Nói chung, đi thăm người bệnh dù ở nhà hay trong nhà thương đều cùng một mục đích bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với một người thân, một người bạn đau ốm đang rất cần sự hỏi han thông cảm.
Nhiều khi người bệnh nằm bất động, không nói năng gì được, thì một ánh mắt, một nụ cười, một vẻ mặt lo âu cũng nói lên rất nhiều điều giúp bệnh nhân thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua cơn bệnh. Có mặt bên giường bệnh, chân thành thăm hỏi một người, bao giờ c ũng là một nghĩa cử bình dị nhưng đẹp đẽ mà ai cũng phải có.
Khi biết có người quen hay bạn bè bị bệnh, việc đầu tiên là hỏi xem họ bệnh gì, bao lâu rồi, đã chạy chữa thế nào, hiện trạng sức khỏe ra sao và giờ giấc được đến thăm để ta chuẩn bị, sao cho thuận tiện nhất cho người bệnh và cả người nhà của họ. Chẳng nên đến thăm mà lại làm người bệnh, người nhà thấy bị quấy rầy, phiền nhiễu, khó xử cho cả hai bên. Khi bệnh nhân không tỉnh, đi thăm lại có ý nghĩa chia sẻ với người nhà là chính.
Cần hiểu rõ gia cảnh, tính cách của người bệnh và cả người thân để lựa chọn chút quà đến thăm “của ít lòng nhiều” có ý nghĩa và thiết thực. Bệnh nhân đang phải truyền dịch mà lại mang biếu cam biếu trứng thì khá vô duyên, phải chữa ngượng “thôi thì cho con cháu có sức khỏe còn trông nom cụ”. Quà thăm người ốm cần hiểu theo nghĩa cả vật chất và tinh thần, một bó hoa, một bài báo, một quyển sách hay… cũng có tác dụng giúp bệnh nhân yêu đời, lạc quan.
Hiện nay, kiểu phong bì lại có giá trị thiết thực nhất vì tạo điều kiện cho gia đình tiện chi tiêu, mua sắm những vật dụng cần thiết.
Thăm viếng tốt nhất chỉ nên khoảng mươi phút, lý do: không làm mệt bệnh nhân, hạn chế sự tiếp xúc có thể là nguy cơ nhiễm trùng, không chuyện trò lâu dễ lọt ra những thông tin bất lợi làm người bệnh suy nghĩ, xúc động. Tuyệt đối không được ngồi lên giường bệnh, cũng không phải lúc quàng vai bá cổ ôm hôn nhau. Thấy có biểu hiện mệt mỏi phải xin phép ra về.

Bảo Huân
MH – theo BS Đào Thế Tân