Như chúng tôi đã đưa tin cuộc Diễn hành Văn hóa Quốc tế lần thứ 34 tại New York diễn ra vào ngày 8 tháng 6 thì trước đó một ngày, sáng ngày 7 tháng 6 năm 2019, một phái đoàn Việt Nam mà nhân sự xuất phát từ một số tiểu bang của Mỹ, từ Pháp, từ Canada đã có mặt tại trụ sở Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại New York, với mục đích là dâng Thỉnh nguyện thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp Tự do Nhân quyền – Tự do Tôn giáo cho Việt Nam. Những người trong phái đoàn này đã kết hợp 2 mục đích trong chuyến đi là tham gia Diễn hành Văn hóa Quốc tế và tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam.
Bác sĩ Hữu Võ đến từ California đã chia sẻ với phóng viên SaigonTV lý do phái đoàn đến đây: “Sáng nay tôi dẫn đầu phái đoàn và có mặt tại Văn phòng Nhân quyền LHQ theo lịch hẹn là nhằm thảo luận về các vấn đề nhân quyền Việt Nam với cơ quan Nhân quyền LHP. Chúng tôi may mắn được sống trên một đất nước tự do. Nhưng Việt Nam cùng một số quốc gia khác lại không được tự do, vì vậy chúng tôi muốn làm việc vì một thế giới thịnh vượng – dân chủ – hòa bình”.
Các đại biểu đến từ Calgary, Montreal Canada; Boston, South & North California, NJ, Houston… gồm nhiều giới, nhiều hạng tuổi và cùng chung một điểm là muốn kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ rà soát lại vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Hầu hết các anh chị trong đoàn đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong tay là hồ sơ, tài liệu để trình bày; là những chứng cứ thu thập để làm sao đủ thuyết phục được LHQ quan tâm về vấn đề nhân quyền Việt Nam, nơi mà người dân kém may mắn phải sống trong chế độ cộng sản.
Từng đại biểu đã lần lượt nói lên nguyện vọng đấu tranh bảo vệ nhân quyền, môi trường sạch, kêu cứu cho dân oan bị đàn áp, bị bắt nhốt lao tù chỉ vì lòng yêu nước. Những trường hợp tiêu biểu được nêu lên như trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Ngọc Ánh, những tù nhân lương tâm, những nhà bất đồng chính kiến, các TPB VNCH…
Thực tế bao nhiêu năm nay, nhiều phái đoàn đã không ngại đường xa gõ cửa LHQ để nói lên tiếng nói đấu tranh cho quê hương, hy vọng LHQ có giải pháp thực thi, tạo áp lực quốc tế buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại cho nhân dân các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền cơ bản.
Cô Tana Thái Hà đến từ Montreal, Quebec cho rằng: Chúng tôi may mắn đang hít thở bầu không khí tự do hàng ngày trên xứ sở thịnh vượng, dân chủ nhất thế giới; nhưng không quên ý thức rằng Tự do không bao giờ miễn phí! Tự do là vô giá! Cũng như “History can be well written only in a free country” (Voltaire).
Sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào 1977, đã ký Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị 1982, nhà nước Việt Nam vẫn không tôn trọng nhiều quyền tự do của người dân như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội…
Mặc dù các quốc gia khối Liên hiệp Châu Âu ( EU) và Quốc Hội Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam song sự vi phạm nhân quyền trở thành một hệ thống ngấm ngầm lẫn công khai bất chấp dư luận. Thay vì tôn trọng, lắng nghe, nhà cầm quyền càng gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến nhằm bảo vệ quyền lợi cho đảng CS.
Chia sẻ với phóng viên Trẻ, mục sư Nguyễn Công Chính cũng thể hiện quan điểm của ông là cần bảo vệ dân tộc đang bị kìm hãm dưới sự điều hành của một chế độ ác độc, đã làm mọi giá trị đạo đức, văn hóa bị đảo lộn.
Riêng Sinh Cẩm Minh, Chánh trị sự đạo Cao Ðài từ tiểu bang Tennessee đến để lên tiếng vì sự đàn áp, lũng đoạn đạo Cao Ðài tại Việt Nam, và không chỉ có Cao Ðài mà Phật giáo và những tôn giáo khác nữa.
Trước ống kính của truyền thông California, Thạch Thảo không giấu tâm tư: “Ra đi mang theo quê hương, nhìn về đất mẹ với nỗi giằng xé cùng cảm xúc xót xa, tôi cảm thấy cần lên tiếng cho những người không được quyền nói tại quê nhà trong sự tranh đấu để có được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo. Họ vô cùng khó khăn và bị nhiều thách đố trước rào cản không lắng nghe của nhà cầm quyền. Sự hoạt động của LHQ thực sự chưa hiệu quả tích cực. Hình thức “Quốc tế vận” vấp phải hướng giải quyết còn hạn chế. Chúng tôi đã chờ đợi thời gian không phải là ngắn; chúng tôi luôn ước nguyện LHQ sớm giải quyết những thỉnh nguyện từ các tổ chức khác nhau của người Việt hải ngoại đấu tranh cho Việt Nam”.
Không phải chỉ có từ bây giờ, hôm nay… mà từ khi cộng sản cai trị độc tài ở VN, bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ vì công chính đã lên tiếng tại LHQ, hết lớp này, đến lớp khác. Chúng tôi sẽ còn lên tiếng khi nào VN chưa có nhân quyền. Ðó là thông điệp của những người đấu tranh.
Tường trình từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại New York; rất tiếc trong phòng hội của Cao Ủy LHQ không được phép chụp hình.
TT
Houston, TX