Một người góa phụ muốn bán nhà và đến văn phòng Chicago Title của tôi để làm dịch vụ title.  Sau khi giấy tờ mua bán nhà đã ký, hãng title báo cho chị biết là chị cần phải hoàn tất thủ tục pháp lý để chính thức được quyền thừa kế căn nhà mà chồng chị và chị cùng đứng tên chủ quyền. Sau đó chị mới có thể ký tên giấy tờ “closing” một cách hợp pháp.

Chị vô cùng ngạc nhiên vì chị cho rằng khi chồng chị chết thì chị tự động được quyền thừa hưởng căn nhà mà không phải làm gì hết.  Cho nên cả hai vợ chồng chị đã không làm di chúc.  Ðó là một sai lầm.

Rồi có người lại cho rằng nếu khi chết không có di chúc thì chính phủ sẽ tự động lấy hết tài sản. Ðiều này cũng không đúng.

Theo luật kế thừa của Texas (Estate Code), khi một người chết không có di chúc thì thân nhân ruột thịt có quyền được thừa hưởng tài sản. Tuy nhiên, người có quyền thừa hưởng vẫn phải hoàn tất thủ tục pháp lý/tòa án cần thiết để hợp thức hóa chủ quyền của những tài sản mình được thừa hưởng.

Nếu có di chúc thì sau khi người làm di chúc qua đời.  Dù trong gia đình không có ai tranh chấp tài sản, người được thừa hưởng vẫn phải hoàn tất thủ tục hành chánh của tòa án để được chính thức thừa kế tài sản.  Thủ tục này sẽ tốn kém và phiền phức hơn nếu không có di chúc.

Khi chết mà không có di chúc, tòa gọi những trường hợp này là “intestate”.  Luật pháp của Texas quy định khi người chết có con cái, mà không có di chúc thì tài sản phân chia như sau:

  1. Người chết, chẳng hạn ông Tí, chỉ có con chung với người vợ duy nhất, bà Tèo, mà ông có hôn thú khi chết:
  2. Tài sản chung (community property) mà 2 vợ chồng cùng đứng tên: người phối ngẫu còn sống là bà Tèo được hưởng hết nhưng bà vẫn phải nhờ luật sư hoàn tất những thủ tục hành chánh cần thiết của luật pháp để bà được hoàn toàn đứng tên chủ quyền tài sản.
  3. Tài sản riêng (separate property) mà chỉ có người chết, chẳng hạn là ông Tí, đứng tên:
  4. Nếu đó là bất động sản (real property): người phối ngẫu còn sống là bà Tèo được ở đó đến khi bà chết, nhưng bà chỉ có thể sử dụng một phần ba (1/3) không gian của căn nhà. Và tất cả con cái của ông Tí cũng được quyền ở đó và chiếm hai phần ba (2/3) không gian của căn nhà. Sau khi bà Tèo qua đời, thì căn nhà đó được chia đồng đều hết cho các con của hai ông bà. Tuy nhiên, khi ông Tí chết, bà Tèo và con cái phải nhờ luật sư hoàn tất những thủ tục hành chánh cần thiết của luật pháp để bà và các con được chính thức công nhận quyền thừa kế bất động sản này trong giấy tờ luật pháp/tòa án.
  5. Tất cả tài sản riêng chỉ có ông Tí đứng tên mà không phải là bất động sản: bà Tèo được hưởng một phần ba (1/3), và tất cả các con của ông Tí được chia đồng đều hai phần ba (2/3) còn lại của tài sản này. Cũng như trên, quyền thừa hưởng này không phải tự động được chuyển qua cho người nhà, mà bà Tèo và các con cần nhờ luật sư hoàn tất thủ tục hành chính của luật pháp/tòa án để chính thức được đứng tên chủ quyền những tài sản riêng này của ông Tí.
  6. Người chết – ông Tí – có con riêng:
  7. Tất cả tài sản chung mà cả hai người cùng đứng tên: Bà Tèo có quyền được giữ một phần hai (1/2) chủ quyền của tài sản đó, nhưng bà Tèo không được quyền lấn sang lấy bất cứ chút nào phần một nửa mà ông Tí làm chủ. Phần nửa của ông Tí, các con của ông được chia đều.  Chẳng hạn nếu căn nhà mà ông Tí và bà Tèo cùng đứng tên làm chủ trị giá là $100,000.00 vào thời điểm ra tòa,  khi ông Tí chết mà ông không có di chúc, và ông có 3 con với người khác cộng với 2 con với bà Tèo, sau khi luật sư đã giúp bà Tèo hoàn tất thủ tục hành chánh của luật pháp/tòa án, căn nhà đó bán đi, bà Tèo chỉ được chia $50,000.00.  Còn 5 người con của ông Tí, mỗi người được chia $10,000.00. Con chung, con riêng gì cũng được chia như nhau khi không có di chúc.
  8. Tài sản riêng của ông Tí được chia giống như phần (b)1 & 2 phía trên. Con riêng và con chung đều có quyền được chia tài sản như nhau.
Xem thêm:   Trứng

Nếu người chết có gia đình (married) nhưng không có con, và không có di chúc thì theo luật thừa kế, sau khi hoàn tất thủ tục hành chánh và giấy tờ của luật pháp/tòa án, tài sản của người chết được phân chia như sau:

  1. Tài sản chung cả hai vợ chồng cùng đứng tên: người phối ngẫu được thừa hưởng tất cả.
  2. Tài sản riêng của người chết:
  3. Bất động sản: nếu người chết không có cha mẹ hay anh em nào còn sống, người phối ngẫu có quyền thừa hưởng trọn vẹn bất động sản đó. Nếu người chết còn ba, mẹ hay anh chị em thì bất động sản này phân chia theo dưới đây:
  4. Cha mẹ còn sống: 50% cho người phối ngẫu, 25% cho cha, 25% cho mẹ.
  5. Chỉ có cha hay mẹ còn sống: 50% cho người phối ngẫu, 25% cho người cha/mẹ còn sống, 25% còn lại chia đồng đều cho những người anh/chị/em của người chết (anh/chị/em nào chết thì con cái họ được hưởng phần của họ).
  6. Chỉ có cha hay mẹ còn sống, và không có anh/chị/em nào hay con cái của họ còn sống: 50% cho người phối ngẫu, 50% cho người cha/mẹ còn sống.
  7. Cả cha và mẹ đã chết: 50% cho người phối ngẫu, 50% chia đều cho anh/chị/emcòn sống hay cho con cái của họ.
  8. Tất cả tài sản riêng khác của người chết mà không phải là bất động sản: người phối ngẫu được quyền thừa hưởng trọn vẹn.
Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt (kỳ 2)

Nếu người chết độc thân hay là quả phu/phụ và không có con cái, tài sản của người chết được chia như sau:

  1. Mẹ 50% và cha 50% nếu cả cha và mẹ đều còn sống.
  2. Nếu chỉ có cha hay mẹ còn sống, và người chết có anh/chị/em, tài sản của người chết có thể được chia cho người cha hay mẹ còn sống 50%, 50% còn lại sẽ được chia đều cho anh/chị/em còn sống hay con cái của họ được hưởng phần của họ nếu họ đã chết.
  3. Nếu người chết không có anh chị em, và chỉ có cha hay mẹ còn sống, thì người cha/mẹ còn sống được hưởng toàn bộ tài sản.
  4. Nếu cả cha và mẹ của người chết đều đã qua đời, mà người chết có anh chị em, thì những người anh chị em đó được phân chia tài sản bằng nhau, hay con cái của họ sẽ được hưởng phần của họ nếu người anh/chị/em đó đã qua đời.
  5. Nếu người chết không có anh chị em và cả hai cha mẹ cũng đã qua đời, thì dòng họ bà con bên mẹ của người chết được thừa hưởng phân nửa, và dòng họ bên cha được quyền thừa hưởng phân nửa.

Dựa vào luật thừa kế, khi một người chết không có di chúc, chính phủ không tự động lấy đi tài sản của người chết.  Tuy nhiên những người có quyền thừa kế cũng không tự động được làm chủ tài sản của người chết.  Mà để hợp thức hóa quyền thừa hưởng tài sản của mình, những người có quyền thừa kế vẫn phải mướn luật sư để hoàn tất thủ tục hành chánh của luật pháp/tòa án dù không có ai tranh chấp tài sản.  Tuy nhiên, thủ tục sẽ phiền phức và tốn kém hơn khi không có di chúc.  Chẳng hạn, chi phí tòa án và luật sư phí để hoàn tất thủ tục luật pháp/tòa án cho việc phân chia tài sản theo di chúc có thể từ $3,500-$5,000.  Nhưng chi phí này có thể tăng lên từ $5,000-$10,000 tùy theo tính chất của mỗi case về người thừa hưởng và tài sản cần phải phân chia.  Ngoài ra, có những cách giải quyết khác cho việc phân chia tài sản mà luật pháp cho phép.  Tôi sẽ giải thích thêm trong những bài viết sau.

Xem thêm:   Nhật thực

AT