Một người bị bệnh mất trí nhớ không chỉ ảnh hưởng tới bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới gia đình và người thân. Chăm sóc, và nhất là nói chuyện với người bị bệnh mất trí nhớ là điều vô cùng khó khăn, vì vậy thân nhân hay người chăm sóc cần phải tìm hiểu, học và nhờ sự giúp đỡ của người chung quanh. Dưới đây là những điều cần thực hiện để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và vui hơn.

1. Tránh sự phân tâm. Khi cần nói chuyện với người bị mất trí nhớ, nên tìm một chỗ yên tĩnh. Những sinh hoạt ồn ào chung quanh như TV, tiếng nhạc, trẻ em chạy giỡn chung quanh…đều gây ra phân tâm và làm người bệnh càng khó thu nạp những thông tin. Môi trường yên tĩnh sẽ giúp người bệnh tập trung để hiểu điều mà người đối thoại nói.

2. Ba nguyên tắc cần nhớ. Nên nhớ rằng khả năng nghe và nhận thức của người bệnh đã suy giảm vì tuổi già vì vậy khi nói chuyện với người bệnh phải có (1) thái độ nhẹ nhàng, (2) lời nói phải ngắn gọn và (3) rõ ràng. Không nên lặp lại câu nói vì người bệnh nhận thức chậm và cần có thời gian để kết nối lại thông tin trong não. Lặp lại hay hỏi một câu khác càng làm họ bị phân tâm và khó suy nghĩ hơn.

3. Nói chậm. Đời sống hiện tại làm chúng ta quen với cách nói nhanh và vội vàng. Nhưng đối với người bị bệnh mất trí nhớ, tìm chữ trở nên hết sức khó khăn. Khi nói chuyện với người bệnh chúng ta đừng nên tìm chữ giúp cho họ mà kiên nhẫn chờ. Nhắc nhở sẽ làm họ phân tâm và gây trở ngại cho tiến trình nói của họ. Ngoài ra, cần phải nói với họ thật chậm vì họ cần thời gian để hiểu được lời của người nói chuyện. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh cần có ít nhất 90 giây để xử trí thông tin và hoàn toàn hiểu lời của người đối thoại. Nếu lặp lại câu nói, họ lại phải xử trí thông tin lại từ đầu.

Xem thêm:   Đau nhức (kỳ 2)

4. Tránh dùng các đại từ. Người bị bệnh mất trí nhớ dễ quên những điều vừa mới xảy ra, có khi chỉ mới một phút trước. Dùng các đại từ như nó,họ… làm cho người bệnh phải liên hệ lại và phân biệt bối cảnh xảy ra lúc trước. Vì vậy nên dùng từ có tính chính xác. Ví dụ thay vị nói “nó đi chợ mua bánh mì” thì nên nói là “bé Hoa đi chợ mua bánh mì”.

5. Tôn trọng. Nên nhớ rằng người bị bệnh mất trí nhớ không phải là trẻ con cho dù họ có nhiều hành vi hay cách cư xử như trẻ con. Lúc nào cũng phải đối xử họ như một người lớn.

6. Nhắc chuyện xưa. Người bị bệnh thường quên những chuyện mới xảy ra, nhưng lại có thể nhớ những chuyện đã qua từ lâu. Vì vậy người thân khi nói chuyện với họ nên nhắc tới chuyện cũ đã xảy ra trong thời gian lâu trước đây. Điều này sẽ giúp cho việc đối thoại với họ dễ dàng hơn và cũng mang lại cho họ cảm giác vui vẻ hạnh phúc.