Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại… đã được dùng nhiều trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”…

Thành ngữ “Lưỡi gươm Damocles” xuất xứ từ câu chuyện ngụ ngôn của Cicero (một triết gia và nhà hùng biện La Mã). Trong cuốn sách “Tusculan Disputations” (Những cuộc thảo luận của người Tusculan) ra đời vào năm 45 TCN, Cicero thuật lại câu chuyện về Dionysius II, một vị vua độc tài đã cai trị thành phố Syracuse (một trong những thành phố cổ thuộc đảo Sicily, phía nam nước Ý) trong thế kỷ thứ tư và thứ năm TCN.

Cicero kể: Tuy thừa giàu có và quyền lực nhưng Dionysius lại thiếu sự bình an. Những luật lệ tàn bạo do ông ban hành đã mang lại cho ông quá nhiều kẻ thù và ông luôn lo sợ bị ám sát, đến nỗi phải ngủ trong một căn phòng có hào sâu bao quanh và chỉ tin cậy mỗi con gái mình trong việc cạo râu cho ông bằng một lưỡi dao cạo.

Ngày nọ, sự bực bội của nhà vua lên đến cực điểm khi một nịnh thần tên là Damocles tán tụng ông bằng hàng ngàn lời khen ngợi, rằng ngài thật là may mắn, rằng thế gian không ai hạnh phúc như ngài… Nghe lời tâu hót pha chút ganh tị này, vua lên tiếng: “Nếu cuộc sống của ta làm ngươi ưa thích, ngươi có muốn nếm thử và xem ta may mắn đến chừng nào không?” Damocles đồng ý, và Dionysius cho phép anh ta ngồi lên ngai vàng, ra lệnh một toán người hầu phục vụ các món thịt ngon, được tắm với nước hoa và xức dầu thơm.

Xem thêm:   Trứng

Damocles không thể tin được vận may của mình, nhưng ngay khi bắt đầu tận hưởng cuộc sống đế vương, anh nhận thấy trên trần nhà, ngay trên đầu mình, nhà vua đã treo một thanh gươm sắc nhọn chỉ bằng một sợi lông ngựa. Kể từ đó, sự sợ hãi về mạng sống của mình đã khiến anh không thể an tâm tận hưởng các bữa tiệc xa hoa cùng sự phục dịch của đám người hầu. Nỗi lo lắng tăng dần mỗi khi anh liếc nhìn lên lưỡi gươm treo lủng lẳng trên đầu mình, cuối cùng anh cầu xin vua được miễn thứ, không còn muốn được may mắn như vậy nữa.

Đối với Cicero, câu chuyện về Dionysius và Damocles hàm ý rằng những người cầm quyền luôn luôn bất an bởi bóng ma của sự lo lắng và cái chết, và “một người luôn phải lo sợ thì không thể có hạnh phúc”. Ngụ ngôn này về sau trở thành một đề tài quen thuộc trong văn học, và cụm từ “Lưỡi gươm Damocles” thường được sử dụng để mô tả một mối nguy hiểm đang rình rập. Câu nói tương tự là: “treo bằng sợi chỉ” (“hanging by a thread”) để ám chỉ một tình huống nguy hiểm bấp bênh.

Một trong những trường hợp nổi tiếng mà thành ngữ này được sử dụng là vào năm 1961 trong Chiến Tranh Lạnh, khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trước Liên Hiệp Quốc: “Mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang sống dưới một lưỡi gươm Damocles của vũ khí hạt nhân, treo bằng những sợi chỉ mỏng manh nhất, có thể bị cắt đứt bất kỳ lúc nào do tai nạn, tính toán sai, hoặc sự điên rồ”.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Ngoài ngụ ý nói trên, thành ngữ “Lưỡi gươm Damocles” còn khuyên ta hãy hài lòng với những gì mình có và đừng bao giờ ghen tị với những gì người khác có.