LỜI GIỚI THIỆU:

Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế.  Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.

Email: bientap@trenews.net

Nhắn tin (text only) câu hỏi đến

469-328-3453

hoặc gởi thư về tòa soạn:

3202 N. Shiloh Rd.,

Garland, TX 75044

HỎI: Năm ngoái, người CPA quen (Việt Nam) của tôi có việc emergency nên không làm thuế cho tôi được. Tôi sang một CPA người Mỹ trắng, họ làm vẻ rất chuyên nghiệp, nhưng tôi trả chi phí dịch vụ cao hơn nhiều, và tiền phải đóng thuế rất cao (ít nhất gấp 3 lần). Có người nói tôi bị “kỳ thị”, nhưng tôi không chắc lắm về nhận xét này.  Chị Đài Thi có thể cho một nhận xét làm sao có sự khác biệt khá lớn về việc này không?

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 4 tháng 4 năm 2024

ĐÁP:  Thưa anh, lần đầu tiên tôi nghe vấn đề “kỳ thị” trong lãnh vực khai thuế vì do lệ phí cao và phải đóng thuế nhiều.  Theo nhận xét cá nhân của tôi thì không phải vậy.

Thông thường những dịch vụ khai thuế của người Mỹ họ tính lệ phí cao hơn dịch vụ khai thuế của người Việt, Mễ v.v.  Không hẳn là vì người Mỹ chuyên nghiệp hơn, mà là vì họ tính theo giá thị trường Mỹ và khách hàng của họ sẵn sàng trả giá đó.

Hơn nữa, CPA Mỹ ít khi cạnh tranh và xuống giá để kiếm thêm khách.  Họ tự tin vào khả năng chuyên môn của họ cho nên họ tính tiền công tương đương với khả năng đó. Họ không đặt quan trọng là phải có đông khách.  Họ chọn lựa thân chủ nào quý trọng tài sức của họ và họ có thể làm việc lâu dài với thân chủ đó. Thậm chí có khi họ không nhận khách mới hoặc khách hay thay đổi người khai thuế hằng năm.

Còn tại sao người CPA Mỹ khai thuế thì anh phải đóng thuế nhiều hơn, thì thật sự khó trả lời rõ ràng vì tôi không xem được mẫu thuế của anh do CPA Việt và CPA Mỹ khai, cho nên tôi không rõ trường hợp thuế của anh có những vấn đề gì.

Nói chung, không phải lúc nào mình lấy tiền thuế về nhiều hoặc đóng thuế ít đều là do người khai thuế giỏi. Thật sự luật thuế khá rõ ràng, nếu CPA Việt và Mỹ áp dụng giống nhau cho trường hợp của anh thì số tiền anh phải đóng thuế cũng nên tương tợ nhau. Nếu có khác biệt thì chút đỉnh thôi chứ không đáng kể.

Xem thêm:   Phúc Lợi Xã Hội ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đằng này anh phải đóng thuế nhiều gấp ba lần.  Điều này làm cho tôi đoán có thể là vì:  (1) thu nhập và chi phí của anh trong năm này có thể khác với năm trước, (2) cách khấu trừ thuế của CPA Việt và Mỹ khác nhau – chưa rõ ai đúng ai sai, và (3) thuế năm 2023 thật ra có cao hơn thuế năm 2020-2022, vì đã hết dịch Covid.

HỎI: Vợ chồng tôi định sang lại một cửa hàng tạp hóa grocery ở vùng quê. Chúng tôi đã đi xem tiệm và khá ưng ý. Nhưng nghe nói ở khu vực đó bị mất cắp rất nhiều. Người môi giới bảo cứ yên tâm, vì hàng hóa mất cắp sẽ được khấu trừ thuế. Chúng tôi hoàn toàn mới trong lãnh vực này. Xin chị giải thích thêm về lĩnh vực “quyền lợi” này được không ạ?

ĐÁP: Xin thưa, số hàng hóa bị mất cắp được khấu trừ thuế, nhưng chỉ trừ được theo giá mua chứ không phải giá bán hoặc giá trị món hàng. Ví dụ như giá mua hàng là 100 đô la, giá bán là 150 đô, thì anh chị chỉ trừ được 100 đô giá vốn.

Tuy hàng bị mất cắp được khấu trừ thuế, nhưng tính ra thì vẫn là tiền vốn bị mất. Khấu trừ thuế để cho số tiền đóng thuế được giảm đi chút đỉnh nhưng không giảm 100% so với số tiền hàng vốn bị mất.

Ví dụ như trong năm tiệm lời được 100,000 đô nhưng không bị mất cắp, thì sẽ phải đóng thuế 25,000 đô (thuế suất minh họa 25% x 100,000). Nếu tiệm bị mất cắp hàng 10,000 đô, chỉ còn lời được 90,000 đô, thì sẽ phải đóng thuế 22,500 đô (25% x 90,000).  Cho nên, nếu bị mất cắp 10,000 đô thì sẽ giảm thuế được 2,500 đô (25,000 – 22,500). Tính ra thì anh chị vẫn bị thiệt thòi 7,500 đô.

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 18 tháng 4 năm 2024

Nói tóm lại là cho dù được khấu trừ thuế hàng bị mất cắp, anh chị chỉ được bù thuế khoảng 25% thôi (tùy theo mức thu nhập của tiệm, mức thuế được giảm có thể nhiều hoặc ít hơn 25%).  Anh chị vẫn bị mất 75% phần còn lại.  Anh chị trừ số tiền mất cắp 75% này vào số tiền lời hằng năm thì anh chị sẽ có con số lời chính xác hơn, trước khi quyết định mua tiệm.

HỎI: Tôi nấu thức ăn tại nhà và quảng cáo bán qua Facebook.  Những khách đến nhà tôi mua thức ăn có khi trả bằng tiền mặt, có khi trả bằng Zelle.  Zelle và Facebook có báo cho Sở Thuế biết không? 

ĐÁP:  Xin thưa, hiện tại thì Sở Thuế không đòi hỏi Facebook phải báo cho Sở Thuế những ai mua bán hàng trên mạng Facebook. Tuy nhiên, Sở Thuế bắt buộc những dịch vụ nhận tiền như Zelle, PayPal, CashApp, v.v. phải cấp mẫu 1099-K cho những người nhận tiền, và đồng thời cũng phải gửi một bản sao cho Sở Thuế.

Năm 2023 Sở Thuế có ra luật bắt buộc cấp mẫu 1099-K cho những ai nhận được 600 đô la trở lên, nhưng Sở Thuế vừa mới quyết định thu hồi lại luật này cho năm 2023.  Thay vào đó, bắt đầu vào năm 2024, những ai nhận được 5,000 trở lên sẽ nhận được mẫu 1099-K.

NĐT