Thuật ngữ ‘fairy tale – truyện cổ’ được hình thành vào thế kỷ 17. Trước khi được ghi chép lại, những truyện này đã lan truyền ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và được thuật lại bằng cách truyền miệng bởi những người kể chuyện khác nhau, được thay đổi và thêm thắt, theo sở thích và hoàn cảnh. Những người ghi chép chuyện chỉ là những kẻ sưu tầm, chứ không phải người sáng tạo. Dù là những chuyện có thể hoang đường, nhưng chúng vẫn luôn hấp dẫn và trường tồn.
KỲ chót
Charles Perrault
Pháp, 1697
Nhà văn Charles Perrault ở Paris được tôn vinh là người đã tạo ra thể loại truyện cổ. Trong phần lớn đời mình, ông làm việc trong các cơ quan chính phủ và là thư ký cho Học viện Chữ khắc và Văn học Belles-Lettres, một hiệp hội học giả được thành lập năm 1663.
Ông cũng hợp tác với Vua Louis XIV để thiết kế các khu vườn của Cung điện Versailles. Rõ ràng là các câu chuyện dân gian và văn học huyền bí đã sớm truyền cảm hứng cho Perrault, nên ông đã đề xuất việc thêm vào 39 đài phun nước trong mê cung của Versailles, mỗi đài tượng trưng cho một câu chuyện trong tuyển tập nổi tiếng của Aesop.
Ở tuổi 55, Perrault đã nghỉ hưu và dành thời gian cho việc viết lách, chủ yếu tập trung vào thi phú. Mãi đến năm 60 tuổi, ông mới bắt đầu viết bộ sưu tập truyện cổ của mình, một nỗ lực mà ông thực hiện để dành thời gian cho các con.
Ông lấy cảm hứng từ những câu chuyện được kể trong các salon ở Pháp thế kỷ 17, viết chúng ra giấy và xuất bản thành cuốn ‘Histoires ou Contes du Temps Passé’ (Truyện và Chuyện của Quá khứ) vào năm 1697. Phụ đề của cuốn sách là ‘Les Contes de ma Mère l’Oye’ (Những Câu Chuyện của Mẹ Ngỗng) và bao gồm các phiên bản của những câu chuyện dân gian như Nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Chú Mèo Đi Hia và Cô Bé Lọ Lem, mà ông lấy cảm hứng từ ‘Tale Of Tales – Câu Chuyện của Những Câu Chuyện’ của Giambattista Basile. Khi được xuất bản, bộ truyện cổ của Perrault đã trở nên rất mực thành công và phổ biến. Dịp này được coi là sự ra đời của thể loại truyện cổ như chúng ta xếp loại ngày nay.
(Theo All about History)