Câu hỏi:

Tôi được bố mẹ chỉ định là người làm giấy tờ, thủ tục để phân chia tài sản cho các anh chị em trong nhà sau khi bố mẹ qua đời. Trong 6 người con, tôi là người duy nhất dùng tất cả thời gian tôi có để chăm sóc bố mẹ khi 2 người bắt đầu già yếu, bệnh tật. Giờ cả hai bố mẹ đã mất. Từ hồi tôi chăm sóc bố mẹ đến giờ, tôi chưa hề lấy một đồng bạc nào hay hưởng lợi gì.

Trước đây, tôi từng nhiều lần nói với mấy người trong nhà là tôi muốn mua lại căn nhà của bố mẹ sau khi mất để giữ lại làm nhà thờ tổ tiên. Nhưng sau khi bố mẹ mất, các anh chị em chỉ muốn treo bảng bán căn nhà này với giá cao nhất trên thị trường rồi sau đó chia đều hết cho tất cả các anh chị em. Nếu tôi muốn mua thì tôi phải mua lại với giá mắc nhất đó.

Tôi rất bực mình cho sự tham lam của anh chị em nên tôi nói với họ nếu họ chỉ cho tôi mua với điều kiện tôi phải mua với giá mắc nhất trên thị trường thì họ phải trả công mà tôi đã bỏ ra chăm sóc bố mẹ cả chục năm qua.

Là người được bố mẹ chỉ định đứng ra giải quyết giấy tờ, thủ tục luật pháp và phân chia tài sản cho các anh chị em, tôi có thể nào tự trả cho mình một số tiền cho thời gian, công sức tôi phải bỏ ra để lo giải quyết công việc, giấy tờ tòa án trong việc phân chia tài sản kế thừa không?

Trả lời:

Bạn cảm thấy anh chị em không công bằng với mình trong việc phân chia tài sản thừa kế dù bạn là người duy nhất chăm sóc bố mẹ già yếu, bệnh hoạn là việc xảy ra thường xuyên trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, đây là một vấn đề tế nhị và khá nan giải, khó có thể dễ dàng giải quyết để vừa lòng mọi người.

Thường người con chăm sóc cha mẹ già ban đầu làm là vì tinh thần trách nhiệm và có thể là người có hoàn cảnh thuận lợi hơn những anh chị em khác. Nhưng không ngờ nó trở thành một trách nhiệm có thể kéo dài nhiều năm một cách mệt mỏi. Những người con khác trong nhà có thể cho đó là việc đương nhiên của người con đó, trong khi họ lại không thể hoặc thiếu nỗ lực phụ giúp vì hoàn cảnh gia đình họ hay công việc mà dù họ cũng có phần nào cảm thấy áy náy, tội lỗi… nhưng dần rồi họ cũng “lờn” và cảm giác tội lỗi đó cũng không còn đè nặng tâm trí họ nữa.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng

Cũng có những trường hợp, một số người con lại cho rằng việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão để chính phủ lo hết là việc đương nhiên, nên một người con  nào đó tự lãnh nhận trách nhiệm này là do chính người con đó muốn, nên chẳng cần phải mang ơn gì.

Những nhu cầu cần thiết hằng ngày cho bố mẹ già, người con gần gũi thường trở thành người phải lãnh nhận trách nhiệm nhiều nhất. Trong khi đó nếu gia đình có thể tiên đoán trước được những diễn tiến bệnh lý của bố mẹ già và những nhu cầu, trách nhiệm của việc này thì có lẽ cách giải quyết đã có thể khác đi. Chẳng hạn các anh chị em họp bàn và chia “ca” để cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già một cách đồng đều hơn.

Cũng như việc phân chia tài sản thừa hưởng có thể trở thành một vấn đề mà các anh chị em cùng bố mẹ có thể bàn và thỏa thuận trước với nhau để trả thêm tiền cho người phải lãnh nhận nhiều hơn trách nhiệm chăm sóc bố mẹ. Nhưng đây là một vấn đề nhạy cảm mà ít gia đình nào bàn bạc với nhau trước.

Có người sẽ đặt dấu hỏi rằng vậy người chăm sóc bố mẹ nhiều hơn là vì thương yêu, quan tâm đến bố mẹ hay chỉ vì tham lam muốn “dụ” bố mẹ già yếu để dành phần hơn của tài sản thừa kế? Rồi có khi việc chăm sóc bố mẹ già như thế nào là tốt nhất cũng là một vấn đề gây tranh cãi, xung khắc giữa các anh chị em.

Tôi đã từng có khách hàng gọi điện thoại cho tôi và tỏ ra rất bực tức vì người em “giành chăm sóc” mẹ già chỉ để được lấy tiền già và tiền trợ cấp mà chính phủ cho bà cụ hàng tháng, trong khi đó người em chỉ đem bà cụ ra tiệm giặt ủi của mình và bắt bà cụ ngồi đó cả ngày dù bà cụ đã yếu và rất mệt mỏi khi phải ngồi cả ngày như vậy. Khi người chị nghỉ việc trong hãng để ở nhà chăm sóc mẹ già và cần tiền già của mẹ để phần nào giúp chi phí hằng tháng của chị vì chị không còn income nữa thì người em “giấu” mẹ già không cho người chị tới thăm hay không cho chị đón mẹ về nhà nữa. Sau đó người chị tìm ra chỗ mà người em giấu mẹ để đem mẹ về nhà chăm sóc vì đó là ý nguyện của người mẹ thì người em không cho.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ 3)

Người chị phải gọi cảnh sát. Cảnh sát giải thích với người em là họ không được “giữ” bà cụ trái với ý nguyện của bà. Sau đó người em bị bắt buộc phải cho người mẹ đi theo chị mình.

Nhưng dù người chị là người chăm sóc bà cụ hằng ngày, người em lại tiếp tục làm giấy tờ với sở an sinh xã hội thay mẹ mình để tiếp tục nhận tiền của chính phủ và rút ra từ tài khoản nhà bank mà người em và mẹ cùng đứng tên chung. Hai chị em lại tiếp tục tranh giành bà cụ. Ðể giải quyết dứt điểm thì phải đưa nhau ra tòa và tòa thường là sẽ tôn trọng quyết định của người mẹ già. Tuy nhiên, không ai muốn tốn kém và mệt mỏi với tòa án nên hai bên vẫn cứ tranh cãi mà không có giải pháp nào cụ thể.

Trong trường hợp của bạn, người chăm sóc bố mẹ già bệnh, thì công bằng mà nói bạn xứng đáng được trả một khoản tiền đền bù cho những cực nhọc và hy sinh của bạn.  Nhưng bao nhiêu là công bằng thì khó để cho người trong nhà đồng ý với nhau một con số cụ thể. Còn việc bạn là người được giao cho trọng trách giải quyết thủ tục, giấy tờ sau khi bố mẹ mất để phân chia tài sản cho tất cả các anh chị em và chính mình thì cũng không có nghĩa là bạn tự ý quyết định muốn cho mình bao nhiêu thì cho. Tờ di chúc hay cái ngôn ngữ trong cái Trust mà bố mẹ bạn làm khi còn sống sẽ là yếu tố chính để quyết định việc này. Trường hợp di chúc hay Trust không đề cập về vấn đề này, hay bố mẹ bạn không làm di chúc hay Trust khi họ còn sống thì bạn có thể bị kiện khi tự ý “trả công” cho chính mình.

Còn nếu chính bạn muốn tính chi phí cụ thể cho việc mình bỏ nhiều công sức thời gian cho việc chăm sóc bố mẹ mà các anh chị em trong nhà không muốn trả tiền cho bạn thì bạn cũng có thể khởi đơn kiện và yêu cầu tòa giải quyết vấn đề này dựa vào thuyết “quantum meruit” (nghĩa là:  một số tiền hợp lý trả công cho dịch vụ đã sử dụng dù trước đó hai bên không có hợp đồng hay thỏa thuận cụ thể về việc này). Ngoài ra người phải bỏ thời gian và có trách nhiệm lo giấy tờ, thủ tục luật pháp trong việc phân chia tài sản kế thừa cũng có quyền được trả công cho công sức của mình.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Ðây là 2 yếu tố mà bạn có thể dùng để thương thảo với các anh chị em trong nhà và hy vọng rằng hai bên sẽ đi đến một thỏa thuận để giảm phần nào giá bán của căn nhà mà bạn muốn mua. Thêm vào đó nếu bạn mua trực tiếp mà không phải thông qua người môi giới địa ốc (realtor) thì gia đình cũng tiết kiệm được một khoản tiền không phải trả tiền commission cho người realtor.

Nhưng bạn cũng phải lưu ý một điều rằng với vai trò của người đứng ra giải quyết giấy tờ, thủ tục để phân chia tài sản cho tất cả con cái của bố mẹ bạn, trong đó có bạn, thì theo luật pháp bạn phải có trách nhiệm chia đồng đều hay đúng với ngôn ngữ viết trong di chúc hay cái Trust của bố mẹ bạn. Ðiều đó cũng có nghĩa là bạn phải tìm cách bán căn nhà đó với giá cao nhất và phân chia cho cách anh chị em một cách đồng đều.

Nếu hai bên nhường nhau một tí thì mới có thể đi đến một thỏa thuận. Chẳng hạn bạn phải mua nhà với giá cao nhất của thị trường trừ đi tiền commission mà đáng lẽ gia đình phải trả cho một người realtor nếu phải rao bán bên ngoài, và có thể bạn cũng đề nghị một số tiền nào đó cho việc bạn chăm sóc bố mẹ già trong thời gian qua. Số tiền này có thể không cao như bạn mong đợi nhưng ít nhiều bạn cũng có thể dùng để trừ bớt đi phần nào giá bạn phải trả cho căn nhà. Còn không thì hai bên cũng có thể trông chờ vào quyết định của tòa án khi đem nhau ra kiện tụng. Vậy thì có đáng không?

Ls. AT