trấn Cervinia nước Ý, vào ngày 20/8/1994. Ngày nay, Vertical Kilometer nằm dưới quyền điều hành của liên đoàn quốc tế International Skyrunning Federation. Gần đây, cũng đã thấy nỗ lực tổ chức hệ thống tranh đua nhà nghề mang tên Vertical Kilometer® World Circuit.

Trong Anh ngữ, Vertical có nghĩa là chiều thẳng đứng. Vertical Kilometer vì vậy cũng có thể tạm gọi là các cuộc thi chạy đua “cây số thẳng đứng”. Bình thường ra, chạy hết 5km đường bằng phẳng, chừng 3 dặm, nghe không có vẻ gì khó, ngay cả với người ít tập luyện thể thao. Tuy nhiên, sự thể khác hẳn khi thêm vào đoạn kết thúc 1km leo dốc 45 độ (dân sành điệu chạy bộ, thường tập trên các máy “Treadmill”, rất quen thuộc với chỉ số “50% Incline”). Ðó là chưa kể trên thực tế có địa hình hiểm trở, sỏi đá lởm chởm, băng tuyết v.v. Vì những lẽ này, nhiều người đã gọi Vertical Kilometer là cuộc đua gian khổ nhất thế giới, đòi hỏi không chỉ sức khỏe dẻo dai, mà cả thần kinh thép.

Cuộc đua Trentapassi Vertical (Ý). Ảnh Alice Russolo

Trên thế giới, các cuộc đua Vertical Kilometer ngày nay có thể thấy khắp nơi tại Canada, Nhật, Nga, ngay cả China. Tuy nhiên, Âu Châu vẫn là nguồn gốc xuất phát, và cũng từ đây có những cuộc thi VK uy tín nhất hoàn cầu:

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

“Kilomètre Vertical de Fully” ở Thụy Sĩ—1,000m thẳng đứng, trọn đường đua dài 1,920m, kỷ lục: 28 phút 53 giây.

“DoloMyths Run Vertical Kilometer” ở Ý—1,000m thẳng đứng, trọn đường đua dài 2 km, kỷ lục: 31 phút 34 giây.

“Nordkette Seilbahnsteig VK” ở Áo “Austria”—1,000m thẳng đứng, trọn đường đua dài 3.5 km, kỷ lục: 52 phút 16 giây.

“Zegama-Aizkorri VK” ở Tây Ban Nha—1,015m thẳng đứng, trọn đường đua dài 3.4 km, kỷ lục: 34 phút 55 giây.

“Blamann Vertical” ở Na Uy—1,044m thẳng đứng, trọn đường đua dài 2.7km, kỷ lục: 35 phút 20 giây.

Cuộc đua Chamonix’s Vertical Kilometer (Pháp). Ảnh Doug Mayer

“Limone Extreme Vertical” ở Ý—1,100m thẳng đứng, trọn đường đua dài 3km, kỷ lục: 36 phút 02 giây.

“Transvulcania Vertical Kilometer” ở Tây Ban Nha—1,203m thẳng đứng, trọn đường đua dài 7.6km, kỷ lục: 47 phút 22 giây.

“BEI K3” trên đỉnh Monte Rocciamelone ở Ý—3,036m thẳng đứng, trọn đường đua dài 9.7km, kỷ lục: 1h58 phút 53 giây.

Riêng Hoa Kỳ có thể kể như là “kẻ tới sau” trong các cuộc thi đua Vertical Kilometer. Tuy nhiên cũng kịp góp mặt một tên tuổi được nhiều khen ngợi là Lone Peak Vertical K, còn có hỗn danh là “The Rut”, diễn ra hằng năm trên vùng núi non Lone Mountain tiểu bang Montana. Cuộc chạy thi lên dốc với lộ trình cố định 1,107m, trọn đường chạy tổng cộng hơn 4,580m. Lone Peak Vertical Kilometer không chỉ nổi danh với thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được ví như “The Hardest 3-mile Run” (tạm dịch cuộc đua dài 3 dặm gian khổ nhất). Ngoài ra, còn có thể kể thêm vài cuộc thi khác đang mỗi ngày thêm phổ biến:

Cuộc đua Blamann Vertical (Na Uy “Norway”). Ảnh iancorless.com / SWS

Flagstaff Vertical K—chạy đua lên dốc đúng 1,000m trên lộ trình tổng cộng hơn 5km tại thị trấn sơn cước Flagstaff tiểu bang Arizona.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Whiteface Vertical K—chạy đua lên dốc đúng 1,000m trên lộ trình tổng cộng trên 4km trên núi Whiteface Mountain, mạn Bắc tiểu bang New York, một trong 5 cao điểm trên địa lý Hoa Kỳ.

Broken Arrow Skyrace VK—chạy đua lên dốc 945m trên lộ trình tổng cộng hơn 5km ở thung lũng Squaw Valley vùng Ðông Bắc thủ phủ Sacramento tiểu bang California, gần hồ Lake Tahoe.

Trong các cuộc đua Vertical Kilometer, thành công hay thất bại còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quen thuộc, thông hiểu địa thế. Các tay đua dày dạn đều nhớ nằm lòng lộ trình, biết rõ chỗ nên chạy, chạy nhanh hay chậm, chỗ nào cần đi bộ, thậm chí có chỗ phải bò, trườn mới lách người đi được. Có những cuộc đua cho phép dùng gậy, cây chĩa, nhưng các dụng cụ này chưa chắc hữu ích. Nhiều tay đua kỳ cựu mang thêm bao tay vì phần lớn địa hình đòi hỏi người ta phải leo, bám, vịn… Những lúc đó cuộc “chạy đua” hầu như trở thành “bò đua”. Và dĩ nhiên, một bạn đồng hành không thể thiếu của các tay đua là đôi giày. Tay leo núi huyền thoại người New Zealand, Edmund Hillary, sau khi chinh phục đỉnh Mount Everest năm 1953, từng nói “Một Pound dưới chân nặng bằng 5 Pounds trên lưng.” Khi leo núi, hay ở đây là chạy đua “cây số thẳng đứng”, đôi giày mang trong chân cần bền, chắc, nhưng cũng phải thật nhẹ để không trở thành chướng ngại vật.

Ảnh commons.wikimedia.org

TTD