Câu Hỏi:

Sau khi bố mẹ tôi mất, chị tôi đã tự động rút ra hết 80 ngàn đô từ nhà băng của bố mẹ và giữ cho riêng mình. Bây giờ chị lại muốn tiếp tục được ở căn nhà của bố mẹ mà không chịu trả tiền gì hết. Tất cả anh chị em của chúng tôi không giàu có, nhưng vì chị tôi từng sống chung và chăm sóc bố mẹ 8 năm trước khi cả hai qua đời nên chúng tôi thường nhường nhịn chị. Sau khi bố mẹ qua đời, chị tôi lại tiếp tục có những yêu sách vô lý.

Trước khi mẹ tôi mất, trong di chúc của mẹ ghi rõ là bà muốn để lại tất cả tài sản cho bố, nhưng nếu bố mất trước thì người được thừa kế sau đó là chị tôi và chị tôi phải phân chia công bằng cho tất cả các anh chị em. Hai năm sau khi mẹ mất, bố cũng mất theo. Trong di chúc, bố muốn chia đều tài sản cho tất cả các con, và chỉ định chị tôi là người Executor (Tạm dịch: Người Thi Hành ý nguyện của người viết di chúc sau khi người viết di chúc qua đời). Với chức năng đó, chị tôi cho rằng chị là người có quyền quyết định phân chia tài sản theo ý chị và chị tự cho mình 80 ngàn đô của bố mẹ tôi để lại vì công sức chị nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc bố mẹ trong suốt thời gian qua. Bố mẹ tôi trước khi mất đã trả hết nợ căn nhà 2 tầng của ông bà. Chị tôi từng ở tầng dưới với bố mẹ, còn cô con gái đã trưởng thành của chị tôi thì ở trên lầu. Cả chị tôi con gái của chị không hề phụ trả chi phí cho bố mẹ tôi. Họ ở đó hoàn toàn miễn phí con gái của chị tôi làm y tá cũng có lương khá.

Gia đình chúng tôi có 7 anh chị em. Ai cũng chỉ đủ ăn, không khá giả gì. Chị tôi và cô con gái của chị muốn được ở tiếp tục căn nhà đó mà chỉ chịu trả tiền điện, nước chứ không muốn trả tiền mướn nhà hay sửa chữa căn nhà đó. Họ chỉ nói là họ muốn tiếp tục ở đó và sẽ ký giấy tờ hứa sẽ giữ gìn căn nhà, không phá hoại. Nhưng vì căn nhà không phải là chủ quyền của riêng họ, nếu bị hư cái gì thì tất cả anh chị em phải cùng chi trả để sửa. Đây là một đòi hỏi chỉ có lợi cho chị tôi và cô con gái của chị. Tuy nhiên chị viện lý do là tất cả chúng tôi đều đã mua nhà riêng và chị là người duy nhất không làm chủ căn nhà nào vì chị đã bỏ hết thời gian chăm sóc cho bố mẹ.

Xem thêm:   Trứng

Một số anh chị em chúng tôi thì cảm thấy chị và con chị đã được quá nhiều điều lợi từ bố mẹ từ nhiều năm tháng qua. Ngoài việc chị và con gái chị sống nhờ vào bố mẹ trong một thời gian dài không phải trả tiền rent (tiền mướn nhà), bố mẹ tôi còn giúp họ trả những chi phí khác như mua xe mới cho chị và con chị, và khi kẹt tiền là chị và con gái chị mượn tiền của bố mẹ nhưng chẳng bao giờ trả. Do đó, đa số chúng tôi cho rằng việc chị sống chung và chăm sóc cho bố mẹ thì chị và con chị cũng được nhiều điều lợi khi bố mẹ chúng tôi phải thường xuyên chi tiền thêm giúp họ trong cuộc sống hằng ngày.

Ban đầu mọi người muốn giữ căn nhà của bố mẹ, nhưng vì chị tôi và cô con gái đòi tiếp tục ở vô thời hạn nhưng không muốn trả tiền mướn nhà hay những chi phí sửa chữa, nên các anh em khác sau đó muốn bán. Cuối cùng chị tôi và cô con gái đồng ý dọn ra với điều kiện họ được tiếp tục ở không trả tiền mướn nhà đó thêm 2 năm nữa và họ sẽ không chi trả việc sửa chữa. Mà trả tiền “rent” ít, tượng trưng thì họ cũng không muốn trả vì họ cảm thấy các anh chị em trong nhà mang ơn họ trong việc họ từng chăm sóc bố mẹ trước đây. Tôi cần tham khảo về luật pháp để biết cách giải quyết tốt nhất.

Trả Lời:

Compromise (thỏa hiệp) là tốt nhất. Tất cả mọi người cùng ngồi xuống để cùng đi đến một thỏa hiệp mà cả hai bên cùng nhường nhau một tí. Sau đó đến văn phòng luật sư viết ra giấy tờ theo ngôn ngữ chuyên môn của luật pháp để có thể bắt cả hai bên tuân thủ theo đúng thỏa thuận đó. Có thể bàn với các anh chị em khác cho người chị đó ở thêm 6 tháng đến một năm, và người chị phải đồng ý trong thời gian ở đó dù không trả tiền thuê nhà, người chị phải cùng các anh chị em khác chi trả cho việc sửa chữa căn nhà để chuẩn bị bán sau khi người chị và cô con gái dọn ra. Nếu người chị không đồng ý thì mới đi đến cách giải quyết thẳng thừng bằng “Eviction” (đuổi ra khỏi nhà qua trình tự tòa án.)

Người chị đã có một thời gian dài sống dưới sự “bảo trợ” kinh tế của bố mẹ, mà cô con gái của người chị cũng được “ăn theo”. Người chị và cô con gái đã tiết kiệm được rất nhiều trong 8 năm trời chứ không phải người chị chỉ bị thiệt thòi hay hoàn toàn hy sinh vì bố mẹ. Các anh chị em có thể nói lời cám ơn người chị, nhưng sau khi bố mẹ mất, đã đến lúc mọi việc phải đi đến một hướng giải quyết cuối cùng rõ ràng.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Thay vì đòi lại 80 ngàn đô mà người chị tự ý rút ra từ nhà băng của bố mẹ cho riêng mình, các anh chị em khác đã rộng lượng không đòi hỏi người chị phải trả lại. Ðó là số tiền thuộc về thừa kế mà đáng lẽ các anh chị em đều được quyền hưởng đồng đều. Người chị có thể dùng số tiền đó để bắt đầu tự chi trả cho cuộc sống hằng ngày. Nhưng khi người chị tự ý lấy số tiền đó và đòi phải được tiếp tục ở trong căn nhà bố mẹ thì chứng tỏ người này có lòng tham không đáy, mà nếu không giải quyết dứt điểm thì 2 năm ở “free” sẽ dẫn đến 3 năm, 4 năm, hay 10 năm vì đối với người chị không có sự công bằng thì chẳng bao nhiêu là đủ.

Ðừng trông cậy người chị thay đổi hay tự nguyện dọn ra theo đúng hẹn mà phải làm giấy tờ luật pháp đầy đủ cho việc thỏa thuận này. Không ai có thể điều khiển “control” hay dự đoán người chị và cô con gái của người chị sẽ làm gì. Ðiều duy nhất nên làm là dù giải quyết bằng “tình” cũng phải dựa vào luật pháp và có giấy tờ đầy đủ theo quy định của luật pháp để khi cần đi đến giải pháp cuối cùng là kiện tụng thì người chị phải tuân theo quyết định của tòa án. Có thể sau đó tình cảm anh chị em trong nhà sẽ không còn gì nhưng tất cả anh chị em khác không phải nhường nữa nếu nó không công bằng hay không đúng luật pháp.

Ðồng tiền dễ dẫn đến sự bất hòa trong gia đình. Con người ta sẽ ứng xử như họ từng làm trong quá khứ dù điều đó không công bằng. Khi bố mẹ mất, sợi dây gắn kết của gia đình càng ít đi, mà anh chị em thì thường không ai chịu “thua” ai. Tranh chấp tài sản khi bố mẹ mất chỉ càng cho người ta thấy rõ bản chất của nhau hơn mà nhiều khi dùng “tình” không giải quyết được. Do đó chỉ còn lại cách giải quyết là theo luật pháp.

Lưu ý, khi người nào làm di chúc thì người đó chỉ có thể cho hay để lại phần tài sản mình làm chủ. Texas là tiểu bang “community property”, cho nên tất cả tài sản có được trong thời gian hai vợ chồng chung sống với nhau là tài sản chung, người vợ chỉ làm chủ 50% tổng tài sản của hai vợ chồng, và người chồng cũng vậy. Khi mình mất, mình chỉ có thể chỉ định cho đi phần mình làm chủ, tức là 50% tài sản chung của hai vợ chồng. Trước đó khi mẹ quý vị làm di chúc, bà để hết tài sản của bà, tức là phần 50% của bà cho bố quý vị. Nếu bố quý vị mất thì mẹ quý vị mới cho hết phần 50% của bà cho người chị.  Tuy nhiên, vì bố quý vị mất sau, nên ông đã được hoàn toàn làm chủ 100% tổng tài sản của hai vợ chồng. Sau đó quyền quyết định phân chia 100% tài sản đó là của bố quý vị.

Xem thêm:   Easter

Ông muốn chia đều tài sản cho tất cả các con, và người chị chỉ làm vai trò của người thi hành ý nguyện trong di chúc của bố quý vị khi ra làm thủ tục Probate của tòa án. Cũng nên xem xét lại trong di chúc của bố quý vị có cho phép Người Thi Hành (Executor) được trả chi phí cho những công việc và thời gian bỏ ra để hoàn tất thủ tục Probate hay không. Nếu có, quý vị có thể yêu cầu người chị liệt kê ra chi tiết để mọi người, hay tòa án có thể quyết định chi phí trả cho Người Thi Hành bao nhiêu là hợp lý. Sau đó tất cả tiền bạc và tài sản còn lại phải giải quyết để chia đồng đều cho tất cả anh chị em. Nếu thật sự bố mẹ quý vị muốn người chị được tiếp tục ở trong căn nhà đó sau khi họ mất hay được thừa kế toàn bộ căn nhà đó thì bố mẹ quý vị đã nhờ luật sư viết di chúc hay giải quyết giấy tờ trước khi họ mất theo hướng đó. Nhưng họ đã không làm vậy. Cho nên dựa vào cái di chúc cuối cùng của bố quý vị thì tài sản phải phân chia đồng đều cho tất cả anh chị em.

Nên họp tất cả anh chị em lại và đi đến một hạn định rõ ràng với người chị rồi cùng làm giấy tờ với luật sư để mọi người chính thức ký tên thỏa thuận dựa vào luật pháp. Nếu người chị không đồng tình điều gì,  đó chỉ là ý kiến riêng của người chị đó, và nếu không thỏa thuận được thì chỉ còn cách dựa vào luật pháp với sự hỗ trợ của một luật sư nếu sẽ phải ra tòa để giải quyết việc tranh chấp này.

Ls. AT

Cell Phone: 623-341-8835