Câu Hỏi

Thưa luật sư, tôi và vợ tôi đều có con riêng khi bắt đầu ở chung. Nhưng con tôi thì ở với vợ cũ. Còn 2 đứa con riêng của vợ thì ở chung với chúng tôi.

Chúng tôi bắt đầu từ con số không khi quyết định “góp gạo thổi cơm chung.” Sau nhiều năm tháng tiết kiệm, phụ nhau trang trải chi phí cuộc sống cũng như cùng chăm sóc, take care cho con riêng của vợ tôi, tụi tui cũng mua được căn nhà. Hiện tại, chúng tôi đã pay-off.

Khi mua nhà, con riêng của vợ tôi (lúc đó đã có gia đình ở riêng rồi,  có giúp một số tiền down $50 ngàn.

Xin hỏi luật sư, nếu tôi chết trước người vợ thứ hai mà không có di chúc thì theo luật pháp, con riêng của tôi có quyền thừa kế phần nào căn nhà mà người vợ thứ hai và tôi mua hay không?

Tôi biết các con của tôi không tham lam tranh chấp gì cả, nhưng tôi muốn hiểu rõ về luật pháp và cân nhắc xem có nên làm di chúc hay không, và làm sao là công bằng cho cả hai bên.

Trả Lời

Hôn nhân là sự cam kết giữa đôi bên nguyện sống với nhau trọn đời. Trên phương diện luật pháp của Mỹ, nó không chỉ là một sự thỏa thuận về tâm lý, tình cảm mà còn là một hợp đồng pháp lý dù không viết ra rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Bước vào một mối quan hệ rất dễ dàng, nhưng để cắt đứt hoàn toàn nhiều khi bất khả thi vì những hệ lụy của mối quan hệ đó.

Xem thêm:   Easter

Dù ông là người đàn ông rộng lượng, ông đã sẵn sàng hết lòng cùng lo cho 2 con riêng của người vợ thứ hai, nhưng hình như ông cũng mang tâm trạng dằn vặt khi không lo được cho các con riêng của mình trọn vẹn. Bên cạnh đó, cũng vì tấm lòng của ông và tình thương yêu mà người con riêng của vợ ông đã tặng cho ông bà $50k để trả tiền down khi ông bà mua nhà.

Texas là tiểu bang thiên về tài sản chung (community-property state), có nghĩa là tài sản mua, thu thập, có được khi vợ chồng chung sống với nhau thì tòa án tự động cho là tài sản chung, ngoại trừ tài sản được thừa kế.

Nếu người con riêng của vợ ông tặng ông bà $50 K để mua nhà thì khi ông mất không có di chúc, căn nhà đó được chia như sau theo luật của tiểu bang Texas:

Món tiền $50k là quà tặng của người con riêng cho cả hai ông bà và không được trừ vào tổng giá trị căn nhà khi phân chia tài sản.

Một nửa căn nhà thuộc về người vợ thứ hai của ông, và bà có quyền quyết định để phân nửa đó của bà cho bất cứ ai nếu bà có di chúc, còn nếu  bà không có di chúc thì phần nửa đó thuộc về 2 người con riêng của bà.

Một nửa căn nhà thuộc về ông thì các con ông có quyền được thừa kế một cách đồng đều ngay cả khi ông chết mà không có di chúc.

Ngoài ra, trong luật thừa kế tài sản, chính phủ còn quy định rõ ràng về vấn đề quyền cư ngụ (life estate). Nếu sau khi ông qua đời, căn nhà ông bà mua là căn nhà mà bà đang cư ngụ (homestead), thì bà có quyền được tiếp tục cư ngụ và chiếm đến một nửa diện tích của căn nhà cho  đến khi bà chết hoặc dọn ra thì căn nhà đó mới có thể bán để chia đôi giá trị căn nhà cho 2 con riêng của bà nửa căn của bà, và 2 con riêng của ông nửa căn của ông.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

Ngoài ra, trong thời gian vợ ông vẫn tiếp tục cư ngụ ở đó, thì các con của ông cũng có quyền dọn vào sống và chiếm đến một nửa còn lại của diện tích căn nhà.

Nếu người con riêng của bà có làm hợp đồng với ông bà là cho mượn nợ rõ ràng từ đầu khi mua nhà, và người con đó đăng bộ quyền thế chấp (mortgage lien) món nợ đó với chính phủ, thì khi ông bà qua đời hay khi bán nhà thì toà án sẽ xét xử phân chia căn nhà đó như sau:

Căn cứ vào giấy tờ mượn nợ có thế chấp bất động sản, tòa có thể sẽ bắt trả lại số tiền nợ đó cho người con riêng của bà.

Còn lại bao nhiêu thì chia đôi: người vợ thứ hai được giữ phần một nửa của giá trị căn nhà, và các con riêng của ông sẽ được chia đều một nửa căn nhà.

Những món nợ không có thế chấp, ngoại trừ tiền nợ chữa trị y tế, thì được phân loại ra thành nợ không được bảo đảm (unsecured debt) và khi con nợ qua đời, khả năng chủ nợ đòi được nợ rất thấp. Hay không đòi được.

Nếu trường hợp nào đó mà bà phải bán căn nhà, thì tòa án chỉ cho bên bà nhận số tiền của nửa căn thôi, phần còn lại giữ lại để giao cho các con của ông.

Bên cạnh đó, tốt nhất hai vợ chồng ông có thể làm giấy tờ hợp đồng phân chia tài sản chung khi cả hai còn sống (Postnuptial Agreement). Ngoài ra, di chúc cũng là một cách giải quyết phân chia tài sản dễ dàng nhất.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Dù con riêng của ông hay con riêng của bà không có tính tham lam không muốn tranh chấp, thì những suy tư của ông về việc hậu sự khi ông hay bà qua đời cũng là điều mọi người trong gia đình nên quan tâm trước.

Nghĩa là cùng ngồi xuống nói chuyện rõ ràng và công bằng dựa vào luật pháp để không có sự hiểu lầm hay hiềm khích giữa bên bà và các con riêng của ông, cũng như ông và con riêng của bà.

Gia đình ông tương đối phức tạp chứ không phải 1 vợ, 1 chồng và chỉ có con cái chung, nên để giải quyết giấy tờ nhà một cách dễ dàng khi một trong hai vợ chồng mất, thì một trong những người thừa kế (có thể là vợ ông hoặc 1 đứa con riêng) cần mướn luật sư để làm thủ tục probate với tòa án dù không có ai tranh chấp. Và dù có di chúc hay không. Nếu không làm thủ tục probate với tòa án, thì người thừa hưởng muốn bán căn nhà đó sẽ bị trục trặc giấy tờ với văn phòng title.

L.S. AT