Tổ tiên chúng ta ngày trước tuy không biết nhiều về khoa học nhưng cũng thích ngắm sao:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ…
Khoa học ngày nay cung cấp cho chúng ta những dữ kiện để hiểu thêm về sao trời.
HAI KỲ- KỲ 2
Ống kính máy ảnh đã được cải tiến rất nhiều kể từ khi bức ảnh đầu tiên về một ngôi sao được chụp tại Đài quan sát Đại học Harvard vào năm 1850. Để chụp ảnh sao bằng máy ảnh của điện thoại, hãy sử dụng night mode (có trên các điện thoại Android và iPhone mới hơn), cho phép bạn ghi lại thời gian phơi sáng (exposures) trong vài giây hoặc lâu hơn. Chân máy và bộ kích hoạt màn trập Bluetooth (Bluetooth shutter trigger) sẽ cải thiện thêm kết quả của bạn.
Nhiều địa điểm trên khắp Hoa Kỳ có bầu trời tối, đầy sao, lý tưởng để ngắm sao. Flagstaff ở Arizona, có bầu trời đầy sao nhất cả nước, cũng như Công viên quốc gia Big Bend ở Texas. Công viên tiểu bang Cherry Springs ở Pennsylvania được coi là ốc đảo bầu trời đầy sao ở vùng Đông Bắc, ngoài ra lại có rất nhiều ánh sáng ban đêm đến từ các thành phố lân cận. Ở vùng Trung Tây, Beverly Shores, Indiana, tuy gần các khu vực đô thị, nhưng bất ngờ lại có bầu trời tối, là vì Hồ Michigan ở phía bắc khiến bầu trời gần bờ hồ tối đi.
Thiên văn học là ngành khoa học lâu đời nhất, cũng khiến nó trở thành sở thích (hobby) khoa học lâu đời nhất. Khi còn là một thiếu niên ở Ohio vào đầu những năm 1900, Leslie Peltier đã bị mê hoặc bởi các vì sao. Ngày nay, ông được nhớ đến một cách trìu mến như nhà thiên văn học không chuyên nghiệp vĩ đại nhất thế giới. Ông qua đời vào năm 1980, sau khi phát hiện ra hàng chục sao chổi và đã gửi hơn 100,000 quan sát về các vì sao cho American Association of Variable Star Observers (Hiệp hội Quan sát Sao Biến thiên Hoa Kỳ) trong suốt cuộc đời mình.
Một nhà thiên văn học người Mỹ khác, Garrett Serviss, đã từng viết, “Ngắm sao là liều thuốc tuyệt vời cho tâm hồn”. Nhưng có một vấn đề lớn đang ảnh hưởng đến những người ngắm sao trên toàn thế giới: ô nhiễm ánh sáng, do ánh sáng ngoài trời quá mức hoặc chiếu sai hướng. Sự lan rộng của ô nhiễm ánh sáng trong nửa thế kỷ qua là lý do chính khiến khoảng 90% người Mỹ chưa bao giờ nhìn thấy Dải Ngân Hà và 80% gặp khó khăn khi cố nhìn mới thấy các ngôi sao gần nhà họ.
Chúng ta đều biết chim bay về phương nam để trú đông. Nhưng làm sao chúng tìm được đường? Một nghiên cứu năm 1967 được tiến hành tại Đại học Cornell dưới bầu trời nhân tạo của một cung thiên văn cho thấy chim sẻ chàm (indigo bunting), một loài chim hót phổ biến ở miền đông Hoa Kỳ và Canada, thu thập thông tin định hướng từ các mẫu sao như chòm sao Đại Hùng để định hướng cho cuộc di cư hàng năm của chúng.