Tại một số địa điểm, bạn có thể thấy những vật dụng khác thường, dường như đặt sai chỗ sai nơi, không chỉ là những đôi giày treo toòng teng trên dây điện (đã được Trần Lý Lê giải thích ý nghĩa trên báo Trẻ số mới đây), mà còn có thể là một số vật dụng khác, chẳng hạn như:

NHIỀU KỲ – KỲ 3

Những quả bóng màu trên đường dây điện

Bạn có thể lái xe qua cùng một đường dây điện hàng ngày mà không để ý tới những quả cầu đầy màu sắc treo trên đó. Chúng có phải là những tác phẩm nghệ thuật công cộng lạ mắt? Hoặc chúng ở đó để “trì” những sợi dây điện xuống cho gió khỏi làm đong đưa?

Những điểm đánh dấu đầy màu sắc này trên các đường dây điện khắp đất nước, thực ra, có một lời giải thích khá đơn giản.

Tên gọi

Được biết đến với tên marker balls (những quả bóng đánh dấu), và với khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ, chúng cho biết vị trí của các đường dây điện để máy bay bay thấp có thể tránh đụng vào dây điện. Còn được gọi là aerial marker balls (bóng đánh dấu trên không) hoặc visibility markers (đánh dấu tầm nhìn), ta thường thấy trên các dây cáp băng qua đường xa lộ chính hoặc chạy qua hẻm núi hoặc thung lũng sâu. Cơ quan Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration – FAA) quy định rằng các quả bóng phải được treo trên các dây điện băng qua hẻm núi, hồ và sông, cũng như những dây điện bao quanh sân bay.

Xem thêm:   Trứng

Màu khác nhau

Các màu phổ dụng nhất trong ngành hàng không là cam, trắng và vàng, vì dễ nhìn thấy rõ nhất. Tuy nhiên, các màu trái bóng lại được chọn sao cho nổi bật nhất có thể so với hậu cảnh (background landscape), có nghĩa là bạn có thể nhìn thấy các màu khác, tùy nơi bạn sống.

Cấu tạo

Để có độ bền tối đa và giảm phai màu, những trái bóng này được làm bằng nhựa. Nhựa cũng là một chất cách điện tốt, không dẫn nhiệt, không dẫn điện. Và tuy trông có vẻ nhỏ, nhưng bạn có thể ngạc nhiên về kích thước của chúng. Giống như đèn giao thông, những trái bóng này tương đối lớn – có kích thước từ 20 đến 36 inch (tương đương với một quả bóng rổ), và khá nặng: từ 11 đến 17 pound mỗi trái!

Xuất phát

Vào đầu thập niên 1970, Winthrop Rockefeller, lúc đó là thống đốc tiểu bang Arkansas, đi cùng máy bay với người đứng đầu Arkansas Department of Aeronautics, (Cơ quan Khoa học Hàng không Arkansas) là Edward Holland. Khi máy bay hạ cánh, Rockefeller nhận thấy nhiều sợi dây điện quá gần máy bay. Ông lập tức ra lệnh cho Holland phát triển cách thức để làm cho các dây điện dễ nhìn thấy hơn đối với các phi công.

Holland đã thuê kỹ sư Jack Rutledge để tạo ra những quả bóng có màu sắc rực rỡ có thể đặt trên đường dây điện và đường dây điện thoại mà không bị gió thổi bay. Đến những năm 1980, công ty của Rutledge đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới về các visibility markers. Phát minh này đã cứu sống vô số người trong nhiều thập niên kể từ đó, nhưng không chỉ có thế: ngỗng Canada cũng được hưởng lợi. Trước khi các markers được sử dụng, ngỗng thường va chạm vào đường dây điện khi chúng cố hạ cánh trong thời tiết xấu, vì vậy các nhà bảo tồn và cơ quan chính phủ bắt đầu đánh dấu đường dây để giúp chúng đáp xuống an toàn.