Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ cho biết, mẹ uống rượu có hại tới con không? Bà Vân Kh.

Đáp

Thưa bà Kh,

Rượu là một trong những chất có thể đi vào nhau thai. Khi mẹ uống thì con cũng uống. Ðứa con của người mẹ uống rượu có thể nghiện rượu khi còn nằm trong dạ con. Các nhà chuyên môn chưa thống nhất về lượng rượu có thể uống khi có thai. Một số cho rằng 1 hoặc 2 ounces có lẽ không có hại; các vị khác lại cho rằng phụ nữ có thai nên giới hạn một ly rượu vang mỗi ngày. Cũng giống như ghiền thuốc lá hay heroin; trẻ sinh từ người mẹ nghiện rượu sẽ có các dấu hiệu của “nhớ” rượu, gây ra những rủi ro cao cho bé sau này.

Ăn chay

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ vui lòng giải thích cho chúng tôi, “ăn chay” có nghĩa là gì và bao lâu chúng tôi nên ăn chay? Minh N

Đáp

Từ Chay bắt nguồn từ chữ “Trai” trong tiếng Hán, có nghĩa là giữ cho lòng dạ thanh tịnh để đạt đến một trạng thái tinh thần nào đó. Khi có tâm nguyện lớn lao, hay muốn tập trung tinh thần vào một việc gì, người xưa thường luôn bắt đầu bằng cách “giữ gìn trai giới”.

Mỗi tôn giáo có cách ăn chay khác nhau. Chẳng hạn ăn chay theo Hồi giáo (như trong tháng Ramadan) khác với ăn chay theo Thiên Chúa giáo và cũng không giống với ăn chay theo Phật giáo.

Khái niệm ăn chay thường được hiểu là “không ăn thịt, cá hoặc bất cứ thức ăn nào có nguồn gốc động vật”. Như vậy người ăn chay chỉ ăn rau, trái, các loại hạt, củ… Tuy nhiên, cũng có người ăn chay chấp nhận dùng thêm trứng, sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa.

Ăn chay đã được thực hiện hàng ngàn năm nay. Gần đây, phong trào không ăn thịt, chỉ ăn rau trái được nhiều người quan tâm, ngay cả các nhà nghiên cứu khoa học và giới y học. Và do có nhiều kết quả tích cực, mang lại sức khỏe đã được chứng minh, nên việc ăn chay hiện đang được rất nhiều người áp dụng.

Một nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng ở Trung Hoa cho thấy, đa số dân chúng ở nông thôn ăn nhiều rau trái, ít thịt động vật, nhiều bột, nhiều chất xơ nên cholesterol trong máu của họ rất thấp, họ ít bị các bệnh tim, béo phì, tiểu đường, loãng xương…

Từ nhận xét đó, một nhà nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe, bác sĩ Collin Campbell của trường Ðại học Cornell đã kết luận: “Nói về nguồn gốc, con người thuộc loại ăn rau trái. Do đó ta nên ăn nhiều loại thực phẩm rau trái, thực vật  và giới hạn thực phẩm từ động vật để có sức khỏe tốt”.

Bảo Huân

Thử nghiệm

Hỏi

Mỗi lần đi bác sĩ khám bệnh, tôi thường thấy họ làm nhiều thử nghiệm. Vậy, mục đích của thử nghiệm là? Xin bác sĩ kể sơ qua. Cảm ơn bác sĩ.  Ninh V.

Đáp

Thưa ông V,

Thử nghiệm có nhiều mục đích:

– Sàng lọc (sceen) những rủi ro, bệnh không ngờ tới trong khi sức khỏe bình thường. Nhờ đó có thể chữa sớm và ngừa được các biến chứng trầm trọng. Chẳng hạn, bệnh cao huyết áp, nếu điều trị sớm thì tránh được tai biến não, cơn suy tim;

– Tìm lý do, nguyên nhân gây ra những khó chịu trong cơ thể;

– Giúp định bệnh chính xác, biết rõ là bệnh gì;

– Lựa phương thức trị liệu hữu hiệu cũng như gia giảm liều lượng thuốc;

– Theo dõi kết quả trị liệu. Chẳng hạn tiểu đường cần đo đường trong máu để điều chỉnh thuốc; viêm gan để coi hiện trạng gan ra sao;

– Tìm tác dụng phụ gây ra do trị liệu, dược phẩm: uống thuốc lợi tiểu trong cao huyết áp đưa đến giảm potassium; hoặc để đo mức độ thuốc trong máu.

– Phân biệt nhiều dạng bệnh có triệu chứng ít nhiều tương tự. Chẳng hạn đau ngực có thể từ tim, bao tử, bắp thịt, căng thẳng stress. Ví dụ: kết quả tâm điện đồ bình thường giúp loại bỏ bệnh tim;

– Sàng lọc và tìm ra những bất thường có thể gây rủi ro cho xã hội (say rượu gây tai nạn, lây lan liệt kháng, viêm siêu gan…)

Ngoài ra, các thử nghiệm đều khách quan sẽ tăng cường, hỗ trợ các dữ kiện chủ quan do người bệnh kể và do bác sĩ tìm ra trong khi khám bệnh.

Bảo Huân

NYD