Hàng xóm láng giềng là những người gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày – tối lửa tắt đèn cũng có nhau. Ðó là trong xã hội Việt Nam ngày trước. Thời đô thị hóa như bây giờ đã có nhiều đổi khác. Ở Mỹ trong xã hội đa sắc tộc lại càng có nhiều dị biệt. Có những khu dân cư đông đúc, xô bồ, người lớn trẻ con kéo nhau ra đường trò chuyện, chơi đùa. Có những khu biệt lập, nhà cửa cách xa nhau, cửa đóng suốt ngày đêm. Vân vân…

Trong một bài viết có tựa đề Hàng Xóm Của Tôi, đăng trên Việt Báo Online, một bà người Việt ký tên Huyền Thoại kể lại:

Hôm đầu tiên, ông hàng xóm bên tay trái chạy ra dòm chúng tôi lom lom. Ðó là một ông già da trắng, khoảng 80 tuổi, dáng người tầm thước, đầu tóc bạc phơ. Thấy ông, tôi mỉm cười và lên tiếng “hello”. Nhưng nụ cười của tôi bỗng rơi rụng vì chạm phải cái gương mặt lạnh như tiền của ông. Cầm tờ báo chạy sang, ông lừng lững nói:

– Tôi hy vọng chúng ta sẽ thuận thảo với nhau!

Tôi hơi bỡ ngỡ với đòn đánh “preempt” (đòn phủ đầu) của ông, nhưng cũng vui vẻ trả lời:

– Tại sao không, thưa ông. Nếu ông tử tế với tôi, tất nhiên tôi phải tử tế lại với ông chứ, phải không ạ.

Xem thêm:   Sinh hoạt trong gia đình

Ông ta vẫn hà tiện, không cười. Ông nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi:

– Bà ở đâu đến?

– Tôi ở thành phố kế cận, cách đây khoảng 20 miles.

– Tôi muốn hỏi bà người nước nào kia! Tàu, hay là Phi?

– Ồ, tôi là người Việt.

– “Việt Nam” À, Việt Nam và cái ông Nixon! Tôi biết Việt Nam ở đâu và cái chiến tranh bẩn thỉu đó!

… Ngày thứ hai, tôi gặp ông hàng xóm bên tay phải. Ông này khoảng trên 60 tuổi, dáng người cao lớn. Lúc tôi đứng trước sân, ông mang sang một chai rượu vang và một giỏ lan màu vàng.

– Hello, chào bà, tên tôi là Allen. Tôi có chút quà để chào mừng hàng xóm mới!

Ông trao rượu và hoa cho tôi. Cảm động quá, tôi đỡ hai món quà từ tay ông và nói:

– Tôi tên Quỳnh Anh. Rất hân hạnh được biết ông.

– Ồ, bà tên Queen Ann hả! Cái tên hay quá.

Tôi vội vàng đánh vần tên tôi và giải thích:

– Ðó là tên Việt Nam của tôi.Nhưng ông có thể gọi tên Mỹ của tôi là Anne.

– Ồ, bà người Việt Nam hả! Tôi đã từng đi chiến đấu bên Việt Nam. Hồi đó tôi ở Ðà Nẵng.

Tôi thường cảm động mỗi khi có người nhận là đã từng chiến đấu bên quê hương của mình, nên tôi tỏ vẻ thân thiện với Allen:

Xem thêm:   Trong đời sống ở Mỹ

– Xin mừng ông sống còn. Mời ông vào nhà để tôi giới thiệu ông với các con của tôi.

(còn tiếp)