Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại… đã trở thành thông dụng trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”…

Theo thần thoại Hy Lạp, Achilles là con trai của Peleus (vua Hy Lạp, một chiến binh hùng mạnh người trần thế) với Thetis (nữ thần biển cả).

Khi mới sinh Achilles, nữ thần Thetis nhận được một lời tiên tri nói con trai bà sẽ chết trong một trận chiến, nên bà đã cầm gót chân nhúng thân thể Achilles vào nước Styx – con sông thiêng phân chia ranh giới âm phủ và trần gian. Vua Peleus nhìn thấy vậy, đã tưởng lầm là vợ có ý hại con, nên tức giận tuốt kiếm xông ra. Nữ thần Thetis cũng không ở lại giải thích cho chồng mình hiểu lý do mà bỏ ngay về thủy cung trong khi chưa kịp nhúng hai gót chân của con xuống nước.

Kể từ đó, Achilles vừa có sức mạnh thần thánh bất khả chiến bại, vừa có thân thể mình đồng da sắt mọi đao kiếm trên đời đều không thể hại được – ngoại trừ một điểm yếu duy nhất là gót chân, chỗ không được nhúng vào nước thiêng và vẫn còn là da thịt phàm nhân.

Ngoài sức mạnh phi thường của dòng máu có một nửa là Thần linh, Achilles còn rành về các kỹ năng ở đấu trường. Chàng được thay ống xương chân bằng xương của người khổng lồ để thành người chạy nhanh nhất; được thay gan sư tử và tim của gấu để trở thành người quả cảm, không biết sợ trời sợ đất. Khi tấn công thành Troie (hay Troy), Achilles đã đánh bại hoàng tử Hector, giết chết 7 người con của vua Priam và hạ gục nữ hoàng Amazon…

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Nhưng chính khả năng phi phàm và sự kiêu ngạo của Achilles đã khiến cho thần linh nổi giận và kết quả là bị Thần mặt trời Apollo mách điểm yếu chết người của chàng cho hoàng tử Paris (con của vua Priam thành Troie) dùng cung tên bắn vào gót chân giết chết.

Từ đây, “Gót chân Achilles” đã trở thành thành ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu chí tử của mỗi con người, dù tài giỏi hay hùng mạnh tới đâu.

Trong y học, gân của cơ bám vào gót chân được gọi là “gân Achilles” vì khi bị đứt gân này người ta không thể đi lại được. Ngày xưa khi bắt được kẻ trộm, người ta trừng phạt bằng cách cắt đứt “gân Achilles” của chúng để không thể đi ăn trộm được nữa dù còn nhiều thủ đoạn và sức lực.