Cholesterol là một chất sáp do gan sản xuất và có trong mọi tế bào cơ thể, giúp tạo ra hormone, vitamin D và các tế bào khỏe mạnh, tiêu hóa thức ăn béo… Có hai loại: (LDL) – cholesterol “xấu”, mang các hạt chất béo đi khắp cơ thể, nếu tích tụ trên thành động mạch có thể cản trở dòng chảy của máu và dẫn đến cục máu đông, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ; (HDL) – cholesterol “tốt” vì thu nhận các LDL và đưa trở lại gan để bài tiết. Có những hiểu lầm đến nỗi nhiều người không dám ăn trứng vì sợ mức cholesterol tăng cao.

HIỂU SAI: Thực phẩm chứa cholesterol không tốt cho sức khỏe.

SỰ THẬT: Đúng, nhưng không phải tất cả.

Thấy mức LDL cao ta thường đổ tội cho thực phẩm. Nhưng chỉ những sản phẩm giàu chất béo bão hòa mới làm tăng cholesterol trong máu.

Thủ phạm tồi tệ nhất là các sản phẩm từ sữa có chất béo cao, thịt đỏ và thực phẩm đã biến chế như lạp xưởng. Cách tốt nhất là thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa; ví dụ thay bơ bằng bơ thực vật mềm, dùng dầu thực vật như dầu hướng dương, hoặc ô liu.

HIỂU SAI: Nếu cholesterol cao sẽ cảm nhận được.

SỰ THẬT: Chỉ có thử nghiệm mới biết

Cách duy nhất để biết có cholesterol cao hay không là xét nghiệm, nên bắt đầu ở tuổi 30 hoặc thậm chí 20 tuổi vì có thể cứu nhiều sinh mạng hơn. CDC khuyến cáo người từ 21 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol mỗi 4 đến 6 năm và trẻ em nên kiểm tra lần đầu trong độ tuổi từ 9 đến 11.

Xem thêm:   Đau nhức (kỳ 2)

HIỂU SAI: Có thể ngừa cholesterol cao bằng tập thể dục và ăn kiêng.

SỰ THẬT: Nếu đó là di truyền, bạn không thể tránh được.

Nhiều người thường xuyên tập thể dục, tập tạ, ăn uống lành mạnh nhưng cao cholesterol. Đó là vì bị familial hypercholesterolemia (FH – chứng tăng cholesterol gia đình). FH do di truyền, không có triệu chứng và xảy ra ở khoảng 1 trong 250 người, chỉ xét nghiệm mới biết. Người bị FH cần dùng thuốc mới có thể giảm cholesterol xuống mức lành mạnh.

HIỂU SAI: Statin thường có tác dụng phụ không tốt.

SỰ THẬT: Rất hiếm.

Statin làm giảm sản xuất cholesterol xấu bằng cách ngăn chặn một loại enzym trong gan giúp tạo ra nó, và giữ cho các mảng bám trong động mạch không bị vỡ ra, gây cơn đau tim hoặc đột quỵ. Chúng là một loại thuốc làm giảm nguy cơ về tim đến 30%.

Statin được sử dụng từ những năm 1980, nhưng đã trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch. Có tin đồn chúng gây ra tiểu đường loại 2, ung thư và mất trí nhớ. Một nghiên cứu năm 2020 của Johns Hopkins Medicine cho thấy statin  có thể tiêu diệt các tế bào ung thư.

Các nghiên cứu trong năm 2016 trên 400,000 người Mỹ thường xuyên dùng statin cho thấy trong khoảng thời gian 4 năm, nam giới giảm 12% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và nữ giới giảm 15%.