Hỏi: Thưa luật sư, tôi rất khổ tâm về hoàn cảnh của gia đình tôi, mong cô cho tôi ý kiến khách quan của một người luật sư.
Em trai tôi là một người nghiện ngập. Cả Ba & Mẹ sinh trưởng trong một gia đình nghèo khổ, mồ côi từ bé, nên họ đã chiều chuộng con cái và cố gắng hết sức để đem lại một cuộc sống đầy đủ, sung túc cho chúng tôi. Nhưng có thể em trai tôi vì liên tục trong trạng thái “phê” chất cấm nên không hề nhận ra giá trị của sự hy sinh của Ba & Mẹ.
Em sống lây lất, ngày qua ngày trong những cơn nghiền. Em cũng từng thú nhận rằng cai bỏ xì ke, ma túy đã khó, việc Ba & Mẹ tiếp tục cung cấp tiền bạc cho em là điều gián tiếp nuôi thú nghiện ngập của em làm em không có động cơ gì để nỗ lực cai nghiện.
Khi còn sống, Ba & Mẹ trả hết những chi phí, tiền bạc cho em mỗi khi em đòi hỏi. Ngoài ra, theo lời Ba tôi kể lại, một lần qua nhà Ba, Mẹ khi ông bà không có ở nhà, em thấy cuốn sổ Ba tôi ghi chú chi tiết thông tin của những ngân khoản của Ba & Mẹ tôi. Thế là em trai tôi đã dùng những thông tin đó để vào mạng internet chuyển tiền từ những account đó qua account của em tôi để tiêu xài cho việc mua bán chất cấm.
Ba & Mẹ dung túng em tôi mấy chục năm trời. Tôi thương và lo cho em vô cùng nhưng tôi không biết cách nào để giúp em. Nhiều lần tôi van xin Ba & Mẹ hãy thẳng tay cắt đứt nguồn tài chánh mà họ cung cấp cho em để giúp em chấm dứt thói nghiện ngập, nhưng họ không nỡ mỗi khi em xin tiền. Thậm chí có lần tôi nhờ cảnh sát giúp cưỡng bức đưa em vào một trung tâm cai nghiện. Nhưng khi tôi liên lạc thì họ bảo họ không thể bắt ép em tôi đi cai nghiện.
Sau khi Ba tôi mất, Mẹ chia đều cho hai chị em chúng tôi tất cả tài sản Ba để lại ngoại trừ căn nhà nhỏ mẹ giữ lại để ở. Mẹ lại tiếp tục dung túng em. Bà bảo bà không thể từ chối mỗi khi em tôi gọi Mẹ xin tiền chi tiêu cho cuộc sống dù trước đó đã chia cho em tiền thừa kế, dù Mẹ biết em nói dối và có thể sẽ dùng tiền xin Mẹ vào mục đích bất chính.
Tôi thì tiếp tục sống tiện tặn và dùng số tiền thừa kế mẹ chia đó để đầu tư mua căn nhà cho thuê. Tôi dự tính tiền cho mướn căn nhà đó để sẽ là income phụ trội hằng tháng cho hai vợ chồng tôi khi chúng tôi về hưu.
Hai năm sau khi phân chia tài sản, Mẹ gọi hai chị em chúng tôi đến nói chuyện và Mẹ yêu cầu tôi trả lại cho Mẹ tiền thừa kế mà tôi đã được Mẹ chia cho trước đây sau khi Ba mất vì Mẹ muốn dùng tiền đó để có thể tiếp tục giúp đỡ em trai tôi. Còn tài sản riêng của Mẹ thì Mẹ cũng không có gì vì đã chia hết cho hai chị em chúng tôi. Mẹ không muốn phải đi vay mượn nợ để giúp em trai tôi.
Tôi bảo rằng tôi cần phải có thời gian suy nghĩ, và nếu tôi bán căn nhà tôi đang cho thuê để đưa tiền lại cho mẹ thì tôi cũng cần thêm thời gian để bán được giá theo giá thị trường. Tôi cũng nói thẳng với Mẹ rằng cả Ba và Mẹ không giúp gì cho em trai tôi khi cứ đưa tiền cung cấp cho em trai tôi và dung túng cho việc nghiện ngập của em. Thế là Mẹ nổi trận lôi đình. Mẹ & em trai chửi tôi tham lam, ích kỷ, hỗn láo và bất hiếu. Mẹ bảo gia đình riêng của tôi có hai đầu lương của tôi và của chồng tôi, chúng tôi dư sức để chi trả cho những chi phí cần thiết hằng tháng, nên tôi quá tham lam nếu tôi không hoàn trả ngay cho Mẹ số tiền mà Mẹ chia cho tôi trước đây để Mẹ có tiền trả cho những chi phí mẹ cần và để lo cho em trai tôi. Tôi cố gắng ôn tồn giải thích rằng không phải là tôi đã quyết định sẽ không đưa trả cho Mẹ số tiền đó, nhưng nếu tôi bán nhà ngay bây giờ khi lãi suất tiền lời của nhà bank đang cao thì có thể tôi phải bán với giá thấp hơn so với giá thị trường nếu tôi bán gấp. Chẳng những nói chuyện với tôi, Mẹ còn thuyết phục các con của tôi và chồng tôi để áp lực tôi làm theo ý Mẹ.
Hiện tại, sức khỏe của tôi cũng không còn tốt và tôi đã gần đến tuổi về hưu.Tôi mệt mỏi khi phải tiếp tục công việc ở hãng và dự định sẽ về hưu non. Tiền thuê nhà có thể giúp bổ sung thêm tiền hưu để vợ chồng tôi không chật vật kinh tế quãng đời còn lại. Bán gấp căn nhà cho thuê thì sẽ bán không được giá, và sau khi tôi đưa hết tiền bán nhà cho Mẹ thì kinh tế của hai vợ chồng chúng tôi dựa vào tiền hưu non sẽ khó khăn hơn.
Các con và chồng tôi vốn là những người hiền lành nên họ cũng khuyên tôi rằng số tiền mà tôi được Mẹ chia cho cũng là tiền của Mẹ được thừa kế từ Ba sau khi Ba mất, nên dù gì đó cũng là tiền của Mẹ tôi. Nếu Mẹ muốn đòi lại thì tôi cũng nên trả lại cho Mẹ, còn việc gia đình tôi có chật vật về tài chánh hơn thì chúng tôi vẫn sẽ ok. Đối với gia đình nhỏ của tôi, việc Mẹ tôi đòi lại tiền với mục đích gì, cho cá nhân Mẹ hay cho em trai tôi, đều không quan trọng. Riêng tôi thì tôi cho rằng Mẹ không cần tiền cho Mẹ mà Mẹ chỉ hại em tôi nếu cứ đưa tiền cho nó. Sau 2 năm chia tiền thừa kế, em tôi đã ăn xài phung phí cho việc nghiện ngập của mình, còn tôi thì vừa phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư mua nhà cho thuê và bỏ công quá nhiều để tự sửa chữa căn nhà đó thì ít ra Mẹ phải cho tôi thời gian từ từ để bán căn nhà cho thuê với giá được nhất và hoàn lại cho Mẹ số tiền Mẹ đã chia cho tôi. Tôi cố tình câu thời gian việc bán nhà để giúp Mẹ cắt đứt nguồn tiền mà em tôi cứ lợi dụng Mẹ để tiếp tục xì ke, ma túy.
Trước khi Mẹ qua đời đột ngột cách đây một năm vì bị nhồi máu cơ tim, bà rất giận tôi và quyết “từ” tôi những tháng ngày cuối đời của bà khi tôi không bán nhà ngay theo ý bà. Sau khi Mẹ mất, tôi hối hận, đau buồn ray rứt khi mối quan hệ với Mẹ mình bị cắt đứt và tôi đã làm cho bà buồn. Nhiều lần em trai tôi liên lạc với tôi để xin tiền, tôi khẳng định rằng tôi luôn thương em và điều đó không hề thay đổi, nhưng tôi từ chối cho em mượn tiền vì đó sẽ là điều hại em khi em dùng tiền đó để thỏa mãn cơn nghiền của em. Một lần, tôi hẹn gặp em để đưa em vào một trung tâm cai nghiện và tôi trả tiền cho những chi phí đó cho em khi em hứa thay đổi, nhưng rồi em lại bỏ trốn ra. Chứng kiến em tôi tiếp tục hủy hoại cuộc đời của mình sau khi Ba & Mẹ đã qua đời mà tôi không làm gì được để giúp em là điều càng làm tôi luôn trăn trở, buồn phiền. Theo luật sư tôi nên làm gì khác hơn khi Mẹ tôi muốn tôi bán nhà gấp để đưa lại số tiền thừa kế mà bà đã chia cho tôi, và tôi có thể làm gì giúp em tôi để Ba & Mẹ an lòng nơi chín suối?
Đáp: Chuyện đã rồi, bạn không thể quay ngược lại thời gian và làm gì khác được. Khi các thành viên trong một gia đình phải đương đầu với vấn nạn của một người thân bị nghiện ngập, tất cả các thành viên đều bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Ba và Mẹ bạn đã chọn nuông chiều và dung túng cho người em trai. Bạn là người chị, dù rất thương em, cũng không phải là người phải gánh chịu trách nhiệm cho việc nghiện ngập của em trai mình. Ngay cả khi Ba, Mẹ bạn còn sống, Ba và Mẹ bạn đã có thể chọn “tough love” (tạm dịch: thương con nhưng vẫn phải nghiêm khắc giáo dục), nhưng họ đã không làm như vậy. Bạn dám can đảm đề cập thẳng thắn vấn đề này với Mẹ bạn khi bà còn sống và bà đã tỏ thái độ nổi giận với bạn vì có thể bạn đã chạm vào nỗi đau vô tận của Ba & Mẹ bạn mà chính họ cũng bế tắc không muốn đối diện với vấn đề đó vì họ không có giải pháp gì để giúp con trai mình. Bị sống thiếu thốn, mồ côi từ bé cũng ảnh hưởng đến tâm lý và cách giáo dục con cái của Ba & Mẹ bạn. Ngoài ra, chính người em trai của bạn phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của cậu ta.
Theo luật pháp thì sau khi Mẹ bạn đã cho bạn tài sản, tiền bạc khi bà còn sống thì dù sau đó bà có đòi lại thì bạn cũng không phải hoàn trả lại. Tài sản/tiền bạc Mẹ bạn cho bạn trở thành tài sản của bạn, và bạn có quyền sử dụng tài sản đó như thế nào là tùy ý bạn. Tuy nhiên bạn đã có ý trả lại tiền cho Mẹ dù những quyết định và đòi hỏi của bà có thể là bất công đối với bạn, nhưng bạn đã không làm ngay theo ý bà để bà dùng số tiền đó cho em trai bạn. Có thể Mẹ bạn đã suy nghĩ theo hướng khác. Bà cho rằng bạn có một cuộc sống đầy đủ, may mắn hơn em mình trong một gia đình chồng con hạnh phúc, còn em bạn sẽ mãi phải đối diện với những bất hạnh của một kẻ nghiện ngập, không gia đình sau khi Mẹ mất. Nên bà muốn đền bù cho con trai bà một phần nào trước khi mình qua đời.
Người ngoài nhìn vào thì dễ dàng phán xét hay có lý luận riêng của cá nhân mình. Nhưng nếu phải đau khổ chứng kiến con mình vật vã, đau đớn thể xác và bị hành hạ cả đời vì những cơn nghiền thì liệu ai có gạt được nước mắt, mặc kệ, bỏ rơi đứa con mình rứt ruột đẻ ra không? Bạn cũng là một thành viên trong gia đình nên khi “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, bạn tiếp tục tự giày vò bản thân với nỗi đau của gia đình lớn của mình ngay cả sau khi Ba và Mẹ bạn đã qua đời cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù bạn có đi ngược lại thời gian và làm khác đi nữa, cũng chưa chắc bạn đã thay đổi hay giúp được em mình.
Quyết định của bạn khi không bán nhà gấp theo ý Mẹ là dựa vào những dữ kiện bạn cho là thích hợp nhất lúc đó. Ngay cả khi Ba, Mẹ bạn không dung túng em trai bạn đi nữa thì cũng chưa chắc em trai bạn đã có thể thay đổi theo hướng tích cực. Bạn cũng từng tìm cách đưa em mình vào trại cai nghiện nhưng em bạn lại bỏ trốn ra. Sau khi bạn đã làm hết khả năng của mình thì bạn nên chấp nhận rằng bạn không thể sống giùm người khác.
Cái sai lầm hiện tại là bạn tự trừng phạt mình khi tiếp tục đau khổ, dằn vặt với những giả thuyết “phải chi” và “nếu” của mình trong khi đó em trai bạn chính là người cần thay đổi lại không muốn tự giúp cậu ta. Có thể cách giáo dục của Ba & Mẹ bạn đã không giúp em trai bạn có những kỹ năng cần thiết để cậu ta đương đầu với những cám dỗ trong cuộc sống. Nhưng bạn không phải là người gây ra việc nghiện ngập của em mình. Bạn lại càng không phải là người phải chịu trách nhiệm cho việc em mình nghiện ngập. Việc bạn tiếp tục thể hiện tình yêu thương của một người chị với cậu em trai của mình và từng giúp cậu ta trong khả năng của bạn khi cậu ta chịu thay đổi để vào chương trình giúp cai nghiện là tất cả những gì mà bạn có thể làm. Còn chuyện bạn có thể làm gì khác hơn khi Mẹ bạn còn sống thì chỉ là những hối tiếc, và bạn phải chấp nhận đó là quá khứ mà bạn không thể quay ngược lại thời gian. Chúc bạn bình an.
Ls. Anh Thư
(Cell: 623-341-8835)