Hỏi: Chúng tôi đến với nhau cách đây 5 năm. Tuy không có hôn thú nhưng chúng tôi sống với nhau như vợ chồng và cùng nhau trả những chi phí trong cuộc sống. Tôi mua căn nhà chúng tôi đang ở cách đây 20 năm, và chỉ có tôi là người đứng tên trong giấy tờ chủ quyền nhà cũng như giấy tờ mượn nợ nhà băng. Từ khi về sống chung với tôi, người chồng không hôn thú tương đối cũng có trách nhiệm. Anh tự đưa tôi tiền để đóng góp 50% tiền nhà hằng tháng cũng như những chi phí sửa chữa khi cần thiết hoặc chính anh tự sửa.  Anh cũng là người chăm sóc vườn tược và cùng tôi làm những công việc dọn dẹp nhà cửa hằng ngày.

Tôi có hai đứa con riêng đã trưởng thành. Tôi muốn để lại toàn bộ tài sản của tôi cho con tôi, nhưng tôi muốn chồng tôi có quyền tiếp tục ở nhà đó đến khi anh mất hoặc sau khi anh không muốn tiếp tục ở đó nữa thì các con tôi mới được bán chia đôi căn nhà. Sau khi tôi mất, tôi muốn các con tôi dùng tiền trong nhà băng của tôi để trả hết nợ căn nhà. Nhưng tôi không rõ ai sẽ là người phải tiếp tục trả tiền thuế nhà và tiền bảo hiểm nhà hằng năm. Tôi nghĩ rằng ngày nào chồng tôi còn sống trong căn nhà đó thì ông vẫn phải trả những chi phí đó. Điều đó có đúng không luật sư?

Chồng tôi cũng có một người con riêng trước khi đến với tôi. Tôi không gần gũi mấy với cháu vì mẹ ruột nó không muốn tôi qua lại với nó. Tuy nhiên, dù đã trưởng thành, người con của chồng tôi vẫn còn rất chật vật về kinh tế và đó cũng là nỗi đau canh cánh trong lòng của chồng tôi. Bên cạnh đó, thằng con trai của anh vẫn phải trách nhiệm chăm sóc, lo lắng, trả bill bọng cho mẹ nó. Do đó anh muốn là khi anh mất thì tài sản tiền bạc anh có anh sẽ để lại hết cho con trai anh. Một trong những điều gây xào xáo giữa hai chúng tôi trong thời gian gần đây là anh nghĩ anh cũng có quyền sở hữu một phần nào giá trị căn nhà của tôi vì anh cùng trả những chi phí của căn nhà này. Tôi không muốn con anh được thừa hưởng bất cứ phần nào chủ quyền của căn nhà của tôi sau khi anh mất, để rồi mẹ nó (“người đàn bà ấy”) lại được lợi lộc từ căn nhà của tôi. Việc này có thể dẫn đến tranh chấp giữa con anh và các con của tôi. Làm sao để có thể công bằng nhất cho cả hai bên?

Xem thêm:   Trứng

Đáp: Bạn và người chồng chắp nối đến với nhau đã được 5 năm sau khi cả hai đã lớn tuổi và có con cái riêng. Bạn tự mua nhà rất nhiều năm trước khi hai người đến với nhau, và sau khi bạn mất thì con bạn sẽ dùng tiền bạn dành dụm được để trả nợ hết căn nhà này. Dù người chồng “hờ” cùng trả 50% chi phí của căn nhà, không có nghĩa là chồng chị tự động được chia phần nào chủ quyền căn nhà. Ngoài ra, anh ta không hề có tên trong chủ quyền căn nhà.

Nếu hai người về chung sống với nhau như vợ chồng, rồi sau đó cùng nhau mua nhà thì dù chỉ một mình chị đứng tên trên giấy tờ chủ quyền nhà, đúng là theo luật Texas về ‘common law marriage” người chồng của chị cũng có thể có quyền sở hữu 50% của căn nhà này. Còn trong trường hợp hiện tại của chị thì dù người chồng chị cùng trả 50% chi phí của cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng thì coi như anh ta cũng chỉ trả tiền mướn nhà hằng tháng thôi. Việc chị muốn để lại toàn bộ căn nhà cho con cháu chị thừa hưởng, nhưng chị cho người chồng được tiếp tục ở đó cho đến khi anh ta mất hoặc không còn muốn ở đó nữa có nghĩa là chị cho anh cái quyền Life Estate, rồi sau đó con chị mới được bán để chia nhau cũng đã đối xử rất đẹp, rất hào phóng với anh rồi. Nghe thì phũ phàng nhưng nếu anh muốn để lại tài sản hay bất động sản của anh cho con cái của anh thì anh phải bỏ tiền riêng ra mua và đầu tư bất động sản của riêng anh. Còn tiền anh đóng góp cho chi phí cuộc sống hằng ngày không có nghĩa là anh tự động đương nhiên trở thành người đồng chủ nhân (co-owner) của căn nhà đó.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Trong cuộc sống hằng ngày với nhau, chuyện anh cùng chị trả những chi phí cuộc sống cùng nhau là điều công bằng, trong đó có cả tiền nhà.  Sau khi chị mất, nếu anh còn muốn tiếp tục ở đó thì chuyện anh phải trả toàn bộ chi phí còn lại sau khi con chị đã dùng tiền trong nhà băng của chị trả hết nợ ngân hàng của căn nhà đó, là điều hợp lý và công bằng. Tuy nhiên để tránh gây tranh chấp và hiểu lầm, chị và người chồng nên cùng nhau đến gặp luật sư để tham khảo và hoàn tất những giấy tờ cần thiết. Nói chuyện và giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, công khai, rõ ràng từ ngay bây giờ là điều chị có thể làm để bảo vệ mối quan hệ hôn nhân với chồng chị và giúp cho các con chị về lâu về dài.

Tuy nhiên, không có giải pháp nào hoàn hảo. Ngay cả quyền được tiếp tục ở căn nhà đó cho đến khi anh chết (Life Estate) cũng có một vài trở ngại. Chẳng hạn khi chồng chị tiếp tục ở đó sau khi chị mất mà anh ta không sửa chữa nhà và để nhà càng ngày càng xuống cấp và mất giá thì các con chị cũng không có quyền làm gì để bảo vệ quyền thừa kế căn nhà của mình dù họ bị ảnh hưởng vì giá trị căn nhà bị giảm xuống. Ngoài ra, khi chồng chị khỏe mạnh, tỉnh táo mà tự ý muốn dọn ra không ở đó nữa thì các con chị mới có quyền bán.  Nhưng nếu chồng chị tiếp tục sống ở căn nhà đó, rồi sau khi ông quá già yếu, đầu óc không còn tỉnh táo nữa mà chính phủ hoặc con riêng của ông phải đưa ông vào nursing home, thì các con chị cũng không được quyền bán cho tới khi chồng chị qua đời dù ông đã vào nursing home và không còn tiếp tục sống ở căn nhà đó nữa. Ðiều này có thể giải quyết bằng giấy tờ luật pháp mà chị và chồng chị có thể thỏa thuận và cùng ký với một người luật sư ngay từ bây giờ. Cám ơn chị đã gửi đến câu hỏi thắc mắc của chị.

Xem thêm:   Easter

Ls. Anh Thư

(Cell phone: 623-341-8835)