Hân Nguyễn –

Người ta nói “thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ”, quả đúng như thế. Ngoảnh qua ngoảnh lại, nghề nails gắn bó với tôi được hơn tám năm rồi. Ban đầu tôi nghĩ công việc làm thợ nails chỉ làm tạm thời cho qua những ngày tháng tồi tệ trong việc giải quyết tài chánh gia đình khi tôi bị thất nghiệp vì một lỗi lầm “làm ơn mắc oán” mà tôi xin kể nhanh để các bạn hiểu, lý do gì tôi lại chọn nghề nails làm cứu cánh mưu sinh.

Tôi từng là một ý tá trưởng trong một bệnh viện ở Sài Gòn. Sang Mỹ định cư do ông anh vợ bảo lãnh. Ban đầu tôi tưởng cái nghề của mình chắc là có ích ở xứ này, không khó kiếm việc làm. Nhưng tôi đã lầm, muốn làm y tá phải có bằng cấp học đại học bốn năm năm, tiếng Anh nói lưu loát. Thời gian đâu tôi phải đi học, tiếng Anh đâu để tôi nghe hiểu thông suốt. Tiền đâu trang trải chi phí sinh hoạt gia đình trong khi vợ tôi lại ốm đau liêng miêng. Rồi còn hai đứa con nhỏ phải lo chăm sóc. May thay mẹ vợ tôi nhận thay việc này. Tôi lao vào mọi công việc tay chân để kiếm tiền lo cho gia đình.

Không làm thầy thì làm thợ. Tôi xin vào làm hộ lý chăm sóc người bệnh trong một nursing home. Mỗi ngày dìu người bệnh đứng dậy tập vận động, đi lấy thuốc, mang nước uống thức ăn vào phòng bệnh. Thậm chí nhiều khi phải đổ bô, thay tả, lau chùi tắm rửa cho bệnh nhân. Ấy vậy, ông trời chắc không muốn cho tôi làm nghề này. Một hôm, tôi đang đứng nói chuyện với một anh lao công thì có một bệnh nhân già bước ra từ phòng bệnh. Ông đi gần đến chỗ tôi thì trượt chân té ngã. Theo bản năng, tôi dang tay đỡ ông. Nhưng thân hình ông quá nặng, tôi cũng trượt theo ngã sấp đè lên ông.

Kết quả xét nghiệm, ông bị nứt xương sườn, còn tôi bị đuổi việc. Sao lại oái oăm thế này. Làm ơn không đúng chỗ, chính tôi bị té đè ép lên ngực ông làm nứt xương. Tôi không đủ tiếng Anh để giải thích nỗi oan của mình, thôi đành cuốn gói về nhà mà lòng buồn rười rượi.

Nghe bạn bè nói, nghề nails dễ kiếm tiền lại không cực công cho lắm. Đàn ông làm nails tôi lại thấy kỳ kỳ làm sao. Nghề này dành cho nữ giới, đàn ông nhảy vô làm liệu có hợp với một người từng có cách nghĩ như tôi. Một người chị bà con bên vợ khuyên tôi nên đi học nails. Chỉ mất ba tháng thôi, ra nghề, nếu thích về tiệm của bà, không lo thu nhập gấp đôi đi làm hộ lý.

Thế là tôi thành thợ nails sau ba tháng âm thầm đi học nghề. Nghĩ tới bà chị mở lời giúp đỡ, tôi vẫn thấy ngại. Làm cho gia đình lỡ có chuyện gì không hay thì đầy phiền phức. Tôi kiếm mấy tờ tạp chí giở mục rao vặt ra tìm việc. Tôi gọi điện thoại hai ba chỗ nhưng mấy nơi này cần thợ nữ chứ không cần thợ nam. Sao lại phân biệt giới tính như thế này! Cuối cùng có một tiệm tuy hơi xa nhà một chút nhận tôi làm thợ.

Ngày đầu đến làm tôi cứ lo ra không biết mình có làm được việc không. Mãi đến trưa bà chủ mới kêu tôi làm bộ móng cho một vị khách đàn ông. Té ra đàn ông làm thích làm đẹp nữa sao. Bà chủ nói, nhiều lắm chứ, đặc biệt các quân nhân đóng quân ở một căn cứ gần đây thường hay ghé tiệm. Đàn ông thường hay cắt móng, dũa gọn sạch sẽ là được, dễ làm lại nhanh.

Sau khi ngâm tay chân vị khách vào bồn nước cho mềm da, tôi bắt đầu công việc. Bàn tay của vị khách to con sao mềm mại thế, những ngón tay thon đều có khác gì phụ nữ. Tôi làm việc theo trình tự các bước mà trong đầu nghĩ cứ vẫn vơ và cứ tưởng đây là bàn tay của người đàn bà. Tôi máy móc, vói tay lấy lọ sơn móng mà chẳng cần hỏi khách thích màu gì. Người khách ngồi im, thoải mái nói chuyện bâng quơ với bà chủ. Đến khi tôi xực tỉnh, thôi chết rồi, tôi đã sơn lên móng cả một bàn tay của người khách. Đến lúc này, tôi hốt hoảng xin lỗi, vị khách cũng tròn mắt nhìn bàn tay mình và chăm chăm nhìn thẳng vào mặt tôi.

Bà chủ cũng ngỏ lời xin lỗi khách, giải thích chuyện tôi mới vào nghề rồi kêu tôi lấy thuốc ra chùi sạch cho vị khách. Nhưng ông khoát tay nói: “Oh my God!  Very beautiful. I like it. Thank you so much…”. Trước khi ra về, vị khách móc bóp lấy ra tờ 50 dúi vào tay tôi nói là tiền tip vì làm đẹp một bàn tay của ông. Tôi thừ người, phải chi tôi tỉnh hồn chậm một chút sơn luôn hai bàn tay của vị khách. Tiền dễ kiếm vậy sao?

Tất nhiên tiền kiếm không dễ. Bà chủ nói: “May vị khách này là người đồng tính, thường xuyên đến tiệm nhưng chưa bao giờ sơn móng”. Không biết tôi khơi màu sơn mà ông yêu thích hay ông ta yêu thích tôi mà ông rộng rãi cho tiền tươi một cách hào phóng như thế này. Thế là từ đó về sau, mỗi tháng ông đến tiệm hai lần, lần nào cũng muốn tôi phục vụ cho ông. Không chỉ thế, bà chủ còn giao cho tôi phụ trách phục vụ các vị khách đàn ông khác. Khách riêng của tôi không nhiều nhưng ổn định nhờ tay nghề tôi vững vàng. Có lẽ tôi có năng khiếu với nghề nails. Đây gọi là nghề tìm người chứ không phải người tìm nghề.

Hân Nguyễn